Hiểu bản thân để chọn ngành, chọn nghề chính xác

19/02/2022 06:50
Nhật Tân
GDVN- Việc tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân có vai trò quan trọng không chỉ với cá nhân nói riêng mà còn ảnh hưởng đến nguồn lực của xã hội trong tương lai.

Phan Quốc Dũng (sinh năm 1995, Hà Nội) hiện đang làm việc cho một dự án về phát triển rừng tre tại Thanh Hóa và Nghệ An.

Là một cán bộ địa bàn, công việc chính của Dũng là trực tiếp làm việc, hỗ trợ, hướng dẫn bà con khai thác, chăm sóc để rừng tre phát triển tốt và không bị suy giảm chất lượng trong thời gian dài.

Chàng trai Hà Nội từng giành được học bổng Eramus Mundus của Liên minh châu Âu, là cựu thủ khoa kép Trường Đại học Lâm nghiệp khóa, có hai bằng thạc sĩ quốc tế về Rừng và sinh kế, Quản lý rừng nhiệt đới.

Phan Quốc Dũng, cựu thủ khoa kép Trường Đại học Lâm nghiệp, có hai bằng thạc sĩ quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phan Quốc Dũng, cựu thủ khoa kép Trường Đại học Lâm nghiệp, có hai bằng thạc sĩ quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiểu điểm mạnh, điểm yếu của mình và tham khảo lời khuyên của những người xung quanh

Từ kinh nghiệm của bản thân, Phan Quốc Dũng cho rằng sở thích là cảm giác nhất thời và rất dễ thay đổi. Nó giống như việc hồi bé, những đứa trẻ thường thích làm bác sỹ, sau đó thích làm bộ đội, rồi lớn hơn thì lại thích làm doanh nhân … Từ sở thích chuyển thành đam mê là cả một hành trình dài. Không phải ai cũng may mắn tìm ra được đam mê của mình trong một ngành nghề hay lĩnh vực nào đó để định hướng và theo đuổi.

Việc cần làm trước tiên là khám phá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, trong học tập và các hoạt động. Dựa trên thành tích, đánh giá cá nhân và nhận xét từ những người xung quanh, chúng ta có thể dần dần khám phá ra được mình là ai và mình có thể phù hợp với điều gì. Sau đó bằng những trải nghiệm thực tế để dần dần định hướng bản thân theo một con đường nào đó, và quyết tâm với nó đến cùng.

Bên cạnh đó, các bạn nên tham khảo ý kiến của người thân. Vì bố mẹ là người nuôi dạy và hiểu chúng ta hơn bao giờ hết. Hơn nữa, thương con, nên phụ huynh nào cũng đã có những bài toán trước và sau khi ra trường để tư vấn và định hướng cho con mình.

Phan Quốc Dũng khuyên để hiểu về bản thân các bạn có thể làm bài test tính cách. Theo đó có 16 loại hình tính cách đã được nghiên cứu và phát triển dựa trên việc phân tích các yếu tố: hướng nội hay hướng ngoại, cảm tính hay lý tính, giác quan hay trực giác, nguyên tắc hay linh hoạt.

Ví dụ một bạn sống bằng trực giác, hướng ngoại và cảm tính thì chắc chắn không phù hợp với công việc nghiên cứu, đòi hỏi cả ngày đọc sách, ghi chép tỉ mỉ và lặp đi lặp lại.

Từ việc học và làm của bản thân, chàng trai Hà Nội chia sẻ: “Từ lúc bắt đầu học đại học tới lúc ra trường là từ 4-7 năm tùy ngành nghề. Trong khoảng thời gian đó, cục diện xã hội thay đổi, dẫn tới nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề cũng thay đổi. Bản thân chúng ta không thể đủ sức để liên tục thay đổi theo sự thất thường đó của thị trường lao động. Có một điều mình có thể chủ động, là học giỏi nhất, làm tốt nhất ở công việc mình đã lựa chọn. Vì dù xã hội có thay đổi thế nào, vẫn sẽ có cơ hội cho những người chắc kiến thức, vững chuyên môn.”

Đồng quan điểm với Dũng, Nguyễn Hữu Huy Hoàng (sinh năm 1996, Ninh Thuận), cựu sinh ngành Quản lý khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang cũng cho rằng điều quan trọng là hiểu được bản thân. Năm vừa rồi, chàng trai Ninh Thuận nhận được học bổng toàn phần do Chính phủ Úc cấp để theo học bậc thạc sĩ ngành khoa học biển và quản lý nguồn lợi biển tại James Cook University.

Vì tình hình dịch bệnh Covid-19, Hoàng hiện đang học online và dự định sẽ sang Úc vào tháng 6 tới. Bên cạnh việc học nam sinh đang làm điều phối viên các dự án thủy sản tại Việt Nam, cũng như tư vấn cho một số công việc trong lĩnh vực thủy sản.

