Ngày 14/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức buổi họp giao ban, lắng nghe các địa phương báo cáo công tác chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em là học sinh từ 5 đến dưới 12 tuổi hiện đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Tại buổi họp này, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cho đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện chuẩn bị công tác tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Hiện công tác chuẩn bị này cơ bản đã được hoàn tất. Ngành giáo dục và ngành y tế của thành phố sẽ bắt đầu khởi động chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi bắt đầu từ sáng ngày thứ Bảy tới đây (16/4/2022).
Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TPHCM sắp được tiêm vắc xin phòng Covid-19 (ảnh minh họa: P.L) |
Trước tiên, các cơ sở giáo dục có học sinh lớp 6 sẽ được tiêm vắc xin trước. Ngoài ra, dự kiến cũng sẽ có 5 trường tiểu học trên địa bàn thành phố, bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em là học sinh đang học lớp 5. Đó là các trường tiểu học: Bàu Sen (quận 5), Dương Minh Châu (quận 10), Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận), Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) và 1 trường tiểu học nằm trên địa bàn quận 1.
Việc tiêm khởi động sẽ chỉ kéo dài trong buổi sáng thứ Bảy còn chiều thứ Bảy và ngày Chủ nhật không thực hiện tiêm.
Sau đó, ngành giáo dục và ngành y tế sẽ có buổi đánh giá, rút kinh nghiệm, để tổ chức tiêm đồng loạt cho học sinh ở các trường tiểu học, trung học cơ sở từ sáng ngày thứ Hai (18/4/2022), theo nguyên tắc học sinh lớn tuổi tiêm trước, học sinh nhỏ tuổi hơn thì tiêm sau.
Khi đã hoàn thành tiêm chủng cho học sinh ở bậc tiểu học, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng cho học sinh ở bậc mầm non 5 tuổi.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý, danh sách các điểm tiêm đã được hai ngành giáo dục và y tế thống nhất, nên tuyệt đối không thay đổi điểm tiêm.
Trong ngày 14/4, các cơ sở giáo dục cần hoàn tất các báo cáo nhanh bằng văn bản, trong đó thể hiện số liệu học sinh đồng thuận trên tổng số học sinh của trường, số trẻ đồng thuận tiêm nhưng chưa có mã định danh, tổng số điểm tiêm và kết quả nhập dữ liệu vào hệ thống tiêm chủng Covid-19.
Các cơ sở giáo dục cần huy động các cán bộ, giáo viên, nhân viên để phục vụ điểm tiêm, có phân công nhiệm vụ rõ ràng từng thành viên, sự phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương.
Các thông tin gửi đến phụ huynh cần đầy đủ, rõ ràng, trong đó kể cả tiếp tục việc tuyên truyền tác dụng, lợi ích của vắc xin, cũng như một số phản ứng đối với tiêm chủng.
Nhà trường cũng cần phải thông tin trước đến phụ huynh quy trình tổ chức tiêm chủng, nhất là khâu khám sàng lọc và sau khi tiêm cần phải có sự có mặt của cha mẹ học sinh.
Đối với việc khó khăn trong việc cung cấp mã định danh cho học sinh, với các học sinh có hộ khẩu ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, cha mẹ liên hệ với công phường, xã nơi cư trú để được hỗ trợ.
Với những em có hộ khẩu ở tỉnh, Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ trong việc truy xuất mã định danh của học sinh. Nếu bất khả kháng mà học sinh chưa có mã định danh, việc tiêm chủng cho học sinh vẫn được đảm bảo, và học sinh có thể bổ sung mã định danh sau đó.