Ngày 14/4/20222, nhiều tờ báo đưa tin, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hủy buổi giám sát về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 vì lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Y tế vắng mặt. [1]
Theo thư mời, buổi giám sát sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 00 ngày 14/4/2022 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng đến 8 giờ 30 lãnh đạo Sở Tài chính vẫn không có mặt, còn Sở Y tế chỉ cử chuyên viên đến tham dự do lãnh đạo sở này có họp đột xuất.
Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có Phó Giám đốc Sở đại diện. Vì vậy, đoàn giám sát phải thông báo hủy buổi giám sát, vì nếu không có mặt đầy đủ lãnh đạo các đơn vị sẽ không đạt hiệu quả cao.
Được biết, trước đó ngày 12/4/2022, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hành thư mời lãnh đạo các tổ chức, sở, ban, ngành và các cơ quan báo chí tham dự buổi giám sát.
Buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị hủy vì Sở Y tế, Sở Tài chính… vắng mặt.(Ảnh: kinhtedothi.vn) |
Sở ngành coi thường đoàn giám sát?
Ngày 14/4/2022, Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nói: "Có lẽ các sở ngành coi việc giám sát này không quan trọng. Sở ngành coi thường đoàn giám sát quá...". [1]
Ông Cao Thanh Bình cho rằng, lãnh đạo sở ngành (Sở Tài chính, Sở Y tế) coi thường đoàn giám sát, theo tôi là hoàn toàn có cơ sở. Hoặc cũng có thể những lãnh đạo sở ngành này chưa hiểu đúng chức năng của Hội đồng Nhân dân.
Cần biết rằng, Hội đồng Nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương thực hiện quyền giám sát đối với các cơ quan Nhà nước khác ở địa phương, đặc biệt đối với hoạt động của uỷ ban Nhân dân, các cơ quan chuyên môn của uỷ ban Nhân dân cũng như các đơn vị trực thuộc.
Hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân nhằm phát hiện những sai trái của cơ quan, tổ chức cơ sở trong việc chấp hành pháp luật, trên cơ sở đó kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lí kịp thời những sai phạm đó;
Đôn đốc các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện nghị quyết của Hội đồng Nhân dân và của cấp trên cũng như giải quyết các vấn đề bức xúc ở địa phương, bảo đảm thi hành có hiệu quả các quy định của pháp luật và nghị quyết của Hội đồng Nhân dân địa phương.
Được biết, chiều 14/4/2022, Sở Y tế Thành phố đã chính thức gửi thư xin lỗi đến ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau buổi giám sát bị hủy vì sự vắng mặt của đơn vị.
Lãnh đạo Sở Y tế đã có lời xin lỗi Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội là đúng. Nhưng cứ làm sai rồi xin lỗi là coi như không có chuyện gì xảy ra sao?
Buổi giám sát phải hủy, xin lỗi là xong?
Nội dung buổi giám sát là về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19.
Thực tế, thời gian qua có rất nhiều vấn đề liên quan đến nội dung giám sát là các vấn đề thời sự, dư luận và người dân rất quan tâm và cần được giải quyết.
Minh chứng là, trong cuộc họp báo ngày 29/11/2021, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố - cung cấp thông tin gây chú ý: năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và chỉ 10 tháng đầu năm 2021 đã có thêm 968 trường hợp. [2]
Tiếp đến, Phó chánh văn phòng phụ trách văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, 400 nhân viên y tế tại Thành phố xin nghỉ việc vì áp lực công việc cao, trong khi lương thấp không đủ để trang trải cuộc sống. [3]
Hay, giữa tháng 3/2022, báo chí phản ánh, mặc dù Nhà nước đã có quy định cấp tiền hỗ trợ cho tình nguyện viên tham gia chống dịch Covid-19, thế nhưng đã nhiều tháng trôi qua, nhiều người vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. [4]
Cá biệt, nhiều tình nguyện viên đã ký hợp đồng tham gia chống dịch với một số cơ quan, đơn vị nhưng đến nay họ vẫn không được nhận đồng nào.
Hoặc cuối tháng 3/2022, hàng trăm ngàn người dân Thành phố cho biết vẫn chưa được nhận gói hỗ trợ đợt 3. Và ngày 25/3/2022, tại buổi tái giám sát Ủy ban Nhân dân quận Bình Tân, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn tái giám sát, đã yêu cầu Sở Tài chính Thành phố làm rõ vì sao đến nay vẫn chưa rót thêm kinh phí cho địa phương thực hiện? [5]
Đáp lại, đại diện Sở Tài chính Thành phố chỉ trả lời chung chung "đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá lại, đồng thời yêu cầu đánh giá hiệu quả chi hỗ trợ cũng như việc tiếp tục chi".
Vậy nên, bà Trần Thị Tuyết Hồng, Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ sự không đồng tình với ý kiến của đại diện Sở Tài chính.
Cần có hình thức kỉ luật để làm gương
Điều 113, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân".
Khoản 3, Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 quy định: "Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp."
Khoản 4, Điều 6 Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, quy định: "Ban của Hội đồng nhân dân là cơ quan của Hội đồng nhân dân, có nhiệm vụ thẩm tra dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình Hội đồng nhân dân, giám sát, kiến nghị về những vấn đề thuộc lĩnh vực Ban phụ trách; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân."
Chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân đã được Hiến định và quy định rõ trong luật.
Trong khi đó, Sở là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương theo ngành hoặc lĩnh vực công tác và đảm bảo sự quản lý thống nhất của Nhà nước theo ngành hoặc lĩnh vực công tác từ trung ương đến cơ sở.
Thế nhưng, lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Y tế vắng mặt trong buổi giám sát về một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 là điều không thể chấp nhận được, mặc dù đại diện Sở này thanh minh "đơn vị này có cử lãnh đạo phòng chuyên trách tham gia buổi giám sát từ đầu".
Lãnh đạo phòng chuyên trách thì làm sao có thể thay mặt được lãnh đạo sở để trả lời những vấn đề thuộc chức trách của lãnh đạo Sở?
Khoản 3 Điều 6 Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định: việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện chế độ, chính sách đối với Giám đốc sở và Phó Giám đốc sở do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với thẩm quyền của mình cần có hình thức chấn chỉnh, xử lý thích đáng về sự vắng mặt của Sở Tài chính, Sở Y tế trong buổi giám sát của Hội đồng Nhân dân Thành phố về thực hiện chế độ chính sách phòng chống dịch và hỗ trợ người dân để không tái diễn các sự việc tương tự.
Tài liệu tham khảo:
[1] //tuoitre.vn/hdnd-tp-hcm-huy-buoi-giam-sat-vi-lanh-dao-so-tai-chinh-y-te-vang-mat-20220414105609992.htm
[2] //tuoitre.vn/gan-1-000-nhan-vien-y-te-tp-hcm-nghi-viec-can-lam-gi-de-giu-nguoi-20211130235339897.htm?fbclid=IwAR36BkoEBUYFy8z_jTLeusQf0umSWoi9iH9wwUX6SQeLoloPZKI8qtKE99M
[3] //vnexpress.net/400-nhan-vien-y-te-tp-hcm-xin-nghi-viec-4447358.html
[4] //thanhnien.vn/tai-sao-tinh-nguyen-vien-chong-dich-van-chua-duoc-nhan-ho-tro-post1438239.html
[5] //thanhnien.vn/hang-tram-ngan-nguoi-dan-tp-hcm-van-chua-nhan-goi-ho-tro-dot-3-post1442379.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.