Thi đua, khen thưởng phải thực sự thiết thực, hiệu quả, xuất phát từ nhân dân

14/04/2022 16:38
Theo TTXVN
GDVN- Sáng 14/4, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Sáng 14/4, tại Trụ sở Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 (Hội đồng) họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng.

Cùng dự có các Phó Chủ tịch Hội đồng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và các Ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tại phiên họp, các thành viên Hội đồng đã phát biểu, thảo luận đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2021, những điểm nhấn quan trọng, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm và các nhiệm vụ, giải pháp cho công tác thi đua, khen thưởng năm 2022; thảo luận, xem xét, đề xuất khen thưởng bậc cao theo quy định của pháp luật.

Báo cáo của Hội đồng tại phiên họp cho biết, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương đã tổ chức phát động và triển khai các phong trào thi đua gắn với phương châm hành động của Chính phủ năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển".

Hội đồng đã xây dựng dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi) trình Quốc hội; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và Kế hoạch 5 năm (2021-2025) theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trình Thủ tướng Chính phủ phát động và ban hành Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 về Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19".

Theo đó, phong trào thi đua phòng, chống dịch COVID-19 đã động viên các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị tham gia thi đua thực hiện mục tiêu "kép" chung tay phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đã góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng phát động tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả, làm nòng cốt trong các phong trào thi đua của cả nước. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các địa phương đã chỉ đạo triển khai phong trào thi đua tới cơ sở, với nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, cụ thể; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia và thường xuyên đôn đốc, kiếm tra, đánh giá kết quả thực hiện phong trào.

Năm 2021, Hội đồng đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ hơn 3 ngàn tờ trình khen thưởng; thực hiện gần 2 ngàn quyết định của Chủ tịch nước khen thưởng cho hơn 12 ngàn trường hợp; trình khen thưởng cấp Nhà nước cho hơn 1.500 tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Hội đồng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 là tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, các địa phương thực hiện phong trào thi đua thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội với 12 nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ đã đề ra, phù hợp với nhiệm vụ chính trị, đối tượng của từng bộ, ban, ngành, địa phương, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương, địa phương.

Theo đó, các bộ, ngành tập trung thi đua phục hồi và phát triển kinh tế; xây dựng và hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển văn hóa - xã hội; quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; hội nhập quốc tế; tăng cường cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Các thành viên Hội đồng đề nghị tổng hợp số liệu, hệ thống hóa các phong trào thi đua, kết quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng qua các thời kỳ trong phạm vị toàn quốc.

Qua đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"; bổ sung các nội dung mới vào các phong trào thi đua đã và đang thực hiện, bổ sung thêm các phong trào thi đua mới phù hợp với nhiệm vụ, tình hình trong giai đoạn mới...

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng cho biết, năm 2021, cùng với thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, giải quyết các vấn đề tồn đọng nhiều năm, chúng ta phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột xuất như tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và đặc biệt là phòng, chống dịch COVID-19 với chủng Delta lây lan mạnh...

Trong bối cảnh đó, cùng với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực: Dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế phục hồi tích cực; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục được quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; an sinh xã hội và đời sống, sức khỏe của nhân dân được bảo đảm; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng.

Niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội. Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19"; phát động các chương trình "Sóng và máy tính cho em", "Chiến dịch ngoại giao vaccine"...

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ phát động các phong trào thi đua trọng tâm gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua đã phát động trước đây.

Thủ tướng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các phong trào thi đua đã được hưởng ứng trong toàn dân.

Qua đó phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng, phát triển đất nước.

Công tác thi đua, khen thưởng được tổ chức thực hiện hiệu quả, sát với thực tế, đúng quy định.

Đặc biệt, công tác thi đua, khen thưởng đã chú trọng việc khen thưởng đột xuất, hướng mạnh về cơ sở và trực tiếp đối với những cá nhân, đơn vị có các thành tích xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Hội đồng cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi đua, khen thưởng còn bộc lộ một số hạn chế, như: Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có nơi có lúc chưa đầy đủ, dẫn đến hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua, công tác khen thưởng của một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự sâu sát; công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến ở một số nơi còn hạn chế; công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, nhân rộng phong trào chưa được quan tâm; các hoạt động cụm, khối thi đua chưa đồng đều, đa dạng, chưa được duy trì thường xuyên...

Về nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng cho rằng mặc dù thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, song khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Do đó, công tác thi đua, khen thưởng phải tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; bám sát thực tiễn để tổ chức thực hiện phù hợp; nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp, phát huy hơn nữa trách nhiệm, vai trò của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thường trong tham mưu thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục rà soát, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những điển hình tiên tiến để nhân rộng, cũng như phát hiện những bất cập cần điều chỉnh trong công tác thi đua, khen thưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tiếp tục kiện toàn bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương pháp làm việc; đào tạo đội ngũ làm công tác thi đua, khen thưởng đủ năng lực, phẩm chất; tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, thực hiện các phong trào có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả; tổ chức tổng kết, hệ thống lại, đánh giá sâu sắc toàn diện các phong trào thi đua để có thêm kinh nghiệm triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới thiết thực, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện, cơ chế chính sách phù hợp với tình hình, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể theo từng thời gian, thời điểm để thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước càng ngày càng thực chất, hiệu quả, tránh bệnh hình thức.

"Thi đua, khen thưởng phải thực sự thiết thực, hiệu quả, xuất phát từ nhân dân, bắt đầu từ nhân dân; nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của phong trào thi đua; mọi cơ chế, chính sách phải hướng tới nhân dân và vì lợi ích của nhân dân, vì lợi ích của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Về những nhiệm vụ cụ thể, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, công tác thi đua, khen thưởng tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cấp ủy các cấp. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt, tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" và các phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).

Thủ tướng lưu ý trong nhiệm kỳ này, các phong trào thi đua cần góp phần thúc đẩy việc xóa 100 nghìn căn nhà dột nát tại 74 huyện nghèo trong cả nước bằng nguồn lực nhà nước và huy động các nguồn xã hội hóa, trong đó ưu tiên cho người có công, gia đình chính sách, vùng chiến khu cách mạng, những khu vực khó khăn…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác thi đua, khen thưởng phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, kịp thời; bảo đảm đúng người, đúng đối tượng; chống tiêu cực.

Theo TTXVN