Ngăn chặn chiêu “cấy” điểm, Bộ cần kiểm soát cả những môn không thi tốt nghiệp

30/01/2022 07:41
Cao Nguyên
GDVN- Nhiều trường cho điểm vô tội vạ những môn không thi tốt nghiệp để tăng điểm trung bình cả năm, giúp học sinh có lợi khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Từ năm 2020, kì thi nghiệp trung học phổ thông được giao về cho các địa phương chủ trì tổ chức, trường đại học chỉ cử người thanh tra, chứ không đồng tổ chức như mọi năm.

Nhằm đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông, tính trung thực trong tổ chức kì thi ở địa phương, kể từ năm 2020 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đối sánh điểm trung bình 9 môn thi tốt nghiệp với điểm trung bình học bạ lớp 12 của 9 môn học tương ứng.

Cụ thể, điểm trung bình của 9 môn thi tốt nghiệp bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (3 môn bắt buộc) Vật lí, Hóa học, Sinh học (tổ hợp Khoa học tự nhiên), Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân (tổ hợp Khoa học xã hội).

Ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, Khoản 5 Điều 56 quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục như sau: Đối sánh kết quả thi và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi.

Như vậy, so với quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục có thêm trách nhiệm đối sánh kết quả thi tốt nghiệp năm 2021 và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh.

Mặc dù Bộ Giáo dục đối sánh kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh, thế nhưng, theo tìm hiểu của cá nhân người viết, nhiều trường trung học phổ thông vẫn cho điểm vô tội vạ (trừ môn Thể dục) những môn không thi tốt nghiệp.

Học sinh giỏi "ảo" ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Học sinh giỏi "ảo" ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Những môn không thi tốt nghiệp, đó là: Công nghệ, Tin học, Giáo dục quốc phòng an ninh. Nhiều trường có hiện tượng thả nổi điểm số những môn học này để tăng điểm trung bình cả năm, giúp học sinh có lợi khi xét tốt nghiệp.

Bởi, các môn học bình đẳng như nhau (không còn nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn như trước), nếu điểm trung bình môn của các môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục quốc phòng an ninh cao, kéo theo điểm trung bình cả năm của học sinh sẽ cao.

Học sinh có điểm trung bình cả năm cao có nhiều lợi thế khi xét tốt nghiệp, vì trong quy chế thi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục quy định các địa phương xét tốt nghiệp cho học sinh theo công thức 70% điểm thi tốt nghiệp + 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh.

Người viết đã từng chứng kiến nhiều học sinh lớp 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh có điểm trung bình môn những môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục quốc phòng an ninh đẹp như mơ, toàn trên 8.0 thậm chí trên 9.0, trong khi lực học của các em không phải ở mức giỏi.

Những lần kiểm tra định kì (giữa kì, cuối kì), nếu như các môn thi tốt nghiệp được được tổ chức kiểm tra nghiêm túc (trộn danh sách học sinh theo phòng, theo số báo danh) thì các môn không thi tốt nghiệp được kiểm tra theo hình thức “thoáng" hơn.

Đó là, học sinh vẫn kiểm tra theo đơn vị lớp, trong khi có lớp sĩ số lên đến 50 học sinh, chỉ có một giám thị nên việc giám sát các em là khó khăn.

Nếu những môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục quốc phòng an ninh được kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm thì càng tạo cơ hội cho học sinh có điểm cao, vì các em rất dễ trao đổi bài.

Việc nhiều trường thiếu kiểm soát chặt chẽ điểm số các môn không thi tốt nghiệp dẫn đến nhiều hệ lụy trong việc dạy và học. Bởi, mục tiêu của giáo dục là đào tạo, phát triển những con người toàn diện cho xã hội gồm cả đức, trí, thể, mỹ.

Nếu giáo viên dễ dãi trong đánh giá thì sẽ thiếu đầu tư chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác giảng dạy. Còn học sinh thì coi nhẹ môn học, dẫn đến sự phân biệt môn chính, môn phụ, đầu tư nhiều cho môn này nhưng lại bỏ bê việc học môn kia.

Tôi thỉnh thoảng có quan sát những giờ học môn Tin học mà cảm thấy buồn lòng. Đó là, khi giáo viên bộ môn ngồi trên bàn làm việc hoặc thiếu bao quát lớp là rất nhiều học sinh chuyển sang chơi các trò chơi điện tử.

Kể cả môn Thể dục, mặc dù môn này chỉ đánh giá học sinh theo mức Đạt hoặc Chưa đạt nhưng nhà trường và giáo viên cũng cần chú trọng kiểm soát chặt việc học của học sinh. Hiện vẫn tồn tại tâm lý coi giáo dục thể chất là môn học phụ khiến học sinh có tâm lý ngại học, hay chỉ học cho đủ điều kiện lên lớp.

Trở lại việc đối sánh kết quả thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh, năm 2020, Bộ Giáo dục đánh giá điểm trung bình học bạ và điểm thi có độ vênh, nhưng cơ bản là tương thích và tuyến tính với nhau.

Tiếp đến, kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp năm 2021 (đợt 1) và điểm trung bình từng môn thi tốt nghiệp lớp 12 của Bộ Giáo dục cho thấy có sự chênh lệch không lớn. Hầu hết môn điểm thi tốt nghiệp thấp hơn điểm trung bình học bạ lớp 12, riêng môn Giáo dục công dân cao hơn.

Thế nhưng, Bộ Giáo dục chỉ mới đối sánh điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình từng môn thi tốt nghiệp lớp 12 mà bỏ qua điểm trung bình các môn không thi tốt nghiệp nên vẫn chưa kiểm soát được chất lượng dạy học ở những môn này.

Dẫu biết rằng, Bộ Giáo dục cũng có cái khó vì những môn Công nghệ, Tin học, Giáo dục quốc phòng an ninh không có mặt trong kì thi tốt nghiệp nên thiếu dữ liệu để đối sánh. Tuy vậy, Bộ Giáo dục cần thanh tra, giám sát việc dạy học các môn này để chấn chỉnh kịp thời việc “cấy” điểm như bài viết đã nêu.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/tin-van-ban-moi/phai-doi-sanh-ket-qua-thi-tot-nghiep-thpt-va-diem-trung-binh-lop-12-186-29548-article.html

https://vnexpress.net/ket-qua-doi-sanh-diem-thi-tot-nghiep-va-hoc-ba-4153389.html

https://vnexpress.net/ket-qua-doi-sanh-diem-thi-tot-nghiep-thpt-va-hoc-ba-4331564.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên