Ngay tuần đầu học trực tiếp, tăng tiết dày đặc khiến học sinh bị áp lực

17/02/2022 06:27
HƯƠNG MAI
GDVN- Sau một học kỳ học sinh học tập trực tuyến vì dịch bệnh Covid-19 thì ngay khi trở lại trường học trực tiếp phải đối mặt với lịch tăng tiết dày đặc của nhà trường.

Học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 hiện nay có 2 kỳ thi tập trung quan trọng vào thời điểm cuối năm học là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đối với lớp 12 do Bộ đứng ra tổ chức và thi tuyển sinh lớp 10 đối với học sinh lớp 9 do các sở giáo dục và đào tạo tổ chức, triển khai.

Chính vì thế, ban giám hiệu các trường cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông rất chú trọng việc dạy và học đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 nên luôn phải tập trung dồn sức cho 2 khối lớp này để cuối năm “đem chuông đi đánh xứ ngườinhằm đem lại thành tích cho nhà trường.

Không chỉ nhà trường chú trọng đối với học sinh cuối cấp mà các sở giáo dục và đào tạo cũng hướng dẫn các nhà trường tăng tiết vào thời điểm bước sang học kỳ II để sớm hoàn thành chương trình học.

Vì thế, sau một học kỳ học sinh học tập trực tuyến vì dịch bệnh Covid-19 thì ngay sau khi trở lại trường học trực tiếp đã phải đối mặt với lịch tăng tiết dày đặc của nhà trường khiến cho nhiều học sinh cảm thấy áp lực vô cùng.

Học sinh cuối cấp phải học tăng tiết để chuẩn bị cho các kỳ thi cuối cấp (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến)

Học sinh cuối cấp phải học tăng tiết để chuẩn bị cho các kỳ thi cuối cấp

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến)

Tăng tiết ngay tuần đầu tiên vào trường học trực tiếp

Hiện nay, việc sắp xếp lịch tăng tiết cho học sinh cuối cấp là do các nhà trường chủ động nhưng chủ trương tăng tiết thường là có kế hoạch từ sở và các phòng giáo dục, việc tăng tiết đối với học sinh lớp 9 và lớp 12 đã được thực hiện từ nhiều năm qua.

Mục đích của việc tăng tiết rất rõ ràng, đó là dạy dồn chương trình để hoàn thành chương trình, tổng kết điểm năm học sớm để nhà trường dành thời gian còn lại ôn tập cho học trò nhằm “nâng cao chất lượng” kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh lớp 10 của địa phương.

Đối với những năm học trước đây, khi không có dịch bệnh hoặc dịch bệnh chỉ xuất hiện ở một vài địa phương thì việc tăng tiết cũng không phải là chuyện đáng bàn vì đó là kế hoạch thường niên của các nhà trường.

Tuy nhiên, trong năm học này thì lại hoàn toàn khác vì học sinh các tỉnh phía Nam đã có nguyên một học kỳ học trực tuyến, học sinh các tỉnh phía Bắc thì phần lớn học kỳ I học trực tiếp nhưng thời điểm qua Tết Nguyên đán lại đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh khá phức tạp.

Chính vì thế, việc tăng tiết quá nhiều vào thời điểm này chưa hẳn là một phương án hay, nhất là đối với những học sinh các tỉnh phía Nam khi mà các em đã vừa trải qua một quãng thời gian dài học tập trực tuyến khá vất vả và căng thẳng.

Suy cho cùng thì chỉ có kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là do Bộ tổ chức nên thường tổ chức vào 1-2 đợt nhất định và diễn ra đồng loạt ở các địa phương nhưng kỳ thi tuyển sinh lớp 10 thì nằm trong tầm tay và sự chủ động của từng sở giáo dục.

Chúng tôi cho rằng việc tăng tiết ở khối lớp 9 mà nhiều sở giáo dục hiện nay đang triển khai thực sự không thực sự cần thiết, nhất là đối với những tỉnh, những địa bàn mà "tỉ lệ chọi" trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 không quá cao thì tăng tiết hay không tăng tiết cũng vậy mà thôi.

Bởi lẽ, chỉ những trường trung học phổ thông chuyên, trường điểm thì tỉ lệ chọi mới cao còn những trường trung học phổ thông không chuyên thường tỉ lệ chọi thấp, thậm chí có trường tỉ lệ của thí sinh thí sinh nộp đơn thi nguyện vọng 1 thấp hơn tỉ lệ tuyển của nhà trường.

