Làm 'đôi chân' đưa bạn tới trường, câu chuyện cổ tích giữa đời thường

20/03/2022 07:29
LÃ TIẾN
GDVN- Suốt 3 năm liền, em Đoàn Đức Việt – học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hải Phòng) tình nguyện làm “đôi chân” đưa bạn đến lớp học mỗi ngày.

Không ngại nắng gắt hay mưa to, chẳng quản thời gian sớm chiều, đã 3 năm qua, em Đoàn Đức Việt, học sinh lớp 9A3, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hải An, thành phố Hải Phòng) đã tình nguyện làm “đôi chân" đưa bạn đến lớp học.

Chuyện cổ tích giữa đời thường

Câu chuyện về tình bạn đẹp của em Trần Đức Anh và Đoàn Đức Việt, học sinh lớp 9A3, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi đã trở thành chuyện cổ tích giữa đời thường.

Đức Anh sinh ra không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Ngay từ nhỏ em đã mang trong mình căn bệnh khớp bẩm sinh, xương kém phát triển, nên không thể đi lại bình thường như các bạn, mỗi bước đi của em là cả một sự nỗ lực cố gắng.

Dù có thân hình nhỏ bé hơn các bạn, đôi chân lại yếu đau, nhưng không từ bỏ đam mê và ước mơ học tập, hàng ngày Đức Anh vẫn chăm chỉ đến trường.

Chị Nguyễn Thị Kim Thuỷ (mẹ Đức Anh) chia sẻ, từ khi sinh ra Đức Anh đã có bệnh viêm khớp.

Đến năm lớp 4 căn bệnh phát tác mạnh, các khớp của Đức Anh sưng to và khó khăn cho việc đi lại.

Dù bệnh tật đau đớn nhưng không khi nào cậu học trò nhỏ nghĩ tới việc nghỉ học. Vì thế, trên cung đường quen thuộc tới trường, lúc nào Đức Anh cũng nhận được sự đồng hành, động viên bằng tình yêu thương của mẹ.

Có sự cổ vũ, động viên của gia đình, cậu học trò nhỏ bé thêm động lực phấn đấu. Dù chỉ lớn bằng nửa các bạn trong lớp, nhưng Đức Anh luôn là học sinh giỏi, nhận được nhiều khen thưởng của thầy cô và nhà trường.

Mỗi ngày, Việt kiên trì chở Đức Anh tới trường trên chiếc xe đạp cũ (Ảnh: NVCC)

Mỗi ngày, Việt kiên trì chở Đức Anh tới trường trên chiếc xe đạp cũ (Ảnh: NVCC)

Chị Thuỷ kể, bệnh viêm khớp khiến Đức Anh phải chịu nhiều đớn đau. Ở nhà em rất chịu khó học nhưng nhiều khi cơn đau khớp hành hạ khiến trí nhớ em giảm sút.

Hơn nữa, phải uống nhiều kháng sinh và thường xuyên dùng thuốc giảm đau nên sức khoẻ của Đức Anh không ổn định.

Từng bước chân tới trường là cả sự cố gắng bằng niềm tin và ý chí của cậu học trò ham học.

Cung đường từ nhà Đức Anh đến trường chưa đầy một cây số. Nhưng do đặc thù công việc làm xa nhà nên chị Thuỷ thường khó thu xếp đón con vào buổi trưa.

Sang đến kỳ 2 năm lớp 6, Đức Anh luôn dặn mẹ chỉ cần chở con đi học buổi sáng và không phải bận tâm về việc đón buổi trưa và chiều con vì có bạn trong lớp giúp đỡ.

Dù lớp học trên tầng 3 nhưng cậu bé cũng ít khi để mẹ cõng lên tận nơi.

Khi nghe con đề nghị, ban đầu chị Thuỷ nghĩ rằng, chắc do con lớn rồi nên ngại ngùng với các bạn và muốn mình tự cố gắng.

Nhưng khi biết bạn Việt cùng lớp luôn đồng hành với Đức Anh trong quá trình con đến trường và học tập, chị Thuỷ vô cùng cảm động.

Đôi bạn cùng tiến

Đã 3 năm trôi qua, Việt đã đồng hành trên con đường tới trường của Đức Anh. Không chỉ đón bạn, Việt còn cõng bạn lên lớp.

Bởi lớp học trên tầng 3, với đôi chân nhỏ yếu của Đức Anh, em không thể leo được cầu thang. Cũng từng ấy năm, đôi bạn luôn đến trường đúng giờ.

Việt cũng luôn tỏ ra là người cảm thông, sẻ chia với những thiệt thòi của bạn. Giờ ra chơi, Đức Anh chỉ ngồi yên một chỗ nhìn các bạn nô đùa.

