Dạy học kết hợp on-off, giáo viên, học sinh Hải Phòng xoay như chong chóng

26/02/2022 06:52
PHẠM LINH
GDVN- Nhiều phụ huynh cho rằng, việc dạy kết hợp on-off (trực tiếp và trực tuyến) còn tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn đối với cả giáo viên và học sinh.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, từ ngày 7/2, thực hiện chỉ đạo về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, Hải Phòng đã triển khai mở cửa trường học, đón học sinh quay lại trường đối với các khối trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Đến ngày 14/2, học sinh các khối mầm non và tiểu học cũng quay trở lại trường tham gia học trực tiếp.

Điều đáng nói, chỉ sau hơn một tuần học sinh quay trở lại trường học, dịch bệnh Covid-19 tại Hải Phòng có chiều hướng diễn biến phức tạp, số ca mắc tại các địa phương không ngừng tăng cao.

Mỗi ngày, Hải Phòng ghi nhận hàng nghìn ca bệnh trong đó có nhiều trường hợp là học sinh, trẻ em, giáo viên, nhân viên của các trường học.

Nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, hiện nay, các trường áp dụng hình thức dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Những trường hợp giáo viên, học sinh thuộc diện F0, F1 vẫn dạy và học trực tuyến song song với thời khoá biểu trên lớp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến cũng khiến nhiều thầy, cô giáo cũng như học sinh vấp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Nhiều ý kiến của giáo viên, phụ huynh cho rằng việc dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến còn tồn tại nhiều bất cập (Ảnh: PL)

Nhiều ý kiến của giáo viên, phụ huynh cho rằng việc dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến còn tồn tại nhiều bất cập (Ảnh: PL)

Thầy Đ.T - giáo viên một trường tiểu học thuộc quận Ngô Quyền, Hải Phòng chia sẻ, mặc dù đã triển khai việc dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến một thời gian nhưng bản thân thầy và đồng nghiệp vấp phải không ít khó khăn trong quá trình dạy học.

Trước đây, thông thường khi giảng dạy trực tuyến đối với học sinh tiểu học sẽ cố định thời gian khoảng 2 – 3 giờ vào buổi chiều hoặc tối cho các môn.

Đặc biệt, thầy và trò có thể linh hoạt vào lớp sớm hơn để ổn định trật tự, kiểm tra thiết bị và điểm danh để không ảnh hưởng đến thời gian học chính.

Còn đối với việc dạy kết hợp trực tuyến và trực tiếp, thời gian cho mỗi tiết học sẽ eo hẹp hơn, giáo viên mất nhiều thời gian vào việc lắp đặt thiết bị và ổn định trật tự cho cả hai nhóm học sinh.

Bên cạnh đó, những học sinh F0, F1 ở nhà sẽ phải học thời gian dài và nhiều môn học hơn khi học song song cùng thời khoá biểu với các bạn đến trường.

“Thực tế mỗi tiết học chỉ kéo dài 40 – 45 phút nhưng nay tôi phải dành thời gian để kết nối thiết bị, ổn định trật tự học sinh cả trên lớp lẫn trong phòng học trực tuyến.

Trong quá trình dạy, giáo viên phải chú ý tương tác với cả hai hình thức sẽ dễ gây phân tâm, hiệu quả học tập cũng sẽ giảm đi.

Chưa kể đến một số các sự cố về thiết bị như việc đặt máy trên lớp khiến âm thanh bị lẫn tạp âm, hình ảnh trên bảng bị mờ hơn nên học sinh sẽ không sát sao được bài giảng.

Sau các buổi học, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự quan ngại khi học kết hợp sẽ không hiệu quả và thời gian học kéo dài hơn, các con phải nhìn điện thoại, máy tính lâu ảnh hưởng tới sức khoẻ” giáo viên Đ.T cho biết.

Đồng quan điểm với giáo viên Đ.T, anh Nguyễn Tiến Đức (33 tuổi, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng việc dạy kết hợp trực tiếp và trực tuyến có nhiều bất cập như tăng áp lực cho giáo viên nhưng lại giảm hiệu quả học tập.

Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn tách riêng lớp học trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo hiệu quả học tập (Ảnh: PL)

Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn tách riêng lớp học trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo hiệu quả học tập (Ảnh: PL)

“Mặc dù các thầy, cô cố gắng khắc phục như chuyển hoàn toàn bài giảng sang dạng slide để chia sẻ thống nhất cho cả hai nhóm học sinh trực tiếp và trực tuyến nhưng cũng rất khó để đảm bảo việc tương tác cho tất cả học sinh.

Điều dễ nhận thấy là thầy, cô sẽ thiên về tương tác với các bạn học trực tiếp hơn. Những bạn học trực tuyến sẽ không thể theo sát bài học được vì thầy cô không phải lúc nào cũng có thể kiểm tra máy” anh Đức cho biết.

Còn theo chị Vũ Hoàng Anh, phụ huynh có con học lớp 7 thuộc diện F0 và đang học trực tuyến tại nhà cho biết: “Không riêng tôi mà nhiều phụ huynh có quan điểm vẫn nên triển khai theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến để thích ứng với dịch bệnh nhưng cần tổ chức độc lập.

Ngoài các bạn có sức khoẻ bình thường duy trì học trực tiếp tại lớp, nhà trường có thể gom những học sinh f0, f1 của cùng một khối thành lớp học trực tuyến riêng.

Học theo hình thức thống nhất cả lớp sẽ giúp giáo viên thuận lợi trong việc chuẩn bị bài giảng và có thể quan tâm tương tác với học sinh nhiều hơn”.

PHẠM LINH