Cô Huyền trường chuyên Nguyễn Trãi "có duyên" với bồi dưỡng học sinh giỏi

21/03/2022 06:38
Đức Hùng
GDVN- Cô Nguyễn Thanh Huyền đang là giáo viên dạy bộ môn Ngữ Văn tại trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương.

Xuất thân từ gia đình có truyền thống gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thanh Huyền đã “bén duyên” với nghề dạy văn.

Hiện tại cô Huyền đang là giáo viên dạy bộ môn Ngữ Văn tại trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương. Bên cạnh việc truyền dạy kiến thức, kỹ năng, cô Huyền đã lan tỏa tình yêu văn chương tới bao thế hệ học trò, giúp các em học sinh đạt được nhiều thành tích đáng nể.

Nghề giáo vừa là cái “duyên”, vừa là thách thức

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1995, cô Huyền về dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên ban thị xã Hưng Yên (Hưng Yên). Tới năm 1997, trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng được đổi tên thành Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Trãi, tỉnh Hải Dương, cô Huyền gắn bó với mái trường này đến tận bây giờ.

Cô Thanh Huyền (ở giữa) và các học sinh chuyên Sử niên khóa 2011-2014. (Ảnh: NVCC)

Cô Thanh Huyền (ở giữa) và các học sinh chuyên Sử niên khóa 2011-2014. (Ảnh: NVCC)

Vừa qua, cô Huyền khá bận rộn với việc ôn thi nước rút cho đội tuyển Văn của trường để bước vào kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông. Bên cạnh đó, là những bài giảng trên lớp mỗi ngày giúp các em học sinh cuối cấp trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

Với 27 năm gắn bó trong nghề, trải qua quá trình học hỏi, cô Huyền đã tích lũy, trau dồi cho bản thân thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm để giúp học sinh yêu thích, học tốt môn Văn.

“Dạy văn ở góc độ chuyên môn có nhiều cái khó. Ngoài việc am hiểu văn chương, mình còn phải am hiểu đời sống, hiểu tâm lý, nhu cầu sở thích của học sinh thì mới có thể đưa các em tiếp cận những giá trị không chỉ do chương trình học yêu cầu mà còn là những yêu cầu của thế giới hiện đại văn minh…”, cô Huyền chia sẻ.

Trong quá trình giảng dạy, ngoài việc truyền thụ kiến thức, cô cho rằng dạy học chính là cuộc tiếp xúc về cả trí tuệ lẫn tâm hồn giữa giáo viên và học sinh.

“Khi dạy một đứa trẻ, đó là cơ hội để giáo viên tiếp xúc với tâm hồn, trí tuệ của các em, đồng thời đóng vai trò là người dẫn dắt, hỗ trợ, động viên khích lệ đứa trẻ ấy. Trong cuộc sống, những đứa trẻ đôi khi không tránh khỏi việc mắc sai lầm thậm chí đôi lúc lười học, nếu người giáo viên biết yêu thương trẻ con, thì chắc chắn sẽ tìm ra được cách. Trên thực tế, mỗi đứa trẻ có một kiểu tính cách, dạng tâm hồn khác nhau, khi người giáo viên nắm bắt được những điều đó sẽ dẫn dắt đứa trẻ bước qua được sự chênh vênh của lứa tuổi. Đây là điều khiến tôi cảm thấy thú vị, tâm đắc nhất với công việc này”, cô Huyền nói.

Tại Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Trãi, bằng sự nỗ lực và vốn kinh nghiệm phong phú của mình, cô đã được lãnh đạo nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ quan trọng là bồi dưỡng học sinh giỏi trong suốt 22 năm qua kể từ năm 2000.

Ở lĩnh vực này, cô Huyền rất “có duyên”. Trong số giải quốc gia môn Ngữ Văn khối Trung học phổ thông toàn tỉnh Hải Dương có được từ ngày tái lập năm 1997 đến nay, số giải của học sinh do cô Huyền bồi dưỡng chiếm đến 1/3. Đặc biệt, 2 giải nhất năm 2014, 2019 trong tổng số 3 giải nhất quốc gia môn Ngữ Văn của tỉnh tính tới thời điểm hiện tại đều do cô Huyền trực tiếp dẫn dắt và đào tạo.

