Ngày 16/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2021-2022.
Theo đó, Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH thay thế công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH (năm 2020) của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Căn cứ công văn này, cơ sở giáo dục trung học xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống của dịch Covid-19 tại địa phương.
Các nhà trường kịp thời tổ chức dạy học những nội dung kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình, làm cơ sở để tiếp tục dạy học các nội dung còn lại.
Nhà trường đồng thời kết hợp tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã dạy cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Đặc biệt, công văn yêu cầu không kiểm tra, đánh giá định kì những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.
Bộ Giáo dục cần giảm số lần kiểm tra nhằm giảm áp lực cho học sinh. (Ảnh minh họa: P.L) |
Thế nhưng, Công văn 4040 không có hướng dẫn giảm tải số lần kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ khiến thầy trò quá tải trong việc dạy và học.
Học sinh vẫn phải kiểm tra theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011, là thiếu sự đồng bộ.
Từ ngày 7/2/2022, ngành giáo dục của nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến (hết học kì 1). Là giáo viên đang dạy bậc trung học phổ thông, tôi nhận thấy, ở học kì 2 năm học này, giáo viên vừa dạy kiến thức mới vừa ôn tập cho học sinh nên rất áp lực.
Nhiều đồng nghiệp dạy bậc phổ thông ở Sài Gòn chia sẻ với tôi rằng, với những học sinh có lực học khá giỏi, các em tiếp thu bài trực tuyến khoảng 70-80%. Nhưng học sinh trung bình, yếu, các em tiếp thu bài khoảng 40-50%. Riêng học sinh trường tư thục, có nhiều lớp học sinh làm bài kiểm tra cuối học kì 1 (trực tiếp) chỉ đạt khoảng 30% yêu cầu.
Đáng lo ngại nhất là học sinh cuối cấp phải thi tuyển sinh (lớp 9), thi tốt nghiệp trung học phổ thông (12). Ở học kì 2 năm học này, hầu như giáo viên dạy 2 khối lớp này đều dành thời gian vừa ôn tập, vừa củng cố kiến thức của học kì 1.
Tính từ thời điểm 7/2, học sinh học trực tiếp khoảng 6 tuần là phải kiểm tra định kì giữa học kì 2 (khoảng hạ tuần tháng 3). Vậy nên, học sinh phải làm bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì theo quy định sẽ rất căng thẳng.
Ngoài ra, vẫn còn những học sinh bị nhiễm Covid-19, các em phải nghỉ học khoảng 2 tuần thì mới có thể trở lại lớp học trực tiếp. Việc giảm tải các bài kiểm tra giúp học sinh có thêm thời gian học bài, ôn bài.
Vì những lí do trên, tôi đề nghị Bộ Giáo dục điều chỉnh Thông tư 22 theo hướng giảm 50% số lần kiểm tra thường xuyên đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số. Bộ Giáo dục nên giảm kiểm tra định kì giữa kì 2 cho bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, trừ lớp 9 và lớp 12.
Việc giảm số lần kiểm tra thường xuyên và định kì giúp giáo viên có thêm thời gian ôn tập, củng cố kiến thức cũ cho học sinh bị mất gốc. Riêng học sinh lớp 9 và lớp 12 nên giữ nguyên kiểm tra định kì giữa học kì 2 để đánh giá lại mức độ tiếp thu bài của các em sau thời gian học trực tiếp.
Tôi cũng mong Bộ Giáo dục nghiên cứu giảm tải thêm phạm vi kiến thức cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Mặc dù Bộ Giáo dục đã giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học của 2 khối lớp này theo Công văn 4040, nhưng theo tôi, có thể giảm tải thêm nữa vì vẫn còn đó những kiến thức còn nặng hoặc chưa thực sự cần thiết với học sinh.
Với lớp 9, Bộ Giáo dục nên giảm tải kiến thức 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (những môn thi tuyển sinh); lớp 12, nên giảm tải 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (những môn thi tốt nghiệp bắt buộc), tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân).
Nhìn chung, Bộ Giáo dục đã giảm tải chương trình theo Công văn 4040 nhưng khung thời gian năm học vẫn phải thực hiện 35 tuần/năm, không được giảm số tiết dạy/môn/năm, nên việc giảm số lần kiểm tra thường xuyên và định kì là hoàn toàn hợp lí.
Tài liệu tham khảo:
https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7517
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.