Thấy vậy, Việt luôn tới chơi cùng bạn. Những câu chuyện buồn vui tuổi học trò đã rộn vang một góc lớp và thêm gắn kết tình cảm của đôi bạn cùng tiến.

Em Việt bày tỏ, em giúp bạn Đức Anh vì em thương bạn yếu đau. Đó là việc cần làm và nên làm vừa theo sức lực của mình.

Còn Đức Anh thì xúc động, Việt chính là đôi chân, là chỗ dựa và là động lực để em cố gắng theo đuổi ước mơ tới trường.

Thời gian này, cả 2 đứa em đang nghỉ ốm ở nhà để học online nên em rất nhớ bạn. Sau mỗi giờ học, 2 đứa thường nhắn tin cho nhau chuyện trò.

Việt chính là đôi chân, là chỗ dựa và là động lực để Đức Anh cố gắng theo đuổi ước mơ tới trường (Ảnh: NVCC)

Việt chính là đôi chân, là chỗ dựa và là động lực để Đức Anh cố gắng theo đuổi ước mơ tới trường (Ảnh: NVCC)

Cô Trịnh Ngọc Mai, giáo viên Chủ nhiệm 9A3 chia sẻ, em Việt chuyển vào lớp của cô từ kỳ 2 năm lớp 6.

Việt là một học sinh có học lực khá và rất tốt bụng. Em sống chan hoà với các bạn và sẵn sàng giúp đỡ mọi người nếu ai cần.

Với Đức Anh, em bị bệnh, đi lại khó khăn thì Việt luôn nhẹ nhàng đến bên giúp đỡ bạn. Từ khi Việt vào lớp, 2 bạn đã tỏ ra hiểu và thân nhau. Việt luôn giúp bạn trong nhiều sinh hoạt tại lớp.

Đến năm lớp 8, 9 càng ngày Đức Anh đi lại khó khăn hơn. Vì thế, Việt không ngại mưa nắng luôn đến nhà đón bạn đến trường.

Nhìn cảnh Việt cõng bạn lên lớp mà thầy cô và các bạn đều cảm phục và yêu mến.

Chị Nguyễn Thị Ánh ( mẹ Việt) kể, ở nhà, Việt là người sống tình cảm, tốt tính. Tuy nhà gần trường nhưng thấy con hay đi học về muộn chừng 15 phút, chị Ánh hay gặng hỏi bởi lo con ham chơi.

Nhưng khi nghe Việt kể về Đức Anh và chuyện đón đưa bạn tới trường, chị rất vui và tự hào về con. Những hôm lớp học cả buổi chiều, để kịp đón bạn, Việt luôn nhắc mẹ nấu cơm sớm.

Nhà có 2 xe đạp, một chiếc xe đạp điện và một xe đạp thường, thương con vất vả, chị Ánh động viên Việt đi xe đạp điện.

Nhưng xe đạp điện yên cao, Đức Anh trèo rất khó khăn. Thương bạn đau yếu, Việt quyết định vẫn đi xe đạp cũ.

“Lắm hôm mưa gió, tôi muốn chở con đi học cho đỡ vất vả nhưng con quả quyết còn đón bạn. Có hôm xe của Việt hỏng, tôi mang xe máy đưa đón cả 2 đứa đi học. Nhà bà của Việt sát trường, nhiều khi muốn về bà ăn cơm, Việt cũng phải chở bạn về nhà, sau đó mới quay lại. Tôi rất muốn các con chơi với nhau, yêu thương và bảo vệ nhau”, chị Ánh cho hay.

Chị Nguyễn Thuỳ Liên, phụ huynh lớp 9A3 xúc động: “Hàng ngày đưa đón con đi học tôi được chứng kiến cảnh 2 cậu học trò cõng nhau lên lớp, tôi thấy rất đồng cảm.

Hành động của Việt rất đáng biểu dương. Sự hiền từ, tốt bụng của cậu bé Việt hiện lên ngay trên khuôn mặt”.

Việc các bạn trong lớp quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau là cần thiết, cha mẹ nên tán dương con.

Nhưng xuất phát từ tâm lý lứa tuổi, các con còn mải chơi, nên hành động của Việt kiên trì giúp bạn nhiều năm liền quả là một tình cảm đáng quý và trân trọng.

Hình ảnh một cậu bé điển trai, đi xe đạp cũ, nhẫn nại đợi bạn và bế bạn lên xe chở từ trường về nhà, luôn in trong trí nhớ của nhiều phụ huynh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi.

Em Phùng Phương Linh, học sinh lớp 9A3, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi cho hay, bạn Việt và Đức Anh gắn với nhau như hình với bóng.

Từ học hành, đi lại đến ăn uống, Việt rất lo lắng cho Đức Anh. Các bạn trong lớp rất quý mến và nể phục tình bạn đẹp của Đức Anh và Việt.

LÃ TIẾN