Trong khi đó, việc học dồn, học ép như vậy thực ra chỉ đạt được yêu cầu hoàn thành chương trình sớm chứ chất lượng dạy và học thường không cao vì cả thầy và trò đều quá tải, nhất là trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Đó là chưa kể đến việc tăng tiết sớm nên khoảng thời gian ôn tập cuối cấp là phụ huynh phải đóng tiền học thêm cho con em mình khá cao, tạo ra gánh nặng khá lớn cho những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.

Học sinh học tập bình thường đã khổ, những em tham gia đội tuyển học sinh giỏi còn vất vả gấp bội phần

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có những trường hiện nay đang triển khai tăng tiết cho học sinh lớp 9 khá nhiều, học sinh phải học tập gần như kín buổi cả sáng, chiều. Có những trường đang triển khai dạy hơn 40 tiết chính khóa/ tuần nên áp lực học tập của học sinh là rất lớn.

Việc học tập chính khóa đã đang tạo ra những áp lực cho học trò nhưng nỗi vất vả còn nhiều hơn đối với những em tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cuối cấp vì mỗi tuần các em thường ôn tập thêm khoảng 4-6 tiết trái buổi.

Những em tham gia ôn thi học sinh giỏi không chỉ phải tham gia ôn luyện ở trường mà còn được thầy cô thường xuyên ra bài tập, luyện đề khi ở nhà nên việc học tập còn áp lực nhiều hơn nữa.

Ngoài ra, một số em còn được giáo viên giới thiệu đến các lớp học thêm vào buổi tối để ôn tập, hệ thống, củng cố kiến thức và luyện đề thi nhằm chuẩn bị cho các kỳ thi cuối cấp nên có nhiều em học gần như kín cả buổi sáng, chiều và học thêm vào buổi tối.

Chúng tôi cho rằng trong bối cảnh mà nhiều tỉnh mới bắt đầu cho học sinh đi học trực tiếp sau một thời gian dài học trực tuyến nên việc giảm áp lực cho học sinh là điều mà các nhà trường cần hướng tới.

Đặc biệt là đối với học sinh lớp 9 không cần thiết phải tăng tiết quá nhiều vì đó là kỳ thi tuyển sinh lớp 10 do các sở giáo dục đứng ra tổ chức thì sự chủ động về thời gian thi, cách thức ra đề nên cần hướng tới cho học sinh học tập nhẹ nhàng, hiệu quả nhằm đảm bảo sức khỏe cho học trò.

Tăng tiết để hoàn thành sớm chương trình chỉ để hướng tới cho học sinh được ôn tập nhiều hơn, có điểm số cao hơn nhưng mấu chốt của sự việc này là chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 đã được ấn định.

Sở giao cho các trường trung học phổ thông tuyển mới bao nhiêu thì nó cụ thể rồi nên cũng chừng ấy chỉ tiêu, chừng ấy số lượng dự thi thì điểm cao hay thấp cũng vậy chứ đâu giải quyết được vấn đề gì.

Bởi điểm cao thì cũng lấy từ trên xuống, điểm thấp cũng lấy từ trên xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu thì càng ôn luyện nhiều càng khiến cho học sinh vất vả và tốn kém tiền bạc của phụ huynh mà thôi.

Cứ dạy bình thường, không cần thiết phải tăng tiết, không cần phải tổ chức dạy và học thêm sẽ giúp cho học trò đỡ áp lực mà hiệu quả học tập sẽ được tốt hơn rất nhiều việc nhà trường dồn đến hơn 40 tiết học chính khóa/ tuần.

Hơn nữa, trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, học sinh mới bước vào tuần đầu tiên học tập trực tiếp thì việc tăng tiết không phải là phương án hay, khả thi cho những học sinh cuối cấp bởi nó áp lực kinh khủng lắm.

Mỗi ngày học từ 8 tiết chính khóa trở lên, ngoài ra còn phải chuẩn bị soạn bài, làm bài tập ở nhà, nhiều em còn tham gia ôn thi học sinh giỏi, học thêm… thì học sinh đâu còn tuổi thơ, còn đâu thời gian để nghỉ ngơi hay tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài việc học?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI