Hiệu trưởng trường phổ thông kiêm chủ tịch HĐT dễ chuyên quyền, độc đoán

06/02/2022 06:51
Ánh Dương
GDVN- Đa phần chủ tịch hội đồng trường ở trường phổ thông hiện nay là do hiệu trưởng kiêm nhiệm khiến quyền lực của lãnh đạo càng lớn và trường học thiếu dân chủ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. [1]

Dự thảo Thông tư này có nội dung đáng chú ý là, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông gồm 3 vị trí: chủ tịch hội đồng trường; hiệu trưởng; phó hiệu trưởng.

Trong khi đó, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập quy định nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành (02 vị trí): hiệu trưởng; phó hiệu trưởng. [2]

Như vậy, so với Thông tư 16, dự thảo Thông tư tăng thêm 01 vị trí lãnh đạo, quản lí đó là chủ tịch hội đồng trường.

Hội đồng trường hiện nay chưa thực sự phát huy vai trò của mình. (Ảnh minh hoạ trên Thuvienphapluat.vn)

Hội đồng trường hiện nay chưa thực sự phát huy vai trò của mình. (Ảnh minh hoạ trên Thuvienphapluat.vn)

Điểm a Khoản 1 Điều 55 Luật Giáo dục 2019 có quy định về hội đồng trường như sau:

Thành phần hội đồng trường đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông gồm bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng, đại diện chính quyền địa phương, ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông.

Ngoài ra, Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT ngày 4/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường tiểu học [3] và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 ban hành Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học [4] quy định các cấp học này phải có hội đồng trường.

Hội đồng trường có chủ tịch, thư ký và các thành viên, số lượng thành viên của hội đồng trường là số lẻ, ít nhất là 07 người, nhiều nhất là 15 người. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 05 năm.

Thực tiễn cho thấy, việc quy định thành phần và nhiệm vụ của hội đồng trường vẫn còn đó những bất cập nhất định khiến tổ chức này chỉ mang tính danh nghĩa, hiệu trưởng vẫn chuyên quyền, kéo theo trường học thiếu dân chủ.

Theo quy định tại Thông tư 28 và Thông tư 32, chủ tịch hội đồng trường có thể là giáo viên, nhân viên (tổ văn phòng) nhưng gần như chức vụ lãnh đạo này thường rơi vào tay hiệu trưởng (hiệu trưởng vừa là bí thư chi bộ vừa kiêm luôn chức chủ tịch hội đồng trường).

Dĩ nhiên, việc bầu chủ tịch hội đồng trường phải được thực hiện thông qua hình thức bỏ phiếu kín, nhưng rồi chức vụ này rất hiếm khi đến lượt giáo viên, nhân viên vì những người tham gia bỏ phiếu thường “cùng hội” với hiệu trưởng.

Thậm chí, có giáo viên hàng chục năm công tác trong ngành giáo dục cho biết, có địa phương cấp trên chỉ đạo ngầm hiệu trưởng đồng thời là chủ tịch hội đồng trường để lãnh đạo nhất quán trong chỉ đạo điều hành.

“Chỗ tôi đã có trường hợp giáo viên được bầu làm chủ tịch hội đồng trường, nhưng khi đưa hồ sơ lên để cấp trên ra quyết định công nhận thì lãnh đạo Phòng Giáo dục không đồng ý, không chuyển hồ sơ qua Ủy ban Nhân dân thành phố. Cấp trên yêu cầu về bầu lại mà phải bầu hiệu trưởng làm chủ tịch, vậy là có thưa kiện và rồi đâu lại vào đó”, một giáo viên ở Tây Nam bộ thông tin.

Cá nhân người viết đang công tác một trường phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh, trường có khoảng 2000 học sinh, 120 giáo viên, nhân viên nhưng thành phần hội đồng trường chỉ có 8 người.

Một vài tổ trưởng giỏi chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu chế độ chính sách dành cho giáo viên nhưng vẫn không có tên trong hội đồng trường. Trong khi đó, có giáo viên không có gì nổi trội về chuyên môn nghiệp vụ thì lại có chân trong hội đồng này.

Trong các cuộc họp hội đồng sư phạm, khi hiệu trưởng triển khai về phương hướng hoạt động của nhà trường, chưa bao giờ tôi nghe thành viên nào của hội đồng trường phát biểu, gần như hiệu trưởng nói gì họ cũng tán thành.

Có thể nhận thấy, vì hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường nên việc thực hiện nhiệm vụ của hội đồng này thường do hiệu trưởng quyết hết, vai trò của các thành viên rất mờ nhạt. Kể cả hội đồng trường buông lỏng giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, dẫn đến hiệu trưởng tha hồ tự tung tự tác.

Vậy nên mới có chuyện, nhiều hiệu trưởng bị khởi tố vì thu chi tài chính khuất tất. Chẳng hạn, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 20/10/2021 đưa tin Hải Phòng: Khởi tố vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn tại Trường Trung học cơ sở Ngô Quyền; hay Một Hiệu trưởng ở Ninh Bình bị khởi tố vì chỉ đạo chi sai hơn 3,7 tỉ đồng (ngày 30/12/2021).

Tôi nhận thấy, ở các trường phổ thông hiện nay, bao nhiêu chức vụ chính hiệu trưởng đều kiêm nhiệm hết. Vậy nên dự thảo Thông tư vị trí việc làm lãnh đạo, quản lí trong trường phổ thông cũng không có gì mới.

Theo tôi, Bộ Giáo dục phải quy định tách bạch giữa chức vụ hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường thì mới góp phần nâng cao hiệu quả quản lí của lãnh đạo ở các trường học.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/du-thao-vi-tri-viec-lam-truong-pho-thong-tang-01-lanh-dao-chia-hang-giao-vien-post224166.gd?

[2] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-16-2017-TT-BGDDT-khung-vi-tri-viec-lam-so-luong-nguoi-lam-co-so-giao-duc-pho-thong-355050.aspx

[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-28-2020-TT-BGDDT-ve-Dieu-le-Truong-tieu-hoc-282401.aspx

[4] //luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương