Những gợi mở để thu hút nhân tài tới làm việc, cộng tác với các trường ĐH VN (1)

01/02/2022 06:45
Tiến sĩ Phạm Long - Giảng viên Đại học Louisiana, Mỹ
GDVN- Một trong những kênh chính tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đó chính là các trường đại học...

Để các đại học Việt Nam cất cánh thì vấn đề thu hút nhân tài tới làm việc và cộng tác cần phải được quan tâm đặc biệt, nhân dịp đầu năm mới 2022, Tiến sĩ Phạm Long - Giảng viên Đại học Louisiana (Mỹ) đã gửi tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng đăng tải bài viết với 2 phần. Phần 1 là điểm lại các đề án để hình thành nguồn nhân tài cho các trường đại học. Phần 2 là những gợi mở để thu hút nhân tài tới làm việc và cộng tác với các trường Đại học Việt Nam.

Tầm quan trọng của nhân tài trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước đã được ông cha ta khẳng định từ xa xưa và được đúc kết qua câu nói nổi tiếng của vị quan đức độ và tài giỏi triều Lê, đó là Thân Nhân Trung. Câu nói này vẫn còn khắc ghi trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết”.

Tiến sĩ Phạm Long. Ảnh: Tiến sĩ Phạm Long cung cấp

Tiến sĩ Phạm Long. Ảnh: Tiến sĩ Phạm Long cung cấp

Tiếp nối truyền thống đào tạo và trọng dụng nhân tài của cha ông, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã triển khai nhiều chủ trương, chiến lược và sách lược trong việc khơi thông các nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng, hình thành và sử dụng nhân tài ở Việt Nam. Một trong những kênh chính tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đó chính là các trường đại học.

Với triết lý muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì trước tiên phải có đội ngũ giảng viên giỏi – những người trực tiếp tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã cụ thể hóa và triển khai các đề án để hình thành nguồn nhân tài cho các trường đại học hay cơ sở nghiên cứu, ví dụ đã hoàn thành Đề án 322, Đề án 911, và chuẩn bị có thêm Đề án 89.

Đề án 322 được triển khai từ năm 2000 cho đến năm 2010 với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo và bồi dưỡng cán bộ khoa học, kỹ thuật trình độ tiến sĩ, thạc sĩ và đại học tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài, hay phối hợp với nước ngoài. Đã có 7.100 người tham gia đề án này, trong đó có 4.600 người đi đào tạo ở nước ngoài (gồm 2.300 người đi học tiến sĩ). Trong số 2.300 người đi học tiến sĩ ở nước ngoài thì có 1.100 người tốt nghiệp tiến sĩ và trở về nước. Số còn lại trở về nhưng không lấy được bằng tiến sĩ, hay có bằng tiến sĩ nhưng không trở về, hay không trở về và cũng không lấy được bằng tiến sĩ. Trong số người về nước thì có hơn 30% không trở lại cơ quan cũ làm việc.

Sau khi Đề án 322 kết thúc, Đề án 911 ra đời năm 2010 với trọng tâm đào tạo các giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học và cao đẳng. Mục tiêu của Đề án 911 là sau 10 năm sẽ bổ sung được khoảng 23.000 tiến sĩ, trong số này có khoảng 10.000 người được đào tạo ở nước ngoài, 3.000 người theo hình thức phối hợp, và 10.000 người được đào tạo trong nước. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai, Đề án đã phải ngừng lại. Kết quả của Đề án được tổng kết như sau: có khoảng 2.000 người đăng ký đào tạo tiến sĩ trong nước, trúng tuyển và nhập học; 2.900 người đi học tiến sĩ ở nước ngoài; 23 người trúng tuyển học tiến sĩ theo hình thức đào tạo phối hợp, nhưng sau đó 23 người này đã bỏ.

