Năm học 2021-2022 là một năm học thật đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát thì nhiều địa phương trong cả nước buộc phải tổ chức năm học theo hình thức học trực tuyến.
Ngay cả thời điểm này, học kỳ 1 đã kết thúc, học sinh được đến trường học trực tiếp thì giáo viên vẫn phải duy trì song song 2 hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến ngay trong một lớp học.
Một tiết thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh mang tính minh họa: Báo Ngày nay) |
Có thể nói, học tập trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 đã vô cùng vất vả với các em, nhưng sự vất vả, áp lực của giáo viên lại gấp nhiều lần như thế.
Các thầy cô cứ quay như chong chóng với biết bao công việc từ việc nghiên cứu, cập nhật chương trình mới, soạn bài đảm bảo 2 hình thức dạy học, hoàn thành hồ sơ sổ sách, vận động học sinh ra lớp, kèm cặp học sinh yếu đến việc theo dõi, giám sát tình hình sức khỏe học sinh mỗi ngày…
Công việc ngập đầu, cứ xoay vòng như thế. Nếu hỏi tổ chức thi giáo viên giỏi (bao gồm giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi) trong lúc dịch bệnh Covid như hiện nay có nên không, chắc chắn vẫn sẽ nhận được cả 2 luồng ý kiến là nên và không nên.
Vì sao lại có 2 luồng ý kiến chỏi nhau thế này? Câu trả lời không nên là của phần đông là các thầy cô giáo, còn câu trả lời nên thường là của ban giám hiệu không ít nhà trường.
Nhà trường được gì khi tổ chức các hội thi giáo viên giỏi?
Cái được lớn nhất là đã thực hiện tốt chỉ tiêu về việc tổ chức các hội thi giáo viên giỏi đề ra từ đầu năm.
Trong các báo cáo sơ, tổng kết của nhà trường sẽ có thống kê về những việc đã làm được (cụ thể đã tổ chức thành công các hội thi về giáo viên giỏi) trong năm học.
Báo cáo của công đoàn nhà trường cũng nêu đã động viên giáo viên tham gia nhiệt tình hội thi và đạt kết quả tốt.
Trong bản báo cáo thành tích cá nhân của ban giám hiệu sẽ được thể hiện nhờ công tác tổ chức, chỉ đạo kịp thời, nhà trường đã tổ chức thành công các hội thi giáo viên giỏi.
Giáo viên sẽ được gì từ những hội thi như thế?
Hội thi giáo viên giỏi cấp trường thì ai đăng ký cũng đỗ. Bởi thế, nói giáo viên không được gì từ những hội thi như thế này sẽ không khách quan. Thầy cô sẽ được danh hiệu thi đua, được nhận giấy chứng nhận, được ghi trong bản thành tích cuối năm.
Một số giáo viên sẽ được tham gia hội thi cấp thị xã, cấp tỉnh. Những người đỗ sẽ được bảo lưu vài năm không phải thi nữa.
Giáo viên dự thi được ưu tiên khi xét hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiến sĩ thi đua cơ sở, được tăng lương trước thời hạn. Có người được đưa vào danh sách nguồn để bổ nhiệm sau này.
Tuy nhiên, không phải thầy cô giáo nào cũng muốn điều đó.
Có rất nhiều thầy cô giáo năng lực chuyên môn tốt, nhiệt tình trong công việc, tận tụy với học sinh nhưng lại chẳng bao giờ muốn tham gia những hội thi như thế, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh thế này.
Khi chia sẻ với người viết, một số đồng nghiệp của người viết đều nói rằng chỉ cần dạy học sinh cho tốt, phụ huynh tin yêu là đủ rồi. Giáo viên mà cứ lo thi cử thì học sinh là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Học sinh được gì từ những hội thi thế này?
Dù ít, dù nhiều nhà trường, giáo viên tham gia hội thi giáo viên giỏi đều có lợi, chỉ có học sinh là chẳng lợi lộc gì nếu không muốn nói còn bị thiệt thòi nữa.
Vì muốn tiết dạy hoàn hảo, thầy cô sẽ phải chuẩn bị một cách chu đáo. Thế là, học sinh phải tham gia vào một số “vai diễn”.
Thầy cô sẽ phải cắt bớt tiết dạy để dành thời gian cho học sinh luyện tập. Nào là học thuộc tình huống, tập diễn tình huống, nhớ câu hỏi, thuộc câu trả lời. Nào làm đi làm lại các bài thực hành, các dạng bài tập sẽ có trong tiết học.
Ngoài ra, còn phải học thêm một số câu hỏi để tạo tình huống. Những nội dung ấy đều được tập dượt mỗi ngày cho đến ngày thầy cô dự thi.
Chỉ dạy 1 tiết dự thi, nhiều giáo viên đã phải tốn không ít thời gian để chuẩn bị. Trong những năm dịch bệnh thế này, những ngày học tập trực tiếp của học sinh tại trường là vô cùng quý giá.
Giáo viên luôn phải tranh thủ từng phút, từng giờ cung cấp kiến thức và ôn bài cho các em vì luôn sợ biết đâu ngày mai lại bất ngờ ngừng đến trường. Thế nên mong mỏi lớn nhất của giáo viên không phải vì cái danh hiệu giỏi kia mà muốn toàn tâm, toàn ý dạy dỗ học sinh.
Vì thế, xin hãy bớt đi những hội thi giáo viên giỏi mà chính học sinh (là chủ thể) lại không được hưởng lợi.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.