Sau tố cáo, hàng loạt sai phạm tại Học viện Quản lý Giáo dục được phơi bày

08/02/2022 06:36
Trần Phương
GDVN- Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết luận, lãnh đạo Học viện Quản lý Giáo dục đã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, làm trái quy định của Đảng, Nhà nước.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, từ tháng 10/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành thanh tra Học viện Quản lý giáo dục

Trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh tra, tập thể cán bộ, viên chức Học viện Quản lý giáo dục đã gửi đơn đến Bộ Giáo dục và Đào tạo tố cáo về việc nhà trường mở ngành Luật và các ngành Kinh tế, Quản trị văn phòng khi không đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường cũng chỉ đạo tuyển sinh, mở lớp đào tạo thạc sỹ ở cơ sở ngoài học viện.

Cuối tháng 1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông báo số 110/TB-BGDĐT về việc thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục.

Trước đó, ngày 26/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kết luận thanh tra số 88/KL-BGDDT về việc thanh tra đột xuất Học viên Quản lý giáo dục.

Trong thông báo dài 22 trang A4 được phát đi, nội dung thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm: Công tác tổ chức bộ máy, nhân sự; quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học; triển khai các quy định về công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cũng trong Thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng loạt các sai phạm ở Học viện Quản lý giáo dục đã được chỉ ra.

Tồn tại nhiều sai phạm về tổ chức bộ máy, nhân sự

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, từ 2018 đến trước ngày 06/12/2019, theo kết luận thanh tra, Học viện không có Hội đồng học viện để thực hiện trách nhiệm và quyền hạn theo quy định. Học viện chưa có văn bản quy định và chưa có sự thống nhất về quy trình, thủ tục thực hiện thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc.

Sau tố cáo của các cán bộ, giảng viên hàng loạt những sai phạm ở Học viện Quản lý giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra. Ảnh: Công an nhân dân

Sau tố cáo của các cán bộ, giảng viên hàng loạt những sai phạm ở Học viện Quản lý giáo dục đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra. Ảnh: Công an nhân dân

Thành lập mới 02 trung tâm là không cân đối, không phù hợp với số lượng viên chức và không phù hợp với chủ trương giảm đơn vị theo Nghị quyết 19-NQ/TW.

Đối với việc ban hành văn bản để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng học viện, Giám đốc Học viện chậm ban hành các văn bản quy định thuộc quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng học viện tại điểm d, h khoản 2 Điều 16 Luật Giáo dục Đại học, trong đó có các văn bản về tổ chức, nhân sự, chuyển đổi vị trí công tác theo quy định Luật Phòng chống tham nhũng.

Quy chế tổ chức và hoạt động của Học viện chưa xác định rõ các mối quan hệ giữa Đảng ủy với Hội đồng học viện, giữa Đảng ủy với Giám đốc Học viện, giữa Hội đồng học viện với Giám đốc Học viện và mức độ tự chủ của đơn vị thuộc, trực thuộc Học viện.

Giám đốc Học viện chưa ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị theo Quy chế tổ chức và hoạt động; văn bản về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, chế độ làm việc của giảng viên không phù hợp các quy định của Luật Viên chức 2010, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ; chưa thực hiện đầy đủ quy định của Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của Học viện khi ban hành và triển khai Kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định Luật Phòng chống tham nhũng; Quyết định số 186/QĐ-HVQLGD ngày 25/3/2019 ban hành về Quy định về chế độ làm việc đối với giảng viên không còn phù hợp.

Về cơ cấu viên chức, công tác tuyển dụng và quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức, người lao động, chậm kiện toàn đủ số lượng lãnh đạo Học viện; không bảo đảm tỷ lệ cơ cấu chức danh giảng viên, nghiên cứu viên và tỷ lệ cơ cấu viên chức, người lao động thuộc khối hành chính, hỗ trợ; bố trí 13 đơn vị có số lượng dưới 07 người, cá biệt có đơn vị chỉ có từ 02 đến 03 nhân sự là không phù hợp với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Thành lập Hội đồng tuyển dụng viên chức năm 2018 không đúng quy định khoản 3 Điều 3 Thông tư 15.