Có nhiều quan điểm khác nhau khi đánh giá kết quả đạt được của Đề án 322 và Đề án 911. Có lẽ đa số cho rằng 2 Đề án này đã không hoàn thành được sứ mệnh của mình. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, bên cạnh một số hạn chế, 2 Đề án đã góp phần thổi một làn gió đổi mới rất mạnh vào môi trường giáo dục đại học của Việt Nam. Về hạn chế thì đã có nhiều bài báo hay các phương tiện truyền thông đại chúng đề cập tới, cơ bản là nằm ở khâu tuyển chọn và quá trình chuẩn bị.

Ví dụ, đối với Đề án 322, nếu ngay từ đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ cho phép và tiếp nhận các ứng viên nộp hồ sơ thi tuyển đã đủ tiêu chuẩn ngoại ngữ, có chứng chỉ tham gia khóa đào tạo về phương pháp nghiên cứu (gồm cả lượng và phi lượng), và có đề cương nghiên cứu chi tiết về một chủ đề mới, cụ thể nào đó, theo chuẩn mực quốc tế, thì xác suất mà các ứng viên trúng tuyển được cử đi đào tạo tiến sĩ ở các nước phát triển hoàn thành tốt và đúng hạn chương trình tiến sĩ là rất cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều ứng viên trong danh sách “trúng tuyển” chưa có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế hay có nhưng điểm thấp, nền tảng nghiên cứu yếu do chưa được học bài bản các môn về phương pháp nghiên cứu, và bản thân các hội đồng chấm thi với các thành viên trong hội đồng cũng chưa có điều kiện tiếp cận những chuẩn mực liên quan đến đánh giá một đề cương hay một bài báo khoa học quốc tế trong các danh mục uy tín (Scopus và Web of Science).

Hạn chế thứ hai đó là về kênh quản trị con người mà cụ thể là quản trị các mối quan hệ. Hầu như các trường đại học hay cơ sở đào tạo trong nước có ứng viên được Bộ Giáo Dục và Đào tạo cử đi nước ngoài học tiến sĩ, không triển khai hiệu quả kênh giao tiếp và liên lạc, mà chủ yếu phó mặc cho Bộ Giáo Dục và Đào tạo quản lý hành chính ứng viên theo hình thức báo cáo định kỳ (một kỳ hay một năm một lần).

Chính vì vậy, vô tình sợi dây liên kết về tình cảm giữa trường đại học hay cơ sở đào tạo trong nước và ứng viên đang học tiến sĩ ở nước ngoài cứ nhạt nhòa theo năm tháng, và đó cũng là một nguyên nhân khiến một bộ phận các ứng viên đã không về nước sau khi học xong, hoặc về nước nhưng tìm môi trường làm việc mới có thể là tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.

Hạn chế thứ ba đó là môi trường làm việc trong các trường đại học và cơ sở đào tạo ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhìn chung, có nhiều tiêu thức để bàn về khái niệm “nhân tài”, ví dụ nhân tài trong trường hợp là người được cử đi học và về nước với tấm bằng tiến sĩ theo chuẩn quốc tế thì họ có xu hướng làm việc theo phong cách chuyên nghiệp mà họ tiếp cận được khi còn là nghiên cứu sinh ở các trường đại học tốt ở nước ngoài.

Họ cũng có thể có xu hướng chỉ muốn tập trung vào chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu; họ muốn được tiếp cận một cách công bằng và dựa trên năng lực thật sự đối với cơ chế bình xét, giao, và triển khai đề tài khoa học các cấp; họ muốn các buổi tổng kết xếp loại lao động hàng năm được tiến hành đúng thực chất, dựa trên các tiêu chí khách quan có thể đo lường, chứ không phải cào bằng giữa người có năng lực và người không có năng lực.

Tóm lại môi trường làm việc chưa thực sự chuyên nghiệp và mức lương còn thấp trong các trường đại học nói chung là động lực khiến những người được cử đi học ở nước ngoài và tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ muốn tìm một bến đỗ mới tốt hơn cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của họ.

Khi đánh giá về Đề án 322 và Đề án 911, chúng ta cần khách quan, thậm chí cần một tầm nhìn bao quát và có tính chiến lược. Đúng là có tồn tại một số hạn chế như đã phân tích, nhưng lợi ích mà 2 Đề án này mang lại là vô cùng to lớn, đặc biệt xét về khía cạnh dài hạn và vô hình.

