Đại học Thanh Hoa là đại học đa ngành, đa lĩnh vực ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Theo Time Higher Education (THE) năm 2022, Đại học Thanh Hoa xếp thứ 16 những đại học danh tiếng nhất của thế giới.
Sau khi hoàn thành chương trình học tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, chị Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1985, Hải Phòng) được trường giữ lại công tác.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hà tại khuôn viên Đại học Thanh Hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Kể về quá trình du học của mình, chị Thu Hà cho biết sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, mình bàn với mẹ về mong muốn du học Trung Quốc.
Lý giải về quyết định này, chị Hà chia sẻ: “Những năm 2000-2003 là khoảng thời gian có rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, Đài Loan đến Hải Phòng xây dựng nhà máy, công xưởng. Mình thấy đó là cơ hội tốt mở ra đối với những người thông thạo tiếng Trung”.
Vì điều kiện kinh tế hạn hẹp, chị Hà chọn học Đại học Quảng Tây (Thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây), gần biên giới Việt Nam, có mức học phí và sinh hoạt dễ thở hơn để bám trụ.
Chị Thu Hà kể: “Tháng 3/2004, mình lên tàu đi đường bộ qua tỉnh Quảng Tây với số tiền ít ỏi để nhập học. Thông thường thời gian học tiếng là một năm nhưng vì muốn hạ thấp chi phí nên mình chỉ đăng ký một kỳ.”
Để vào được đại học trường yêu cầu phải có HSK 4, nhưng để thi HSK 4 trong vòng nửa năm đối với một người có nền tảng từ con số 0 thì cực kỳ vất vả. Lượng từ vựng, kỹ năng đọc hiểu, nghe nói đều phải vững thì mới đi qua được.
Tháng 9/2005, chị Hà nhập học bậc đại học ở Đại học Quảng Tây ngành Tài chính – Ngân hàng.
So với các ngành Thương mại hoặc Kinh tế thì ngành Tài chính khó hơn ở chỗ phải thi nhiều môn liên quan đến toán.
Trong thời gian học đại học, để trang trải cuộc sống chị Hà làm nhiều công việc khác nhau như thu âm ghi hình cho những cuốn sách dạy giáo trình tiếng Việt cho người nước ngoài, đi phiên dịch, …
Chị Nguyễn Thị Thu Hà trong một lần dịch trực tuyến cho Hội nghị về thị trường tài chính các nước Asean. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Mỗi lúc cảm thấy áp lực và muốn bỏ cuộc, chị Hà thường hồi tưởng về ký ức thời niên thiếu và tâm niệm: “Nếu mình không vượt qua ngưỡng cửa này thì khó khăn sẽ quật mình gục ngã, rồi mình sẽ quay lại với bờ đê, với lũy tre làng và vĩnh viễn không thể vượt lên được. Nên dù biết mỗi trải nghiệm, thử thách đều không tránh khỏi gian nan, thậm chí vấp ngã, nhưng ngã ở chỗ nào ta đứng lên ở chỗ đó và bước tiếp.”
Dù muốn tiếp tục học lên thạc sỹ, nhưng khi đó học phí 3 năm cũng khoảng 200 triệu đồng nên chị Thu Hà dự định học xong sẽ trở về Việt Nam làm việc.
Cơ hội đến vào năm tư đại học, chị Hà làm hồ sơ giành học bổng chính phủ Trung Quốc bậc thạc sỹ tại Đại học Quảng Tây, ngành Tài chính – Chứng khoán. Học bổng bao gồm toàn bộ chi phí cho 3 năm học, ký túc xá, bảo hiểm, cộng thêm sinh hoạt phí 3.000 tệ khoảng 10 triệu đồng.
Trong thời gian học thạc sỹ, vì là thành viên trong Viện nghiên cứu kinh tế Asean (thuộc Đại học Quảng Tây) nên để rút ngắn thời gian học thạc sỹ, chị Hà viết các bài báo khoa học về thị trường chứng khoán của các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vốn chỉ cần một bài để đủ điều kiện tốt nghiệp sớm 1 năm, nhưng khi chưa hoàn thành chương trình học chị Hà đã có trong tay 3 bài báo khoa học.
Chị Hà cho biết: "Lớp thạc sỹ của tôi có 25 học viên nhưng có tới 23 người Trung Quốc chỉ có tôi người Việt Nam và một bạn người Campuchia. Nếu nói riêng về tiếng Trung, thì du học sinh có nhiều lợi thế hơn hẳn so với các bạn thuộc các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Lào, Thái Lan. Vì chúng ta được tiếp cận nhiều với chữ Hán nôm nên cách phát âm hay đọc hiểu đều dễ dàng hơn những nước trên.