Về xây dựng và phê duyệt quy hoạch cán bộ, quyết định phê duyệt quy hoạch Giám đốc, Phó Giám đốc và quá trình thực hiện không có nội dung về rà soát là chưa đúng quy định.

Chưa có nguồn quy hoạch từ bên ngoài để đáp ứng nguyên tắc quy hoạch mở; chưa rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch đối với các nhân sự không còn đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn đối với quy hoạch cấp Trưởng/Phó trưởng các đơn vị trực thuộc; danh sách quy hoạch năm 2019 còn có nhân sự trùng với danh sách quy hoạch năm 2017.

Quyết định số 178/QĐ-HVQLGD ngày 19/12/2017 của Đảng ủy Học viện về việc phê duyệt quy hoạch quản lý cấp Trưởng/Phó trưởng các đơn vị trực thuộc giai đoạn 2016-2021, phê duyệt quy hoạch năm 2017 không đúng chức danh quy hoạch Trưởng/Phó trưởng phòng Đào tạo đối với các ông Trương Vĩnh Bình, ông Cao Xuân Liễu theo đề nghị của Phòng Đào tạo và kết quả của Đảng ủy Học viện.

Đảng ủy Học viện ban hành quyết định phê duyệt danh sách bổ sung quy hoạch chức danh Phó Chánh Văn phòng đối với bà Đào Thị Thu Hằng và ông Kim Mạnh Tuấn là không đúng quy định tại mục 2 Hướng dẫn số 06-HD/BTCTW.

Về bổ nhiệm, 07 đơn vị có số lượng viên chức dưới 07 người nhưng vẫn bố trí 01 cấp phó, cá biệt có đơn vị có 02 nhân sự gồm 01 cấp trưởng và 01 cấp phó là không thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Các trường hợp bổ nhiệm tại chỗ, chưa có sự đồng nhất trong việc giới thiệu phương án nhân sự trong bước chủ trương; chưa có minh chứng về việc gặp nhân sự trao đổi về yêu cầu, nhiệm vụ công tác; một số trường hợp còn thiếu các hồ sơ.

Bà Đào Thị Thu Hằng, ông Kim Mạnh Tuấn được bổ sung quy hoạch gắn với bổ nhiệm Phó Chánh Văn phòng không đúng quy định.

Đảng ủy Học viện có 02 văn bản cho chủ trương thực hiện quy trình bổ nhiệm, các văn bản không thống nhất về chủ trương để thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với bà Đào Thị Thu Hằng.

Về bổ nhiệm lại, đối với ông Trần Hữu Hoan, ông Lê Thành Kiên, bà Bùi Thị Thu Hương đã hết thời hạn bổ nhiệm lại nhưng chậm xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại là không thực hiện quy định của pháp luật.

Ông Lê Thành Kiên đã hết thời hạn bổ nhiệm từ tháng 3/2021 nhưng chưa được bổ nhiệm lại; Giám đốc Học viện không có thông báo để ông Lê Thành Kiên tiếp tục thực hiện chức trách nhiệm vụ khi hết thời hạn bổ nhiệm là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, về chế độ tiền lương, các khoản phụ cấp còn nhiều sai phạm như bỏ viên chức với ông Nguyễn Văn Đoài; Việc phân công bà Phạm Thùy Thu tham gia giảng dạy kiêm nhiệm tại Khoa Ngoại ngữ không bảo đảm tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT.

Thanh tra Bộ cho rằng, trách nhiệm để xảy ra thiếu sót, sai phạm nêu trên thuộc về Hội đồng học viện, Giám đốc Học viện, Phó Giám đốc được giao nhiệm vụ về công tác tổ chức nhân sự, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và các cá nhân có liên quan.

