Có đánh giá kết quả học tập vì sao bỏ quên đánh giá sức khỏe tinh thần học sinh?

17/04/2022 06:45
Phạm Minh
GDVN- Theo Ths Nguyễn Thúy Uyên Phương, hành trình học tập không thể loại bỏ hoàn toàn áp lực, căng thẳng, thay vào đó, cần dạy trẻ quan sát, quản lý cảm xúc của mình.

Thời gian qua, vấn đề áp lực học tập được nhiều người nêu ra và bàn luận, một số ý kiến cho rằng, cần loại bỏ hoàn toàn áp lực học tập cho học sinh.

Song, câu chuyện áp lực trong học tập cần được nhìn nhận như thế nào cho đúng?

Hay trong môi trường giáo dục, chúng ta chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương - người đưa mô hình “Trường học kiến tạo” về Việt Nam chia sẻ, trong suốt hành trình cuộc sống và hành trình học tập của bất kỳ ai cũng đều có những áp lực nhất định.

Chúng ta không nên suy nghĩ theo cách: hãy loại bỏ hoàn toàn những áp lực đó ra khỏi đời sống học tập của các em, từ nay không bắt các em học tập nữa.

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, cần giáo dục học sinh cách quản lý cảm xúc của mình. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương cho rằng, cần giáo dục học sinh cách quản lý cảm xúc của mình. (Ảnh: NVCC)

Phải thừa nhận nền giáo dục Việt Nam còn lắm những vấn đề ngổn ngang nhưng ngay cả trong các nền giáo dục mà chúng ta ngưỡng mộ, như ở Mỹ, chuyện trẻ vị thành niên tự tử vì áp lực cũng luôn là một vấn đề nhức nhối.

Thực tế có áp lực độc hại nhưng cũng có những áp lực tốt. Việc loại bỏ hoàn toàn áp lực học tập là bất khả thi, rồi mai đây, khi các em bước vào cuộc sống vẫn còn nhiều những áp lực khác.

Chính vì vậy, điều quan trọng là cần dạy trẻ kỹ năng đương đầu, đối mặt với áp lực và giảm bớt những áp lực độc hại trong học tập và trong cuộc sống.

Vẫn còn xem nhẹ giáo dục cảm xúc, kỷ luật tích cực

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, để học sinh nâng cao được khả năng tự nhận thức, biết cách điều hoà cảm xúc của bản thân, có kỹ năng kết nối, biết cách tìm kiếm sự trợ giúp và có được sự trợ giúp về tâm lý khi cần thì phải đưa giáo dục cảm xúc, kỷ luật tích cực và tham vấn học đường vào trong môi trường giáo dục.

Làm tốt điều này cũng sẽ giúp thầy cô, cha mẹ biết cách thiết lập nề nếp kỷ luật cho các em dựa trên sự tôn trọng, thấu hiểu và nhận biết kịp thời các dấu hiệu cần được trợ giúp của học sinh.

Thực tế hiện nay, rất ít trường học ở Việt Nam chú trọng các chương trình này. Tham vấn học đường ở nhiều trường học chỉ mang tính hình thức, thậm chí một số trường còn không có chương trình tham vấn tâm lý.

Trong khi đó, đào tạo về giáo dục cảm xúc hay kỷ luật tích cực cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”, không thể áp dụng, thực hành đúng hướng trong trường học.

“Lý do cũng bởi vì chưa ai quan tâm đến vấn đề giáo dục cảm xúc cho trẻ, ngay cả cha mẹ học sinh cũng chỉ quan tâm trường chuyên dạy Anh Văn, Toán, Lý,… thế nào, có liên kết quốc tế không?

Rất ít người quan tâm ngôi trường con mình theo học có giáo dục cảm xúc, có phòng tham vấn tâm lý hay không”, cô Phương cho hay.

Giáo dục cảm xúc là điều đầu tiên cần làm để các em học cách đối mặt với áp lực, tăng khả năng chịu đựng bền bỉ, tránh những tình huống xấu xảy ra.

Phải dạy các em quan sát, làm chủ cảm xúc của mình, để các em tự cảm nhận được điều gì đang diễn ra trong bản thân mình. Ví dụ, khi các em đang chán chường vì bị điểm kém, lo sợ làm bố mẹ thất vọng, các em có cách để điều tiết cảm xúc sợ hãi trong bản thân mình. Đây là điểm bắt đầu để một người dần dần vượt qua thay vì bị nhấn chìm bởi cảm xúc tiêu cực.

Giáo dục cảm xúc không chỉ dành cho các em học sinh, mà còn cần đối với cả thầy cô và cha mẹ học sinh.

“Khi con không được điểm cao, học sinh của mình không làm được bài, nỗi thất vọng dâng trào, có cha mẹ, thầy cô trút sự thất vọng đó lên các em bằng sự giận dữ, điều này càng làm gia tăng áp lực và căng thẳng trong học đường. Bởi vậy, giáo dục cảm xúc đối với người lớn cũng quan trọng không kém.