Mỗi một thế hệ hay cá nhân đều có vai trò và đóng góp trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Có thể nói rằng thế hệ các giảng viên đại học trước thế hệ các giảng viên tham gia Đề án 322 và Đề án 911 đã có nhiều công lao lớn trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các trường đại học ở Việt Nam, hay nói cách khác họ đã hoàn thành rất tốt sứ mệnh của bản thân.

Tuy nhiên, trong thời đại mới, với những thách thức và yêu cầu về hội nhập vào nền giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới, thì chúng ta cần tạo ra một nguồn lực nhân tài mới cho các trường đại học. Đề án 322 và Đề án 911 đã thổi một làn gió đổi mới và cải cách đáng kể vào bối cảnh hội nhập này.

Thật khó để khái quát hết những chuyển biến tích cực của tất cả các lĩnh vực đào tạo, tuy nhiên xét trong một phạm vi nhất định, cụ thể là đối với các trường đại học thuộc khối kinh tế và quản trị kinh doanh, thế hệ những giảng viên tham gia Đề án 322 và Đề án 911 đã góp phần thay đổi tư duy về giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Trước đây, việc giảng dạy tại các trường đại học thuộc khối kinh tế và quản trị kinh doanh yếu về khâu giáo trình, tài liệu.

Sau khi trở về nước, nhiều kiến thức, tài liệu và sách về kinh tế và kinh doanh đã được dịch hay biên dịch, thậm chí một số trường còn cho phép nhóm giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài trực tiếp sử dụng giáo trình bằng tiếng Anh để giảng cho các bậc đại học, thạc sĩ, và tiến sĩ. Hơn nữa, trong quá trình giảng dạy, việc sử dụng các tình huống kinh tế và kinh doanh, cũng như thúc đẩy sinh viên thảo luận nhóm và áp dụng kiến thức được học vào giải quyết các vấn đề trong tình huống, làm cho chất lượng các bài giảng được nâng lên rất cao.

Tương tác trong giảng dạy không còn đơn thuần mang tính một chiều từ giảng viên đến sinh viên, mà còn ngược lại từ sinh viên đến giảng viên, và giữa sinh viên với nhau, hay giữa sinh viên với các khách mời là những người đang làm thực tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng cách này, mức độ sẵn sàng về trang bị kiến thức sách vở, thực tế, và những kỹ năng cần thiết sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bên cạnh chất lượng giảng dạy được nâng cao, nhóm giảng viên tham gia Đề án 322 và Đề án 911 đã/đang góp phần thúc đẩy việc xây dựng các chuẩn mực nghiên cứu khoa học theo hướng tiếp cận dần những thông lệ chung của các trường đại học trong khu vực và quốc tế. Trong các trường đại học thuộc khối kinh tế và quản trị kinh doanh, về cơ bản, không còn tình trạng viết các bài báo khoa học theo cách chưa thực hiện nghiên cứu mà đã có các giải pháp rồi.

Hầu hết các bài viết hay công trình khoa học đăng trên các kỷ yếu hội thảo hay tạp chí có uy tín trong nước đi theo định dạng có phần giới thiệu, đánh giá các công trình nghiên cứu liên quan, lý thuyết nền tảng được sử dụng, mô hình và giả thiết nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, thảo luận kết quả nghiên cứu về mặt đóng góp lý thuyết và thực tế, kết luận và hướng nghiên cứu tương lai.

Mặc dù định dạng thì đơn giản là thế, nhưng theo tôi đánh giá phải công nhận một điều rằng công rất lớn thuộc về nhóm giảng viên đã tham gia Đề án 322 và Đề án 911. Họ trực tiếp mang lại một sự cách tân bắt buộc trên bước đường giúp cho các trường đại học thuộc khối kinh tế và quản trị kinh doanh hội nhập vào nền giáo dục đại học của khu vực và thế giới. Chúng ta hoàn toàn tin rằng các kết quả tương tự cũng được tạo ra trong các chuyên ngành và lĩnh vực đào tạo khác ở Việt Nam.