Nhưng xét về chuyên môn thì du học sinh không có bất kỳ lợi thế nào. Vì nhà trường quy định phải tham gia học và thi đủ số học phần như sinh viên bản địa, phải đăng báo và viết luận văn, bảo vệ luận văn trước hội đồng như sinh viên Trung Quốc. Khi luận văn vào khâu hoàn tất, học viên phải gửi đi thẩm định chất lượng bằng phương thức ẩn tên. Lúc này, học viên nước ngoài gặp nhiều hạn chế vì theo quy định nội dung của luận văn không được trùng lặp với các tài liệu sẵn có trên mạng quá 5%".
Thêm vào đó việc nghiên cứu để viết các bài báo khoa học cũng rất khó. Vì các số liệu được cung cấp ban đầu khá thô sơ, để chạy ra được mô hình và chứng minh lý thuyết với thực tế hoàn toàn khớp nhau thì phải mất rất nhiều thời gian.
Tốt nghiệp thạc sỹ trong 2 năm, có trong tay 3 bài báo khoa học, năm 2012, chị Thu Hà nộp hồ sơ học bổng chính phủ Trung Quốc (CSC) bậc tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa và học bổng thành phố Thượng Hải tại Đại học Tài chính Thượng Hải ngành Tài chính – Tiền tệ. Và may mắn nhận được thư chấp thuận của cả hai đại học, cuối cùng, chị Hà chọn Đại học Thanh Hoa là nơi học tiến sĩ.
“Thanh Hoa rất chú trọng thành quả nghiên cứu. Hội đồng tuyển sinh duyệt hồ sơ không phải nhìn xem thành tích mình cao tới đâu, cũng không xem mình đã tham gia hoạt động ngoại khoá nào, cũng không cần biết mình xuất phát từ trường top hay trường bình thường.
Các thầy cô coi trọng thành quả nghiên cứu, nên năm 2012 tôi được tuyển thẳng vào hệ tiến sĩ của trường mà không cần thi viết như các thí sinh khác. Tôi chỉ cần tham gia phỏng vấn của học viện", chị Thu Hà chia sẻ.
Đã trải qua một buổi chiều phỏng vấn với 6 thầy trong khoa, mỗi thầy hỏi 2 câu, đến tận bây giờ, chị Thu Hà vẫn nhớ như in từng câu hỏi ngày hôm ấy.
Bạn đã theo học ngành Tài chính 6 năm. Vậy bạn đã trang bị cho mình được những hành trang kiến thức nào để bước vào học tiến sĩ?
Tại sao bạn chọn Thanh Hoa chứ không phải Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh) hay 1 trường nào khác?
Bạn có biết là Thanh Hoa rất gắt gao trong việc tuyển sinh đối với tiến sĩ là du học sinh không? Bạn có biết chương trình đào tạo tiến sĩ của chúng tôi yêu cầu cao đến mức nào không?
Bạn phải học và thi rất khổ sở trong 3 học kỳ đầu, gồm Kinh tế lượng cao cấp, Kinh tế vĩ mô cao cấp, Kinh tế vi mô cao cấp ở 20 học phần từ các môn tự chọn khác, bạn dự định sẽ vượt qua nó bằng cách nào khi mà chúng tôi giảng bài bằng cả tiếng Anh và Trung song hành?
Nếu may mắn vượt qua được 3 học kỳ đầu thì bạn dự tính sẽ viết luận án tốt nghiệp bằng phương thức nào, đề tài nào?
…
Chị Thu Hà cho biết theo quy định của trường muốn tốt nghiệp tiến sĩ thì bắt buộc phải có 3 bài báo khoa học đăng trên tạp chí SSCI. Sinh viên Trung Quốc hay du học sinh thì đều học, thi cử, đăng báo, bảo vệ luận án. Du học sinh sẽ không được hưởng bất cứ ưu đãi nào so với sinh viên bản địa.
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Tài chính, chị Hà được giữ lại Viện Nghiên cứu học thuật và Thực hành kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa công tác và công việc hiện tại là nghiên cứu về kinh tế các nước ASEAN, xử lý số liệu, mô hình để làm các đề tài nghiên cứu và đăng các bài báo khoa học.