Dù vậy, cô cũng nhận thấy những khó khăn trong công việc đằng sau sự thay đổi lớn của thời đại. Ở tuổi của cô, việc tiếp cận công nghệ không thể nhanh nhạy bằng lớp trẻ, kiến thức đôi khi cũng cũ dần theo thời gian. Nếu bản thân không chịu thay đổi thì chắc chắn sẽ thụt lùi so với yêu cầu của công việc, thậm chí lạc điệu, lạc nhịp với chính đối tượng học sinh của mình. Một trong những cách để cô vượt qua những khó khăn, cản trở là chịu khó học hỏi qua nhiều đối tượng. Thông qua việc trao đổi, trò chuyện, chia sẻ những hiểu biết của nhau, cô đã có trong tay nhiều nguồn tư liệu quý giá nhằm phục vụ cho quá trình giảng dạy. Với cô, chỉ cần ham học hỏi, nỗ lực không ngừng nghỉ sẽ giúp cô vượt qua tất cả và đạt được yêu cầu do bản thân đặt ra.

Nhận xét về cô giáo Thanh Huyền, cô Nguyễn Hoàng Hải - giáo viên tổ Ngữ Văn cho hay: “Cô Thanh Huyền là một người rất gần gũi, hòa đồng với mọi người. Không những vậy, cô còn là một người có trách nhiệm trong công việc, luôn hết lòng vì học sinh. Bên cạnh đó, sự sắc sảo trong chuyên môn và tận tâm với nghề là những gì bất cứ đồng nghiệp nào cũng cảm nhận được về cô giáo Thanh Huyền. Đây là những yếu tố cần thiết để đạt được kết quả tốt trong quá trình giảng dạy”.

Cô Thanh Huyền (bên phải ảnh) tham dự Chuyên đề Hội thảo khoa học các trường Trung học phổ thông chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Cô Thanh Huyền (bên phải ảnh) tham dự Chuyên đề Hội thảo khoa học các trường Trung học phổ thông chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ năm 2020. (Ảnh: NVCC)

Những lúc ngã lòng thì vịn học sinh mà đứng dậy

Với nhiều năm gắn bó trong nghề, cô Huyền đã đào tạo ra nhiều những thế hệ học sinh tài năng và đạt được những thành tích nổi bật mang về cho tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên khi được hỏi về một kỉ niệm đáng nhớ trong đời dạy học của mình, chúng tôi đã rất bất ngờ và xúc động về câu chuyện của cô.

Cô nhớ lại câu chuyện khi cô dẫn đội học sinh giỏi lớp 12 đi thi tỉnh. Trước khi vào đội tuyển quốc gia, các em phải trải qua 2 vòng thi của tỉnh. Tuy nhiên, em học sinh học tốt nhất đội tuyển năm đó, luôn đạt điểm cao trong các kì thi khảo sát ở trường và được nhiều thầy cô kì vọng đã trượt ngay ở vòng loại của kì thi tỉnh. Điều đó khiến cô không khỏi buồn. Nhưng cô không dám thể hiện nỗi buồn trước mặt mọi người bởi cô cảm thấy thương học sinh.

Trong buổi chiều hôm đó, sau khi cô trở về nhà, em học sinh đó đã đạp xe một đoạn đường dài đến nhà cô chỉ để nói với cô một câu: “Cô ơi! Cô đừng buồn! Em không làm sao đâu! Em không vào được đội tuyển thì em sẽ phấn đấu và khẳng định mình bằng con đường khác”. Điều đó đã an ủi cô rất nhiều, và thực tế em học sinh đó đã chứng minh được năng lực của mình. Sau bao nỗ lực, thành quả ngọt ngào cũng tới khi em đã đạt điểm cao trong kì thi đại học, cô trò vui không tả xiết.

Hiện tại, em là giảng viên của Học viện Cảnh sát nhân dân và cũng mới bảo vệ được luận án tiến sĩ được 2 năm nay. Đó cũng là một niềm an ủi lớn cho cô niềm tin: “Học trò có thể vấp ngã ở kì thi này, nhưng khi có năng lực thực sự thì sớm muộn cũng khẳng định được năng lực của bản thân bởi học sinh chính là chỗ dựa của thầy cô. Giống như nhà thơ Phùng Quán đã từng viết: Có những phút ngã lòng/Tôi vịn câu thơ và đứng dậy… Nhưng tôi luôn nói với đồng nghiệp, lúc ngã lòng thì vịn học sinh mà đứng dậy.”