Nếu chúng ta coi thế hệ các giảng viên đã tham gia Đề án 322 và Đề án 911 và có bằng tiến sĩ là nhân tài hay tài sản quý, thì ở đâu họ cũng sẽ tỏa sáng, và chúng ta cần đứng trên một bình diện tổng thể và chiến lược để đánh giá sự tỏa sáng và đóng góp của họ. Có ý kiến cho rằng nhiều giảng viên được cử đi học ở nước ngoài, sau khi có bằng tiến sĩ, lại không trở lại nơi công tác cũ là các trường đại học ở Việt Nam, như thế là lãng phí tiền đầu tư của Nhà nước, hay chảy máu chất xám.

Theo tôi, đánh giá như thế là rất thiển cận, không dựa trên viễn cảnh dài hạn, và bỏ qua yếu tố vô hình trong khái niệm đóng góp. Chúng ta cần làm một khảo sát toàn diện về con số thống kê liên quan tới bao nhiêu giảng viên tham gia Đề án 322 và Đề án 911, sau khi có bằng tiến sĩ, xin được việc ở nước ngoài. Tôi tin rằng con số đó là không nhiều, bởi đơn giản rằng thị trường việc làm trong tất cả các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực “nghề giảng viên” nói riêng ở các nước phát triển có mức độ cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt.

Những nghiên cứu sinh Việt Nam sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, sẽ phải cạnh tranh với rất nhiều người bản địa và người nước ngoài khác có bằng tiến sĩ để được lựa chọn làm giảng viên tại các trường đại học của những nước phát triển. Do đó, đáng ra chúng ta phải mừng và tự hào vì người Việt Nam được trúng tuyển và làm giảng viên tại trường đại học ở nước ngoài, thì lại lo lắng với điệp khúc chảy máu chất xám.

Xin nhấn mạnh rằng, đã là nhân tài thì ở đâu họ cũng tỏa sáng, và quan trọng hơn, chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, được đặc trưng bởi mức độ hội nhập và tích hợp trong tất cả các lĩnh vực của xã hội, bao gồm giáo dục và đào tạo, hay nói cách khác, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên với biên giới vật lý giữa các quốc gia đang dần bị xóa nhòa. Nhân tài Việt Nam dù sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng khả năng đóng góp và năng lực sáng tạo của họ không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Hãy nhìn vào một tình huống đơn giản như sau. Chỉ với một thiết bị cầm tay, ví dụ điện thoại thông minh/di động hay máy tính bảng có kết nối với internet không dây, những nhân tài Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài hoàn toàn có thể giao tiếp bằng cả hình ảnh và âm thanh với các đồng nghiệp là các giảng viên trong các trường đại học ở Việt Nam, hình thành nên các nhóm nghiên cứu, truy cập vào các cơ sở dữ liệu đa dạng, phân công công việc, hợp tác với nhau trong nhiều dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau, và sản phẩm nghiên cứu có thể được trình bày hay xuất bản trên các tạp chí hay kỷ yếu hội thảo có uy tín, đó chẳng phải là đóng góp to lớn hay sao.

Hơn nữa, họ cũng có thể tư vấn cho các tổ chức khác, thậm chí là tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về những lĩnh vực liên quan đến chuyên môn của họ, giúp thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới.

Ngày nay, đâu cần giảng viên phải lên lớp theo cách thức vật lý, có nghĩa rằng có một phòng học trong một giảng đường của trường đại học, 70 hay 80 sinh viên đi đến phòng học đó, giảng viên cũng có mặt ở phòng học đó, rồi việc giảng dạy và truyền bá kiến thức diễn ra.

Không nhất thiết là như vậy, nhân tài Việt Nam đang công tác tại các trường đại học của nước ngoài hoàn toàn có thể dùng các phần mềm học trực tuyến hay các ứng dụng họp/hội thảo trực tuyến để giảng bài cho sinh viên các hệ trong trường đại học ở Việt Nam. Họ có kho tài liệu là các giáo trình được cập nhật thường xuyên và những kiến thức đương đại của thế giới, nhất định sinh viên Việt Nam sẽ hứng thú và thu được nhiều giá trị.