Huy Hoàng cho rằng việc hiểu sở thích của bản thân, những gì mình đam mê, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các bạn có thể dùng mô hình SWOT (strength – điểm mạnh; weakness – điểm yếu; opportunities – cơ hội; threaten – thách thức) để đưa ra một quyết định khách quan. Bạn có thể hỏi thêm những anh chị theo học và làm việc trong ngành đó để có thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định.

Chia sẻ về câu chuyện chọn ngành học của mình, Huy Hoàng cho biết vào năm em lớp 12, thời điểm đó, ngành Du lịch, Ngôn ngữ anh và Quản trị kinh doanh đang rất hot.

Có rất nhiều bạn đổ xô đăng ký các ngành này, lúc đó em có suy nghĩ một cách đơn giản là “Ai cũng học như vậy thì học xong lấy đâu ra việc mà làm”.

Vì vậy em quyết định lựa chọn một ngành học khác, sau khi quan sát, Hoàng nhận thấy quê hương có rất nhiều tài nguyên biển, trang trại nuôi tôm. Nam sinh nảy ra ý tưởng học ngành Thủy sản. Để có thêm thông tin về ngành này Hoàng xin lời khuyên từ người thân và các anh, chị làm trong ngành này.

Huy Hoàng kể: “Sau khi tìm hiểu nhận thấy ngành này có cơ hội việc làm và mức thu nhập rất tốt, em quyết định xách vali đến Nha trang học tập.”

Khi theo học Quản lý khai thác thủy sản, Hoàng nhận thấy ngành học có những khó khăn nhất định vì một số công việc đòi hỏi kỹ năng đi biển, dễ bị say sóng và gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên những cơ hội được học hỏi, tiếp xúc với ngư dân, nông dân, hiểu được một số điểm gian nan và khó khăn của ngành nghề giúp Hoàng thêm yêu ngành học của mình.

Tự tạo động lực và niềm yêu thích với ngành học

Để có thêm kỹ năng và đam mê với nghề, từ năm 3 đại học em bắt đầu xin tham gia các dự án về việc thúc đẩy hoạt động khai thác bền vững trong ngành khai thác thủy sản.

Hoàng có dịp đi công tác, thực địa tại các khu vực của bà con ngư dân ở Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Từ những chuyến đi như vậy, giúp em hiểu hơn được rất nhiều về văn hóa, tập tục, cách nói chuyện trao đổi với những người ngư dân, làm sao để khuyến khích và truyền đạt thông tin đến họ, tìm ra những biện pháp để dần dần nâng cao nhận thức của người ngư dân về các công tác bảo vệ các loài sinh vật biển có nguy cơ bị tuyệt chủng như: Rùa, cá mập, …

Cùng với đó tuyên truyền các quy định pháp luật mới để cộng đồng ngư dân hiểu hơn và tuân thủ theo đúng quy định của nhà nước.

Đối với Hoàng đó là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời.

Nguyễn Hữu Huy Hoàng trong một lần làm diễn giả tại Hội thảo đối thoại khu vực Đông Nam Á về thực trạng và mô hình thúc đẩy thực hành tốt trách nhiệm xã hội trong ngành thuỷ sản tại Việt Nam vào năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nguyễn Hữu Huy Hoàng trong một lần làm diễn giả tại Hội thảo đối thoại khu vực Đông Nam Á về thực trạng và mô hình thúc đẩy thực hành tốt trách nhiệm xã hội trong ngành thuỷ sản tại Việt Nam vào năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ở thời điểm hiện tại nguồn nhân lực làm nghề biển và các sinh viên tốt nghiệp ngành thủy sản cũng đang rất khan hiếm. Vì vậy có rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ, những nguồn nhân lực mới cho ngành thủy sản của Việt Nam.

Và không phải công việc nào cũng phải đi biển và sử dụng nhiều công sức. Nguồn nhân lực thủy sản cũng đang rất cần những cán bộ quản lý, chuyên viên triển khai, …

Từ câu chuyện của bản thân, Huy Hoàng cho rằng: “Với những ngành mà nguồn nhân lực khan hiếm, các bạn dễ dàng tìm cho mình một công việc tốt và ít phải cạnh tranh hơn so với các nghề nghiệp khác.”

Đối với Huy Hoàng mỗi lần triển khai một dự án và mang lại giá trị cho cộng đồng, cho môi trường. Chàng trai Ninh Thuận cảm thấy hạnh phúc vì đã đóng góp được một chút sức lực cho sự phát triển bền vững của đất nước, … Động lực đó luôn thôi thúc em không ngừng cố gắng và luôn nhiệt huyết cho với công việc của mình.

Lời khuyên của Hoàng là nghề nào cũng có những khó khăn, những vất vả và niềm vui riêng. Do đó, khi lựa chọn ngành nghề hãy cân nhắc thật kỹ ở nhiều khía cạnh cả về mặt tích cực, tiêu cực, nhu cầu của xã hội, việc làm trong vòng 5-10 năm tới và những cơ hội phát triển của bản thân.

Nhật Tân