Cảm nhận về cô Huyền trong mắt nhiều học trò là một giáo viên vừa tâm lý, vừa nghiêm khắc. Đến với cô, học sinh được thỏa sức “mộng mơ”, thoải mái thể hiện quan điểm cá nhân của mình đối với các vấn đề trong môn học cũng như ngoài xã hội, còn cô như người mẹ thứ hai có thể chia sẻ mọi điều, cả trên lớp cũng như ngoài giờ học.

“Với mình, cô Huyền là một người rất đặc biệt, cũng có thể nói là khác biệt hơn với các giáo viên khác mình được tiếp xúc. Ấn tượng đầu tiên của mình là sự chân thành, vui vẻ, và cởi mở của cô. Cô không ngại chia sẻ cảm xúc trong mỗi bài giảng, nhưng rất rạch ròi trong việc đánh giá học sinh. Đối với mình, sự quan tâm của cô, từ những lời động viên, hay món đồ ăn vặt, đều khiến mình cảm thấy rất ấm áp.

Mình không có cảm giác bị áp lực về thành tích hay bất kì điều gì trong những tiết học của cô; nhưng ngược lại, là khá nhiều suy ngẫm sau mỗi vấn đề văn học hay cuộc đời mà cô đưa ra. Học cô, mình được tiếp xúc với văn chương như một phần của cuộc sống, để rèn cách tư duy. Nhưng những điều cô dạy có thể sẽ hơi khó để tiếp thu, vì nó không phải kiến thức kiểu "ăn liền". Vì thế, có rất nhiều điều cô nhắn nhủ, mà cho tới bây giờ mình mới từ từ ngẫm ra được”, Vũ Thị Ngọc Mai, học sinh chuyên Văn niên khóa 2015-2018 cho biết.

Cô Thanh Huyền (ở giữa) và các học sinh chuyên Văn niên khóa 2002-2005. (Ảnh: NVCC)

Cô Thanh Huyền (ở giữa) và các học sinh chuyên Văn niên khóa 2002-2005. (Ảnh: NVCC)

Sứ mệnh của người thầy

Trước vấn đề trong hiện thực xã hội có những lúc môn Văn ở đâu đó bị xem nhẹ, cô Huyền cho rằng, điều này xuất phát từ cách nhìn nhận của phụ huynh học sinh. Bởi môn Văn không phải là môn thi vào những trường được coi là “ trường hot”. Nên phụ huynh dễ bỏ qua để cho con em mình tập trung vào những môn học khác. Tuy nhiên các thầy cô dạy môn Văn vẫn luôn cố gắng làm những gì có thể. Ngoài việc truyền thụ kiến thức, thầy cô sẽ trò chuyện, dẫn dắt, định hướng học sinh bằng kiến thức và kinh nghiệm không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn là kiến thức ngoài đời sống để học sinh hiểu được.

“Học văn không chỉ để đi thi, học văn không chỉ là học thuộc những bài học dài mà thầy cô cho ghi chép, học văn còn là để sống tốt, sống có ích cho xã hội. Mỗi một tác phẩm trong nhà trường, mỗi một bài viết do các em tiếp xúc đều là cánh cửa để các em mở ra trong thế giới của đời sống. Khi các em hiểu ra điều đó, các em sẽ có một thái độ khác đối với môn học này.”

Nhà thơ Tố Hữu từng nói với các thầy cô dạy văn ở Hà Nội vào tháng 3 năm 1963 rằng: “Nghề dạy văn thật đáng yêu, học văn là một niềm vui lớn”. Văn học giúp con người biết yêu ghét, phân biệt phải - trái, đúng - sai, biết được cái chân - thiện - mỹ ở đời.... Hiện nay, chúng ta đang ở thời đại 4.0, máy móc có thể thay thế được nhiều khâu, nhưng tình cảm, cảm xúc thì không riêng hiện tại mà ngay cả trong tương lai cũng khó có thể thay thế được. Văn học có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống, đặc biệt là thế giới tinh thần, tâm hồn của con người.

Văn học có vai trò quan trọng không chỉ về mặt kiến thức mà là chuyện hình thành nhân cách và bồi dưỡng tâm hồn cho học sinh. Văn học luôn rất cần thiết để hướng con người ta sống thiện, biết san sẻ yêu thương nhiều hơn. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ hối tiếc về nghề giáo mà mình đã chọn và gắn với bộ môn Ngữ Văn", cô Huyền tâm sự.

Đức Hùng