Nhiều sai phạm về quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản

Theo kết luận Thanh tra, từ năm 2018 đến năm 2020, Hội đồng học viện không ban hành Nghị quyết về Kế hoạch tài chính năm theo quy định khoản 2 Điều 16 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Học viện chưa thực hiện sửa đổi, bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ hằng năm trong kỳ thanh tra theo Kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thông báo xét duyệt ngân sách hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ban hành tờ trình, hợp đồng, thông báo, biên bản liên quan các khoản thu ngoài học phí, lệ phí đều không có căn cứ cho khoản thu, dự toán khoản thu, nội dung chi.

Chưa thực hiện đầy đủ việc thu học phí, các khoản quy định qua tổ chức tín dụng theo quy định; Chưa thực hiện trích quỹ dự phòng ổn định thu nhập theo quy định; Chưa thực hiện công khai tài chính theo Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC; chưa thực hiện quy định trong công tác quản lý, sử dụng, quy trình thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, cấp cơ sở theo Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC.

Chậm thanh toán tiền dạy cho giảng viên hình thức trực tiếp tại một số địa phương; từ năm 2018 đến nay chưa chi trả tiền giảng dạy cho giảng viên đào tạo tiến sĩ theo quy định của Bộ Luật Lao động 2019; chi giờ giảng sau đại học cho một số giảng viên khi chưa bảo đảm định mức giờ chuẩn trong năm theo Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT.

Chi Phụ cấp ưu đãi (40-45%) cho 124 lượt giảng viên khi không xác định được giờ giảng của giảng viên là không đúng quy định theo Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT, Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT.

Việc thanh toán chi vượt giờ cho giảng viên còn chậm, muộn và giảng viên vượt giờ nhiều so với quy định của Bộ Luật Lao động 2019.

Tiếp nhận, tự thực hiện khoản viện trợ 121.150 bảng Anh từ Đại học QUB là không đúng với quy định theo khoản 2, Điều 3, Thông tư số 225/2010/TT-BTC.

Đặc biệt, có 7 nội dung không thực hiện theo các kiến nghị về thanh tra, kiểm toán nhà nước, Thông báo quyết toán hằng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về quản lý tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản đã sai phạm nghiêm trọng như: các hợp đồng cho thuê diện tích của cơ sở hoạt động sự nghiệp các năm 2018, 2019, 2020 chưa thực hiện đúng việc đấu giá cho thuê tài sản theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 46 và khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 24 của Nghị định 151/2017/NĐ-CP:

Không xác định giá khởi điểm để đấu giá; không thuê tổ chức đấu giá tài sản hoặc thành lập Hội đồng để đấu giá; chưa thực hiện đúng trình tự thủ tục đấu giá cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản tại Điều 34 đến Điều 46 của Luật Đấu giá tài sản.

Về công tác xuất bản giáo trình, không tổ chức lập, thẩm định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC đối với gói thầu ngày 14/01/2019 lựa chọn đơn vị thực hiện xuất bản giáo trình phục vụ đào tạo trình độ đại học (Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện, giá trị 48,796 triệu đồng).

Đối với các dự án đầu tư xây dựng, việc Học viện tiếp tục phê duyệt dự án có hạng mục xây dựng Nhà cầu nối B1-B2, xây tường mới ngăn chia thành phòng chức năng và bổ sung trang thiết bị cho các phòng là không phù hợp. Công trình mới được đầu tư xây dựng, chưa hoàn thành quyết toán đã cải tạo nâng cấp cho thấy việc lập dự án ban đầu là chưa cẩn thận, chưa có kế hoạch tổng thể, chưa có khảo sát ban đầu.

Công tác tuyển sinh, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ tồn tại nhiều vấn đề

Về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ đại học, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo kết luận:

Năm 2019 và 2020 Học viện chưa thực hiện xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo chỉ đạo của Bộ GDĐT tại Công văn số 1697/BGDĐT-GDĐH ngày 27/4/2018.