Nhân tài Việt Nam ở nước ngoài được hình thành từ Đề án 322 và Đề án 911 hoàn toàn có thể chia sẻ thông tin và kết nối các trường đại học ở Việt Nam với các trường đại học ở các nước phát triển, để từ đó là cơ sở tạo dựng lên các chương trình liên kết, giúp sinh viên Việt Nam sang nước ngoài học với học bổng cao, giúp các giảng viên ở Việt Nam trở thành giảng viên thỉnh giảng ở nước ngoài, giúp kết nối đồng thực hiện các dự án nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế, và cùng nhau xuất bản trên các tạp chí và kỷ yếu hội thảo chất lượng – đó chính là sự đóng góp vô giá.

Với ý nghĩa chiến lược này, thì rõ ràng lợi tức đầu tư trên đồng vốn Nhà nước cấp cho các giảng viên tham gia Đề án 322 và Đề án 911, có bằng tiến sĩ và làm việc ở nước ngoài là rất cao, chúng ta đừng lo lắng về chảy máu chất xám. Không có chất xám nào bị chảy máu cả, mà chỉ có tích tụ theo thời gian, để rồi được chia sẻ và đóng góp với phương châm cùng nhau xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp hơn thôi.

Còn về khía cạnh một số giảng viên tham gia Đề án 322 và Đề án 911, sau khi có bằng tiến sĩ, trở về nước, đã chuyển công tác sang một đơn vị khác, không phải tiếp tục làm việc ở cơ quan chủ quản cũ, theo tôi, đó là tín hiệu tốt, đáng mừng, không đáng lo. Vì sao? Đơn giản là vì làm ở đâu thì cũng là đóng góp cho đất nước.

Nhân tài có quyền chọn chỗ làm việc phù hợp với bản thân. Chỉ có chọn được nơi làm việc tốt thì họ mới có khả năng phát huy tối đa năng lực của mình, và như thế giá trị gia tăng sẽ tạo ra cho chính bản thân họ, cho gia đình họ, cho cơ quan nơi họ làm việc, và cho đất nước. Hơn nữa, khi họ không làm cho cơ quan chủ quản cũ, thì đó cũng là cơ hội tốt để cơ quan này nhìn vào gương để soi lại chính mình, hay đặt ra câu hỏi, vì sao cơ quan lại không đủ sức giữ chân nhân tài, có thể họ mới có động lực để thay đổi, vì nếu không thay đổi, qua năm tháng, họ sẽ bị đào thải mà thôi.

Bài học từ những trải nghiệm thực tế đối với Đề án 322 và Đề án 911 nhất định sẽ giúp triển khai Đề án 89 tốt hơn. Đề án 89 có thể trao quyền cho các trường đại học và cơ sở đào tạo ở Việt Nam lập quy hoạch, định hướng phát triển, để rồi trên cơ sở đó trực tiếp lựa chọn và tuyển dụng các ứng viên đạt yêu cầu, tham gia thi tuyển đi học tiến sĩ tại các nước phát triển.

Để tránh lặp lại một số hạn chế như đã xảy ra với Đề án 322 và Đề án 911, Đề án 89 cần quy định rõ yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ và các điều kiện khác, ví dụ chứng chỉ phương pháp nghiên cứu, đề cương nghiên cứu chi tiết theo chuẩn mực quốc tế, và các chứng chỉ quốc tế khác theo yêu cầu của mỗi chuyên ngành. Hơn nữa, khi các trường đại học và cơ sở đào tạo ở Việt Nam trực tiếp tham gia quản lý các giảng viên được cử đi học, thì họ sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục và Đào tạo về các vấn đề liên quan đến tài chính, nếu người được cử đi học không hoàn thành hay các vấn đề khác phát sinh.

