Dự thảo vị trí việc làm trường phổ thông: tăng 01 lãnh đạo, chia hạng giáo viên

02/02/2022 06:48
Phan Thế Hoài
GDVN- Đề xuất chia vùng để tính định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập là điểm mới của dự thảo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. [1]

Thông tư này được ban hành sẽ thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (sau đây gọi là Thông tư số 16).

Dự thảo Thông tư này có một số nội dung đáng chú ý sau:

Quy định về chia vùng để tính định mức giáo viên

Vùng 1: Các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định hiện hành; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Vùng 2: Các xã của thị xã, các xã của thành phố trực thuộc tỉnh, các xã, thị trấn thuộc thị xã, huyện ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương (trừ các xã thuộc vùng 1); các địa phương không thuộc vùng 1, vùng 3.

Vùng 3: Các quận nội thành và thành phố của thành phố trực thuộc Trung ương, các phường của thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí

Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông gồm 3 vị trí: Chủ tịch Hội đồng trường; Hiệu trưởng; Phó hiệu trưởng.

So với Thông tư 16, dự thảo Thông tư tăng thêm 01 vị trí lãnh đạo, quản lí đó là Chủ tịch Hội đồng trường.

Đề xuất chia vùng để tính định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Đề xuất chia vùng để tính định mức giáo viên trong các cơ sở giáo dục. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành

- Trường tiểu học (04 vị trí): Viên chức làm công tác giảng dạy (giáo viên tiểu học hạng I, II, III); viên chức giáo vụ; viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; viên chức tư vấn học sinh.

- Trường trung học cơ sở (05 vị trí): Viên chức làm công tác giảng dạy (giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III); Viên chức giáo vụ; Viên chức thiết bị, thí nghiệm; Viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; Viên chức tư vấn học sinh.

- Trường trung học phổ thông (5 vị trí): Viên chức làm công tác giảng dạy (giáo viên trung học phổ thông hạng I, II, III); Viên chức giáo vụ; Viên chức thiết bị, thí nghiệm; Viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; Viên chức tư vấn học sinh.

Còn Thông tư 16 quy định nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp (01 vị trí): Giáo viên. [2]

Danh mục vị trí việc làm dùng chung và hỗ trợ phục vụ

Theo dự thảo Thông tư, Trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông: Chuyên môn dùng chung (Thư viện; Công nghệ thông tin; Kế toán; Y tế; Thủ quỹ; Văn thư); Hỗ trợ phục vụ (Quản lí học sinh – giám thị; Bảo vệ; Nấu ăn; Vệ sinh)

Thông tư 16 quy định quy định nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ (08 vị trí): Thư viện, thiết bị; Công nghệ thông tin; Kế toán; Thủ quỹ; Văn thư; Y tế; Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; Giáo vụ (áp dụng đối với trường dành cho người khuyết tật).

Định mức giáo viên

Định mức giáo viên ở trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được quy định trên sĩ số học sinh/lớp.

Cụ thể, đối với vùng 3, định mức giáo viên được tính trên sĩ số học sinh tối đa/lớp; vùng 2 và vùng 1 định mức giáo viên được tính trên sĩ số học sinh/lớp giảm hơn so với định mức tối đa theo điều lệ trường học.

Việc điều chỉnh định mức giáo viên/học sinh hướng tới phù hợp với điều kiện từng vùng, miền đồng thời làm cơ sở để các địa phương giao biên chế thống nhất, từng bước khắc phục những bất cập trong giao biên chế và thừa/thiếu giáo viên của ngành giáo dục thời gian vừa qua. [3]

Ngoài ra, dự thảo còn quy định định mức giáo vụ; định mức viên chức tư vấn học sinh; định mức viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.

Hợp đồng giáo viên

Hợp đồng giáo viên theo dự thảo Thông tư quy định chặt chẽ hơn so với Thông tư 16.

Theo đó, cơ sở giáo dục phổ thông tự đảm bảo một phần chi thường xuyên được kí hợp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao;

Đồng thời đơn vị phải tăng mức trích lập vào quỹ phúc lợi để đủ giải quyết chế độ, chính sách cho số hợp đồng lao động này khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Cơ sở giáo dục phổ thông tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và cơ sở giáo dục phổ thông do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được kí hợp đồng lao động (dưới 12 tháng đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục.

Mục đích của việc kí hợp đồng lao đồng là để kịp thời thay thế cho số giáo viên nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 02 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).

Hằng năm, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức tuyển dụng để thay thế cho số giáo viên còn thiếu, bảo đảm số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao.

Đáng chú ý, dự thảo Thông tư quy định, cơ sở giáo dục phổ thông không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn kéo dài quá 12 tháng đối với vị trí việc làm là giáo viên.

Còn Thông tư 16 quy định, các trường được bố trí lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ vệ sinh, bảo vệ. Trường có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, nội trú thì có thể bố trí lao động hợp đồng để thực hiện công việc nấu ăn cho học sinh.

Căn cứ vào tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế, các trường xác định số lượng lao động hợp đồng đối với từng vị trí, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Việc ký kết hợp đồng thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến góp ý rộng rãi của các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1580

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-16-2017-TT-BGDDT-khung-vi-tri-viec-lam-so-luong-nguoi-lam-co-so-giao-duc-pho-thong-355050.aspx?v=d

[3] //giaoducthoidai.vn/giao-duc/de-xuat-chia-vung-de-tinh-dinh-muc-giao-vien-trong-cac-co-so-giao-duc-pho-thong-cong-lap-LKcmu61nR.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài