Liên quan đến những vụ việc học sinh tự tử gần đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trọng An (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường và Sức khỏe, Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) xoay quanh vấn đề nóng này.
Phóng viên: Thưa Bác sĩ Hiện nay có rất nhiều các em đang độ tuổi học sinh tự tử gây hoang mang dư luận và gây lo lắng cho bậc phụ huynh. Theo bác sĩ thì trách nhiệm của người giám hộ và môi trường giáo dục trong vấn đề này như thế nào ạ?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Thực ra ở Việt Nam ta, khái niệm người giám hộ chỉ dùng để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự.
Cần thiết phải có người giám hộ khi xảy ra khi có vấn đề liên quan đến pháp luật, tranh chấp, tố tụng… khi trẻ vắng cha mẹ vì 1 lý do nào đó (Cha mẹ bị bệnh nặng đang điều trị, cha mẹ đi tù hoặc đi nước ngoài công chuyện không thể có mặt kịp…). Trong trường hợp em bé này có đủ cha mẹ thì không cần thiết có người giám hộ.
Theo tôi chúng ta không nên đổ lỗi cho Cha mẹ, Nhà trường, hoặc tìm trách nhiệm của ngành Giáo dục.
Vì đây là một hiện tượng xã hội, hầu hết các em học sinh của nền giáo dục phổ thông nước ta đã bị dồn ép, tích tụ từ lâu rồi.
Thực tế nước ta trong 2 năm qua 2020-2021, trẻ em và thanh thiếu niên phải cách ly xã hội do dịch COVID-19, các cơ sở vui chơi giải trí, phát triển văn hóa tinh thần trẻ em bị đóng cửa, học tập online, các em suốt ngày quanh quẩn trong 4 bức tường, không được giao tiếp bạn bè và tiếp xúc xã hội ngoài cộng đồng, giảm thiểu tiếp cận với môi trường tự nhiên.
Đó là chưa kể đến nhiều gia đình các em còn bị chửi mắng và bạo lực từ các thành viên của gia đình do bản thân người lớn và các bậc cha mẹ cũng bị rơi vào tình trạng tương tự và nhiều cha mẹ đã đổ mọi bực bội lên đầu con em mình…. những hành động này càng làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý xã hội trẻ em.
Theo thông báo của UNICEF có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần, tại Hà Nội, tỷ lệ từ 28-32% ở học sinh Trung học cơ sở (theo kết quả nghiên cứu khoa học của tôi 2009-2011 - Bác sĩ Nguyễn Trọng An-công bố năm 2012), trên thực tế đã có rất nhiều em đã bị rối nhiễu tâm trí, nhiều em chuyển thành bệnh thực thể như lo âu, trầm cảm... và hậu quả là các vụ thanh thiếu niên tự thương và tự tử rất thương tâm.
Trường hợp của em bé học sinh này khi gặp 1 sự cố như bị bố ép học làm cho đủ bài tập hoặc bị thầy cô ở trường mắng mỏ, bạn bè trêu chọc …sẽ chỉ là giọt nước tràn ly mà thôi.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường và Sức khỏe, Nguyên phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: TTXVN |
Phóng viên: Bác sĩ có thể lý giải một phần nguyên nhân của những vụ trẻ em tự tử trong thời gian gần đây?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Nói về nguyên nhân tự tử của em thì sẽ có cơ quan chuyên môn xác định. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, em này đã bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở mức độ trầm cảm, có ý định tự tự tử và đã thực hiện hành vi tự tử. Còn nói về nguyên nhân em bị rối loạn sức khỏe tâm thần thì là một phức hợp, gồm nhiều nguyên nhân như sau:
- Bị xâm hại hoặc bóc lột tình dục, bạo lực thân thể và tình cảm.
- Các áp lực về học hành từ gia đình hoặc nhà trường, bị bắt nạt bạo lực học đường…. sự gắn bó với nhà trường và vị trí trường học.
- Tình trạng sứt mẻ trong quan hệ tình cảm nam nữ hoặc người thân trong gia đình,….