Năm 2020, Học viện tuyển sinh vượt 132 chỉ tiêu trình độ đại học ngành Ngôn ngữ Anh.

Từ năm 2020 đến nay, không thực hiện cập nhật, đánh giá chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT.

Từ năm 2018 đến tháng 9/2021, Học viện không ban hành quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học; không tổ chức lựa chọn và duyệt giáo trình theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT; có 2/4 giáo trình đã quá thời hạn nghiệm thu nhưng không được Lãnh đạo Học viện đôn đốc, nhắc nhở.

Học viện không báo cáo về việc phối hợp đặt lớp đào tạo trình độ đại học đối với các đơn vị: Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học sư phạm - Đại học Thái Nguyên.

Về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, Học viện chưa kịp thời điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2021 theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hành vi tuyển sinh trình độ thạc sĩ năm 2020 vượt chỉ tiêu.

Năm 2018 và 2019, Học viện không biên soạn giáo trình của trình độ thạc sĩ; Thành lập hội đồng đánh giá luận văn chưa bảo đảm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 28 Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT.

Từ năm 2018 đến tháng 12/2019, Học viện không ban hành quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ; không thực hiện rà soát, cập nhật chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 07/2015/TT-BGDĐT.

Về các điều kiện bảo đảm ngành và duy trì ngành đào tạo; bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, theo kết luận của thanh tra, hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ đại học lưu trữ chưa khoa học, chưa đầy đủ. Giảng viên có văn bằng do Cơ sở giáo dục nước ngoài cấp chưa thực hiện công nhận văn bằng.

Thực hiện mở ngành Quản trị văn phòng khi không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu (thiếu 01 giảng viên), không có tiến sĩ cùng ngành, có giảng viên cơ hữu trùng với giảng viên cơ hữu ngành Luật, không bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT.

Thực hiện mở ngành Luật khi không có đủ số lượng giảng viên cơ hữu (thiếu 02 giảng viên), có giảng viên cơ hữu trùng với giảng viên cơ hữu ngành Quản trị văn phòng, không bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT.

Ngành Công nghệ thông tin đào tạo trình độ đại học của Học viện chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ bảo đảm điều kiện duy trì ngành theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT.

Ngành Công nghệ thông tin và Tâm lý học lâm sàng đào tạo trình độ thạc sĩ chưa đáp ứng điều kiện duy trì ngành theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT.

Học viện chưa có chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn nước ngoài cũng như trong nước theo quy định Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT, chưa hoàn thành mục tiêu của Kế hoạch số 118/KH-BGDĐT ngày 23/02/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không triển khai nội dung cải tiến chất lượng và đánh giá giữa chu kỳ KĐCLGD theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng Cơ sở giáo dục đại học ban hành kèm theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT và Công văn số 2274/BGDĐT-QLCL ngày 28/5/2019.

Nhiều sai phạm trong công tác cấp phát văn bằng, chứng chỉ

Ngoài ra, công tác in, quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ thực hiện nhiều sai phạm như: Học viện không kịp thời ban hành Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ. Không báo cáo về việc lưu trữ, hủy bỏ số phôi tồn của trình độ đại học được mua từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn trước năm 2019; không thực hiện hủy văn bằng hỏng trình độ đại học.

Về chứng chỉ ứng dụng Công nghệ thông tin cơ bản: Học viện không thực hiện hủy phôi tồn chứng chỉ từ năm 2018, 2019; Sổ gốc cấp chứng chỉ không đúng mẫu quy định tại Phụ lục VI Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT; cho học viên ký nhận thay chứng chỉ khi không có ủy quyền, chưa bảo đảm quy định tại Điểm c Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 19/2015/TT-BGDĐT; có nhiều chữ ký nhận chứng chỉ không ghi rõ họ tên...

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ ra các sai phạm liên quan đến công tác về khoa học giáo dục; việc thực hiện quy định phòng chống tham nhũng....

Trần Phương