Thời gian gần đây, nhiều bạn đồng nghiệp là giáo viên đang nằm trong biên chế viên chức các trường công lập chia sẻ với người viết, do nhu cầu làm thêm, kinh doanh nên đã thực hiện các thủ tục với phòng/sở kế hoạch đầu tư thành lập doanh nghiệp (công ty) để tổ chức các hoạt động liên quan đến dạy thêm hoặc sản xuất, kinh doanh các hình thức khác do chính mình làm giám đốc doanh nghiệp/công ty.
Tuy nhiên, sau khi đứng tên làm giám đốc doanh nghiệp/công ty, nhiều giáo viên công lập đã bị xử lý kỷ luật viên chức từ khiển trách trở lên mà vẫn không hiểu nguyên nhân, quy định cụ thể điều này như thế nào nên có nhiều thắc mắc.
Bằng sự hiểu biết của cá nhân mình, người viết xin được trình bày các quy định liên quan, ngõ hầu rộng đường trao đổi, chia sẻ với các bạn đồng nghiệp trên cả nước để tránh vấp phải những sự cố đáng tiếc. Hy vọng bài viết này là một gợi mở để các thầy cô có chung quan tâm tiếp tục tìm hiểu, phân tích và làm rõ.
Giáo viên có được thành lập doanh nghiệp không? (Ảnh minh họa) |
Giáo viên làm giám đốc doanh nghiệp/công ty vi phạm 3 luật
Theo đó, giáo viên là viên chức nếu đứng tên giám đốc doanh nghiệp/công ty sẽ vi phạm đến 3 luật dưới đây.
Thứ nhất, vi phạm Luật Doanh nghiệp
Trong lĩnh vực giáo dục thì giáo viên nếu đứng tên chủ trung tâm dạy thêm học thêm (hoặc trung tâm ngoại ngữ-tin học), giám đốc công ty dạy thêm hoặc các doanh nghiệp/công ty khác thì sẽ vi phạm Luật Doanh nghiệp
Đối với trung tâm dạy thêm/công ty do cá nhân trong nước thành lập thì về bản chất có tư cách pháp lý như doanh nghiệp (tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh).
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cụ thể “...b. Cán bộ, công chức và viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.”
Như vậy, với tính chất của một trung tâm dạy thêm, công ty là một pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng, quá trình thành lập trung tâm có hoạt động kiểm tra lý lịch của người dự kiến làm giám đốc trung tâm/công ty.
Giám đốc trung tâm/công ty là người trực tiếp quản lý, điều hành tổ chức, bộ máy và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước các cơ quan quản lý của nhà nước về mọi hoạt động của trung tâm.
Với tính chất như vậy trung tâm dạy thêm/công ty là một doanh nghiệp, hoạt động vì mục đích sinh lời. Do vậy viên chức không được đảm nhiệm vị trí là giám đốc trung tâm/công ty.
Như vậy, giáo viên là viên chức thì việc đứng tên giám đốc của trung tâm dạy thêm/công ty là vi phạm quy định về pháp luật doanh nghiệp. Do đó, phía nhà trường có thể xử lý kỷ luật đối viên chức này.
Thứ hai, vi phạm Luật Viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng
Giáo viên là viên chức cho nên sẽ phải tuân thủ những quy định dưới đây:
Theo Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
Về những việc viên chức không được làm quy định tại Điều 19 Luật Viên chức năm 2010 và khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.
Tại khoản 6 Điều 19 Luật Viên chức quy định những việc viên chức không được làm:
“...6. Những việc khác viên chức không được làm theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Tại khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định:
“2. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau đây:
....d) Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;....”
Về người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018:
"2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức;....”
Từ những thông tin trên, theo sự hiểu biết của người viết thì giáo viên (viên chức) được quy định là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan đơn vị, nếu đứng tên giám đốc doanh nghiệp/công ty sẽ vi phạm Luật doanh nghiệp, Luật Viên chức, Luật Phòng chống tham nhũng và đương nhiên khi vi phạm sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định.
Giáo viên đứng tên giám đốc doanh nghiệp/công ty bị xử lý kỷ luật mức thấp nhất là khiển trách
Theo đó, giáo viên là viên chức giữ chức danh giám đốc doanh nghiệp/công ty là trái với quy định của pháp luật.
Khi có những chứng cứ, bằng chứng chứng minh giáo viên vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền có quyền áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật với người vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 112/2020/NĐ – CP như sau.
Nếu giáo viên là viên chức không giữ chức vụ quản lý nếu có hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật sau: khiển trách; cảnh cáo; buộc thôi việc
Căn cứ quy định tại Khoản 9 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:
Điều 16. Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức
“Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
[...] 9. Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.”
Như đã trao đổi ở trên, giáo viên này có hành vi vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến viên chức (quy định về đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp), Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng chống tham nhũng.
Do đó, việc áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với viên chức vi phạm lần đầu là đã áp dụng mức thấp nhất.
Việc xử lý kỷ luật, hình thức kỷ luật cao hơn nếu vi phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP và được thực hiện tùy thuộc vào nội quy, quy chế nội bộ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP, nếu giáo viên bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên thì sẽ bị đánh giá viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.
Trên đây là những quy định về việc không được đứng tên giám đốc doanh nghiệp/công ty mà giáo viên nên biết để tránh vi phạm, sẽ bị kỷ luật ảnh hưởng đến đánh giá viên chức, ảnh hưởng đến bản thân và đơn vị.
Lưu ý, những quy định này chỉ áp dụng đối với giáo viên là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Giáo viên tư thục, dân lập, hợp đồng,...không chịu quy định của những Luật này.
Tài liệu tham khảo
1. Luật số: 59/2020/QH14 Luật Doanh nghiệp 2020
2. Luật Viên chức 2010
3. Luật số: 55/2005/QH11 Luật Phòng chống tham nhũng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.