Như vậy, giáo dục cảm xúc giúp các em có một đời sống tinh thần lành mạnh hơn, cân bằng tâm lý cho các em, và cũng tác động tích cực đến kết quả học tập của các em ở trường”, cô Uyên Phương chia sẻ.

Cùng với đó, áp dụng kỷ luật tích cực trong trường học cũng là một giải pháp giúp các học học sinh đối mặt và vượt qua những áp lực học tập.

Tâm lý tuổi mới lớn, các em có những hành động, cảm xúc bột phát. Đôi khi, các em có một hành vi chưa đúng thì thầy cô, cha mẹ lại chọn uốn nắn bằng cách la mắng, chửi bới. “Giọt nước tràn ly”, các em đang trong tâm trạng chán chường, nghe những lời mắng có tính chất xúc phạm sẽ có thể đẩy các em đến hành động dại dột.

Tuy nhiên, tôn trọng học sinh không có nghĩa chúng ta bỏ mặc những lỗi sai và không uốn nắn, dạy bảo các em.

Thầy cô, cha mẹ cần ý thức được trạng thái cảm xúc của con, dạy bảo các con có sự nghiêm khắc nhưng cũng cần sự hiền từ, thấu hiểu và bao dung.

Nếu chỉ biết trút giận, căng thẳng, la mắng sẽ vô tình làm gãy đổ mối quan hệ giữa hai bên, khoảng cách thế hệ càng cách xa hơn. Đặc biệt, vai trò của người giáo viên trong nhà trường là phải vừa nâng đỡ, vừa yêu thương.

Tham vấn học đường – không gian lắng nghe và chia sẻ

Chú trọng giáo dục cảm xúc và kỷ luật tích cực nhưng sẽ vẫn có những vấn đề về tâm lý học đường vượt quá tầm kiểm soát, khả năng giải quyết của cha mẹ, thầy cô. Đó là khi các em học sinh cần đến sự tham vấn của những chuyên gia tâm lý.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, tham vấn tâm lý trong trường học có vai trò theo dõi và đánh giá định kỳ tình trạng sức khỏe tinh thần của học sinh.

Chúng ta thường theo dõi và đánh giá điểm số, kết quả học tập của các em rất chặt chẽ, nhưng tiếc là hầu như không có một hoạt động nào để theo dõi, đánh giá sức khỏe tinh thần của các em.

Phòng tham vấn tâm lý còn có nhiệm vụ kịp thời đưa ra những giải pháp chuyên môn để ngăn ngừa và giải quyết những vấn đề tâm lý khó mà học sinh gặp phải.

“Chuyên gia tâm lý sẽ có khả năng quan sát những vấn đề đang diễn ra trong môi trường học đường, từ kết quả theo dõi định kỳ, họ sẽ sàng lọc được những nguy cơ có khả năng xảy ra trong trường học, trong lớp học, họ nhanh chóng đưa những giải pháp ngăn ngừa tình huống xấu có thể diễn ra.

Bên cạnh đó, phòng tham vấn với chuyên môn cao sẽ giúp hóa giải những vấn đề tâm lý quá lớn.

Các em học sinh có thể xem phòng tham vấn như một không gian để chia sẻ, bộc bạch những nỗi lòng của mình.

Các chuyên gia sẽ có kỹ năng để lắng nghe các em một cách khách quan, trung lập, không phê phán, không 'dán nhãn' các em.

Bàn về vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con vượt qua những áp lực học tập, cô Uyên Phương cho rằng, cha mẹ cần biết cách dõi theo và lắng nghe con.

Cha mẹ cần dành thời gian dõi theo, có những quan sát đối với cảm xúc, hành vi, nhu cầu, mong muốn của con, sớm phát hiện được những biểu hiện khác thường nếu có ở trẻ.

Một điều quan trọng nữa là cha mẹ cần biết lắng nghe con một cách khách quan, lắng nghe để thấu hiểu.

"Nhiều phụ huynh vẫn khẳng định đã lắng nghe con nhưng còn lắng nghe bằng định kiến, bằng góc nhìn cá nhân. Ví dụ con xăm hình khẳng định là con hư, con chán học, không chịu học tập là hư hỏng. Dù lắng nghe nhưng họ vẫn áp góc nhìn cá nhân lên con, quy chụp và la mắng con cái.

Đối với tâm lý tuổi mới lớn, chỉ khi cảm nhận được sự tin cậy, thấu hiểu, các em mới sẵn sàng chia sẻ, bộc bạch những tâm tư, cảm xúc của mình. Chính vì vậy, bố mẹ cũng cần học cách những kỹ năng lắng nghe, chia sẻ và đồng hành, giúp đỡ con vượt qua khó khăn”, Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương khẳng định.

Phạm Minh