- Tình trạng trầm cảm, lo âu, các cảm xúc buồn bã và vô vọng hoặc bị kích động, tác động bởi ma túy, chất kích thích …. cũng có liên quan đến ý định tự tử và thực hiện hành vi tự tử.
Bản thân các em học sinh đã bị trầm cảm, em vẫn cứ chịu đựng, không chia sẻ với ai và không có ai thấu hiểu dẫn tới em bị bế tắc, tuyệt vọng.
Trong khi đó, cả gia đình và nhà trường đã không biết hoặc không hề nghĩ tới. Vẫn tiếp tục duy trì các hành vi, lời nói, các quy tắc học tập như trước, thậm chí là ép buộc, tạo ra áp lực quá ngưỡng… đã dẫn tới tình trạng “Giọt nước tràn ly” và hậu quả thường là tự thương, hủy hoại cơ thể hoặc tự tử như em học sinh này.
Phóng viên: Bác sĩ có lời khuyên nào cho cả phụ huynh và nhà trường để bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ gây tổn thương tinh thần và tránh các vụ việc đau lòng như vừa qua?
Bác sĩ Nguyễn Trọng An: Không phải gia đình nào cha mẹ đều có kiến thức và sự hiểu biết. Cần thiết phải hỗ trợ các gia đình kỹ năng và kiến thức để nhận biết, phát hiện sớm các dấu hiệu chỉ báo bất thường, ngăn chặn sớm.
Do vậy, chúng ta cần sớm kiện toàn mạng lưới các bộ công tác xã hội trẻ em và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở cộng đồng. Mạng lưới này không chỉ hỗ trợ kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn tự tử, xâm hại, bạo lực, bắt cóc, tự tử ở trẻ em và vị thành niên…cho các bậc cha mẹ, mà còn làm tốt công tác phòng ngừa thông qua hoạt động tư vấn cộng đồng, phát hiện các sớm gia đình có nguy cơ, ngăn chặn sớm các vụ việc không để xảy ra.
Bạo lực, oan ức của trẻ người lớn không thấu hiểu sẽ rất dễ dẫn đến con trẻ hành động dại dột. Ảnh minh họa chưa rõ nguồn |
Các bậc cha mẹ cần biết rằng, với con em mình đang ở lứa tuổi vị thành niên, các em mang tâm lý muốn được người khác chấp nhận và tán thưởng nhưng lại thiếu hụt kỹ năng, nhất là kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại để kiên định với mục tiêu cuộc sống của mình.
Thêm vào đó, các em mới trải qua một giai đoạn đầy áp lực do dịch bệnh, lại đối diện với tương lai cũng đầy áp lực, kết hợp cùng với tính chất dễ bị tổn thương của lứa tuổi. Mong các bậc cha mẹ luôn là người bạn thân thiết của con, hãy lắng nghe trẻ nói và chia sẻ cùng con.
Cha mẹ cần có sự quan tâm theo dõi con từ ăn ngủ cho đến học tập ở trường. Bố mẹ cần quan tâm hỗ trợ và giảm thiểu áp lực khi nhận thấy con quá tải thông qua sự ăn uống, giấc ngủ, mặc áo quần và cách giao tiếp năng của con để tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình.
Đối với Hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và từng trường học nói riêng, trước mắt cần sớm thiết lập hệ thống tư vấn tâm lý học đường, có biên chế giáo viên tâm lý cho các nhà trường, đưa giáo dục giới tính sớm ngay từ hệ thống mẫu giáo, tiếp đến là các môn giáo dục pháp luật, quyền con người và cuối cùng là cải tổ chương trình giáo dục từ cấp học tiểu học trở lên, giảm bớt các kiến thức bác học mang tính nhồi nhét và thay bằng giáo dục kỹ năng sống, phòng ngừa xâm hại/bạo lực/ tai nạn tự tử và các kỹ năng, kiến thức về tâm lý xã hội. Đồng thời, quan tâm đến chất lượng tuyển chọn giáo viên cả về chuyên môn, đạo đức và sức khỏe.
Trân trọng cảm ơn Bác sĩ!