Năm vừa qua, bên cạnh những vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục bị khởi tố, thì cũng có những nhiều tín hiệu tích cực trong công tác quản lý, đổi mới giáo dục.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) đã có những gửi gắm mong giáo dục cất cánh trong năm mới.
Phóng viên: Việc thi tuyển hiệu trưởng đã được thực hiện tại một số địa phương với mục tiêu chọn được người đứng đầu cơ sở giáo dục có đủ năng lực. Tuy nhiên đối tượng tham gia thi còn hạn hẹp do vướng phải vấn đề là cần phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Trong khi đó, để có trình độ lý luận đó thì phải được nhà trường giới thiệu đi học. Bà nhận định sao về việc này?
Bà Bùi Thị An: Việc thi tuyển hiệu trưởng là tín hiệu tốt, cho thấy sự minh bạch và công khai. Tuy nhiên vẫn chưa đủ mà cần phải mở rộng đối tượng dự tuyển, có bó đũa gồm nhiều chiếc đũa thì ta mới chọn được. Ví như trong 100 chiếc đũa, thì chắc chắn ta sẽ chọn được "cột cờ" hơn là 10 chiếc.
Cần nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia thi, còn hạn hẹp sẽ không chọn được người chuẩn, mà chỉ loanh quanh những "gương mặt thân quen".
Thứ hai, tôi đề nghị xây dựng tiêu chí nhưng có những tiêu chí lõi không thể bỏ qua được, nhưng có những tiêu chí ta xem xét để khi họ làm hiệu trưởng có thể bổ sung được, ví như trung cấp lý luận chính trị.
Cái cốt lõi mà tôi nói ở đây là trình độ quản lý, trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, chương trình hành động của người dự tuyển là vô cùng quan trọng.
Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để mở rộng đối tượng dự tuyển, bởi chỉ có Bộ mới hiểu rằng vị trí đó cần những yếu tố gì và trong quá trình đào tạo đã đủ chưa.
Cần phải có sự thống nhất chung, bởi đặc thù của mỗi địa phương là khác nhau nhưng khung là phải thống nhất.
Phóng viên: Có quan điểm cho rằng, nên mở rộng đối tượng dự tuyển hiệu trưởng, hiệu phó đối với những cử nhân học đúng chuyên ngành quản trị giáo dục?
Bà Bùi Thị An: Đối với những người là cử nhân học chuyên ngành quản trị giáo dục thì tôi nhận định kiến thức họ hơn so với những người khác, tuy nhiên liệu đã đủ để vào hiệu trưởng chưa lại là vấn đề khác. Vì vậy, nơi đào tạo ngành quản trị giáo dục cần phải nâng cao chất lượng hơn nữa để phù hợp nhu cầu thực tiễn.
Thực tiễn hiện nay, lãnh đạo trong nhiều ngành nghề còn yếu kém trong lĩnh vực quản trị, vì vậy các sai phạm trong quản lý xảy ra nhiều tại địa phương trong năm qua.
Đối với người làm quản lý thì không cần phải giỏi hết về chuyên môn, nhưng phải nắm rõ biện pháp quản lý về con người, chất lượng học...
Yếu tố quan trọng trong quản trị giáo dục là cần tạo môi trường sáng tạo cho giáo viên, phải đoàn kết, đó là vai trò quan trọng của người điều hành, quản lý.
Phóng viên: Thực tế hiện nay, tại nhiều trường học, qua phản ánh, thanh tra đã phát hiện ra việc Hiệu trưởng chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm, lạm thu lạm chi tràn lan khiến phụ huynh học sinh bức xúc. Bà nhận định sao về việc này và làm sao để ngăn chặn tình trạng này?
Bà Bùi Thị An: Việc học thêm, dạy thêm hiện nay đã giảm đi rất nhiều so với trước đây, bởi có sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, tại nhiều trường vẫn còn hiện tượng dạy "chui".
Bên cạnh đó, có những giáo viên dạy kiến thức trong trường thì rất ít, trong khi đi dạy thêm thì rất đầy đủ, điều này làm giảm đi lòng tin của các phụ huynh đối với giáo dục. Trong khi đó, giáo dục rất cần sự tin tưởng của người dân.
Vì vậy, theo tôi biện pháp để giải quyết vấn đề trên là nâng lương cho đội ngũ giáo viên, để họ có điều kiện kinh tế, lo cho gia đình và tập trung vào việc dạy ở trường lớp.
Tôi cũng đề nghị loại bỏ hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm, để tập trung vào việc dạy tại trường đầy đủ kiến thức cho học sinh.
Đối với đề xuất của Bộ Giáo dục về việc đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tôi không đồng ý với đề xuất này. Bởi lẽ kinh doanh giáo dục sẽ làm mất hết đi hình ảnh đẹp của giáo viên.
Hiện nay, tình trạng lạm thu, lạm chi trong nhiều trường cũng khiến phụ huynh rất bức xúc, tôi đề nghị các cơ quan quản lý cần phải xử lý việc này nghiêm khắc. Bởi lẽ, tình trạng này sẽ dễ dẫn đến sự coi thường đối với giáo viên, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.
Phóng viên: Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nói riêng và nền giáo dục nói chúng, theo bà cần phải làm những công việc gì?
Bà Bùi Thị An: Chúng ta cần phải có chế độ đặc thù đối với từng trường sư phạm, đồng thời phải tạo điều kiện để những người có đức, có tài sống được bằng công việc giảng dạy. Làm sao ngăn chặn triệt để được việc chạy biên chế, vị trí công tác trong lĩnh vực giáo dục.
Đối với giáo viên, cần phải có sự quản lý, đánh giá giáo viên thường xuyên, ai mà không đạt thì phải có trình thải hồi, để đảm bảo chất lượng dạy thật, học thật.
Phóng viên: Không chỉ riêng việc thi tuyển Hiệu trưởng, thời gian vừa qua nhiều người nói đến chuyện tuyển chọn cán bộ thay vì quy hoạch cán bộ nên tổ chức thi tuyển. Tại Hội nghị tổng kết của Bộ Nội vụ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nói đến vấn đề thi tuyển để chọn cán bộ. Bà có thể chia sẻ quan điểm của mình vấn đề này?
Bà Bùi Thị An: Thi tuyển là cần thiết, nhưng để đánh giá người cán bộ có xứng ở vị trí đó hay làm tốt nhiệm vụ của mình sau khi thi thì cần phải có quá trình. Bởi công tác lãnh đạo thì phải thể hiện qua thực tiễn, có người lý thuyết rất giỏi nhưng thực tiễn lại kém.
Trân trọng cảm ơn bà!