Hải Phòng tập trung tạo lập nền tảng về chuyển đổi số

07/02/2022 06:36
LÃ TIẾN
GDVN- Năm 2022, Hải Phòng sẽ tập trung tạo lập nền tảng về chuyển đổi số, đưa chuyển đổi số thực sự trở thành động lực để thực hiện các khát vọng phát triển.

Thành phố Hải Phòng chọn chủ đề năm 2022 là: “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị- Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số”.

Xác định mục tiêu chuyển đổi số

Theo ông Hoàng Minh Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, là khi nhờ có tiến bộ vượt bậc của công nghệ số mà con người có một không gian mới để sống, làm việc, vui chơi, sáng tạo ra các giá trị mới.

Do đó, chuyển đổi số tạo ra một cơ hội chưa từng có cho sự biến đổi đột phá, cơ hội cho sự thay đổi thứ hạng của quốc gia.

Hải Phòng sẽ thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục (Ảnhh: Lã Tiến)

Hải Phòng sẽ thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục (Ảnhh: Lã Tiến)

Vì là không gian mới, cơ hội đột phá mới nên chuyển đổi số là cuộc cách mạng của nhận thức, của tư duy đổi mới hơn là một cuộc cách mạng về khoa học công nghệ.

Cuộc dịch chuyển sang không gian số này đang diễn ra ở quy mô toàn cầu với tốc độ rất nhanh trên ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tiếp cận từ sớm với xu thế này, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia.

Ở cấp độ địa phương, Hải Phòng cũng là một trong những thành phố đầu tiên ban hành Kế hoạch chuyển đổi số thành phố (Kế hoạch 227 ngày 21/9/2020) sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020).

Tiếp theo đó, Hải Phòng cũng là thành phố thứ ba trực thuộc Trung ương ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 26/10/2021).

“Thành phố Hải Phòng xác định, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội, đồng thời đặt ra nhiều thách thức, tác động làm thay đổi căn bản hoạt động chỉ đạo, điều hành quản lý và thực thi của cấp uỷ, chính quyền các cấp, của doanh nghiệp và người dân thành phố.

Để chuyển đổi số thành công thì cần có cuộc cách mạng về thể chế của thành phố.

Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận không gian số mới, những mô hình mới, dịch vụ mới, sản phẩm mới, công nghệ mới.

Chính vì vậy, chuyển đổi số cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Năm 2022 sẽ là thời điểm tạo lập nền tảng và giai đoạn 2022 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương”, ông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.

Đặt các mục tiêu cho tầm nhìn 10 năm

Cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đặt ra các mục tiêu lớn cho tầm nhìn 10 năm:

Phấn đấu để Thành phố thuộc tốp đầu các địa phương về chỉ số chuyển đổi số, chính quyền số được triển khai rộng khắp, kinh tế số chiếm 35% GRDP thành phố; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 16%; tạo ra các giá trị tăng trưởng mới từ kinh tế số, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2030 Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, văn minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ba trụ cột kinh tế thành phố Hải Phòng gồm công nghiệp công nghệ cao - cảng biển, logistics - du lịch, thương mại được xác định trong Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng được xác định là các lĩnh vực mà thành phố sẽ tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ.

Cảng biển, vận tải biển là loại hình vận tải có chi phí thấp nhất, quy mô lớn nhất hiện nay với nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của Thành phố.

Lĩnh vực cảng biển, vận tải biển cũng được thành phố Hải Phòng tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ (Ảnh: CTV)

Lĩnh vực cảng biển, vận tải biển cũng được thành phố Hải Phòng tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ (Ảnh: CTV)

Nếu như trước đây, Hải Phòng đã và đang triển khai các giải pháp hiện đại hoá, điện tử hoá, tự động giúp giảm thời gian làm thủ tục thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, chi phí chung cho xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực xung quanh cảng…

Thì trong thời gian tới, thành phố phải chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ số để thông minh hoá hoạt động quản trị cảng, xây dựng hệ sinh thái số cảng biển, tạo lập môi trường cảng thật sự xanh sạch, thân thiện môi trường, phát triển bền vững.

Trong giai đoạn cuộc sống thực đang bị gián đoạn bởi dịch bệnh thì Logistics đang là cầu nối giữa dòng chảy vật chất và dòng chảy dữ liệu, là liên hệ thiết yếu để không gian số tồn tại song song với không gian thực.

Chuyển đổi số trong logistics giúp tận dụng được lợi thế của không gian số một cách thiết thực hơn.

Đây là cơ hội phát triển tiềm năng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic thành phố.

Hạ tầng logistics thành phố được định hướng chuyển dịch thành huyết mạch của thương mại điện tử, thành phần quan trọng của kinh tế số.

Việc ứng dụng công nghệ số cũng giúp logistics trở nên thông minh hơn, hiệu suất cao hơn nhiều lần.

Các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật, 5G, dữ liệu lớn, blockchain… giúp liên kết một cách thông minh 5 loại hình vận chuyển, kết hợp thông minh cảng biển và các trung tâm logstic, các khu cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, liên thông thông minh giữa các lực lượng như cảng vụ, hải quan, thuế, giao thông… để nâng cao hơn nữa lợi thế cạnh tranh của Thành phố cảng.

Chuyển đổi số trong du lịch là sự chuyển dịch từ mô hình kinh doanh, tiếp thị truyền thống sang tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.

Giá trị, hình ảnh của điểm đến được thiết kế tổng thể, liền mạch giữa không gian thực và không gian số, với các chương trình marketing điểm đến độc đáo với sự góp sức của công nghệ số (như AR/VR). Qua đó nâng cao giá trị thương hiệu du lịch của thành phố.

Thông qua dữ liệu lớn, các sản phẩm du lịch mới cũng được phát triển, tạo đột biến, bùng nổ nhu cầu khi trải nghiệm của khách hàng được cá thể hoá, khép kín từ khi khách hàng tìm kiếm thông tin, tham gia các tour ảo, lập kế hoạch cho đến trải nghiệm thực tế và giữ liên hệ sau khi kết thúc chuyến đi.

Thông tin đánh giá và xếp hạng được minh bạch giúp tạo lập thương hiệu điểm đến an toàn, chất lượng.

Đặc biệt, chuyển đổi số trong du lịch cho ra đời nhiều mô hình kinh doanh mới, điển hình là mô hình du lịch cá nhân hoá, liên kết đa mục đích (như kết hợp du lịch – công tác, kết hợp du lịch – y tế…) hay đa điểm đến, đa loại hình một cách thông minh thông qua ứng dụng công nghệ.

Trong công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số được nghiên cứu áp dụng theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột: xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh công nghệ cao, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.

LÃ TIẾN