Trong quá trình triển khai Đề án 89, cần một cuộc cách mạng hóa về tư duy. Cụ thể, không nhất thiết phải yêu cầu người được cử ra nước ngoài học tiến sĩ phải có cam kết quay trở lại Việt Nam; trái lại, cần khuyến khích họ sau khi học xong, trực tiếp tham gia vào thị trường lao động ở nước sở tại, để cọ xát, cạnh tranh với các ứng viên bản xứ và các ứng viên nước ngoài khác trên bước đường trở thành giảng viên tại các trường đại học uy tín ở nước ngoài. Như đã phân tích ở phần trên, thị trường lao động nói chung, và thị trường lao động cho các ứng viên muốn trở thành giảng viên nói riêng có tính cạnh tranh khốc liệt.

Để được trở thành giảng viên ở các trường đại học tốt ở nước ngoài là một quá trình vô cùng khó khăn và vất vả. Thông thường, chỉ có một số ít các giảng viên ở Việt Nam được cử đi học ở nước ngoài có thể trở thành giảng viên trong các trường đại học tốt ở nước sở tại. Do đó, nếu có ứng viên được cử đi học trở thành giảng viên ở nước sở tại, thì đó chính là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, và khẳng định rằng đồng vốn đầu tư cho Đề án 89 hay các đề án tương tư tạo ra giá trị gia tăng hay sức “sinh lời” cao.

Ông cha ta đã đúc kết nhiều triết lý sống: “Uống nước, nhớ nguồn”; “Con người có tổ, có tông, Như cây có cội, như sông có nguồn”; “Ăn quả, nhớ kẻ trồng cây, Ăn khoai, nhớ kẻ cho dây mà trồng”. Mỗi người dân Việt Nam chúng ta, dù đi đâu, sống và làm việc ở miền đất nào, cũng luôn hướng trái tim và khối óc của mình về đất mẹ. Hơn nữa, thế giới của chúng ta ngày càng phẳng, xét trên mọi phương diện.

Chính vì vậy, việc cống hiến của những người con xa quê hương cho đất nước nói chung và cho các đơn vị chủ quản nói riêng nhất định sẽ không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Nếu chúng ta ngày càng có nhiều người sống, giảng dạy và nghiên cứu ở nước ngoài, thì sẽ có vô số các lợi ích hữu hình, vô hình, ngắn hạn, dài hạn, có thể đo được ngay, có thể chờ cho thời gian trôi đi trong tĩnh lặng rồi mới đo, được tạo ra để đất nước Việt Nam hình thành những nền tảng cơ bản cho sự hội nhập mạnh mẽ hơn vào khu vực và thế giới.

Toàn bộ những phần trên, tôi đã phân tích và chỉ ra vai trò quan trọng, những định hướng chiến lược, và các dự án hay đề án mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã, đang và sẽ triển khai, nhằm khơi thông các nguồn lực cho việc vun đắp, đào tạo, bồi dưỡng, để hình thành nên nguồn nhân tài, cũng như cách thu hút nhân tài cống hiến cho đất nước nói chung và các cơ quan chủ quản nói riêng, trong đó có các trường đại học hay cơ sở đào tạo ở Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng Đảng, Nhà nước và Chính phủ chỉ đóng vai trò là nhân tố kiến tạo, xây dựng hành lang pháp lý và các định hướng chiến lược, hay có thể trong giai đoạn đầu, trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai các dự án/đề án, ví dụ Đề án 322, Đề án 911, và sắp tới là Đề án 89, việc các trường đại học hay cơ sở đào tạo có tạo ra được hay thu hút nhân tài đến làm việc và cống hiến hoàn toàn phụ thuộc vào chính trường đại học hay cơ sở đào tạo, và cơ quan quản lý trực tiếp.

Các cơ quan quản lý trực tiếp các trường đại học hay cơ sở đào tạo tương đương có thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo hay các bộ chủ quản. Xét về mặt bản chất, các cơ quan này chỉ cần cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cũng như thay đổi tư duy quản lý, hướng tới dần dần dỡ bỏ cách quản lý can thiệp trực tiếp vào các vấn đề của trường đại học. Hay nói cách khác, các cơ quan chủ quản nên đóng vai trò là thực thể giám sát dựa trên luật và các quy định điều tiết, còn các trường đại học được tự chủ hóa để huy động các nguồn lực theo quy định, đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu của trường.

Tiến sĩ Phạm Long - Giảng viên Đại học Louisiana, Mỹ