Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2022: Nhiều rắc rối cho thí sinh, khó cho trường

19/04/2022 06:55
Lê Phương
GDVN- Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, dự thảo quy chế tuyển sinh 2022 vừa công bố đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, tuy nhiên vẫn đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Ngày 14/4, Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 với nhiều điểm mới. Hiện, dự thảo quy chế này đang lấy ý kiến trước khi công bố chính thức.

Quy định mới buộc các trường đào tạo bài bản

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh, trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành Phố Hồ Chí Minh đánh giá cái hay nhất ở dự thảo này là phương thức tuyển sinh được Bộ Giáo dục và đào tạo quy định rõ ràng như: Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo (có thể tính hệ số cho từng môn), trong đó có môn toán hoặc ngữ văn. Điểm hợp lý thứ hai là quy định 4 tổ hợp môn cho một ngành nghề xét tuyển.

Đặc biệt, cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm. Những quy định thế này đã làm cho các trường phải chú trọng công tác tuyển sinh và đào tạo bài bản, nếu không thì sẽ làm cho "bị lỗi" các sản phẩm mình tạo ra.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học tại ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/4 (ảnh: Lê Tiên)

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh đại học tại ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/4 (ảnh: Lê Tiên)

“Trong đó, ở điểm yêu cầu cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh là tôi thấy tâm đắc nhất. Quả thật, quá trình đào tạo phải được công bố chất lượng đào tạo và phải giải trình cho mọi người thấy vì sao mình làm như vậy. Nếu không thì các trường sẽ đào tạo mà không biết quá trình đào tạo của mình có đúng đắn với cái mình đã công bố hay không”, ông Sơn bày tỏ.

Nhiều điểm gây rắc rối cho thí sinh

Tuy nhiên, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cảm thấy băn khoăn ở chỗ dự thảo quy chế tuyển sinh năm nay quy định các trường phải ấn định tỉ lệ phần trăm thí sinh trúng tuyển cho mỗi phương thức, trong khi rất nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng vẫn không nhập học. Điều này có thể gây khó cho các trường.

“Và theo quy định, thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm sau đó phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ gây phức tạp cho các trường. Chính điều này cũng gây rắc rối cho thí sinh vì các em đã trúng tuyển bằng các phương thức khác vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên cổng Thông tin của Bộ”, ông Sơn nhận định.

Tương tự, Thạc sĩ Phùng Quán - Chuyên viên tư vấn tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng quy định các trường được tổ chức đăng ký xét tuyển và xét tuyển sớm nhưng không được công nhận kết quả trúng tuyển, việc này gây khó khăn cho các trường và thí sinh.

“Theo dự kiến, thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức như học bạ, đánh giá năng lực... được các trường công bố kết quả xét tuyển sớm vẫn sẽ phải đăng ký nguyện vọng này lên cổng thông tin của Bộ và xếp thứ tự ưu tiên. Rõ ràng thí sinh phải thêm một lần đăng ký nguyện vọng xét tuyển nữa dù đã trúng tuyển”, ông Quán nói thêm.

Sử dụng chung hệ thống lọc ảo: “Một bài toán quá nhiều biến số có tốt?”

Góp ý cho dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2022, Tiến sĩ Tô Văn Phương - Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, nếu đánh giá về mặt tích cực việc đưa vào sử dụng hệ thống lọc ảo chung sẽ tạo thuận lợi cho các trường trong việc hạn chế tỉ lệ ảo chung bấy lâu nay. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh rất nhiều phương thức xét tuyển, đơn cử như việc xét học bạ thì mỗi trường làm một kiểu, có trường chỉ xét 5 học kỳ, có trường xét 6 học kỳ hay thậm chí chỉ dùng hai học kỳ của năm lớp 12.

Tiến sĩ Phương bày tỏ lo ngại: Với sự đa dạng phương thức và tiêu chí xét tuyển thì việc dùng chung một hệ thống cho tất cả các phương thức xét tuyển như vậy có đảm bảo hay không?.

“Nếu một bài toán mà có nhiều biến số như thế thì liệu có ổn?”, ông Phương băn khoăn.

Năm nay việc đăng ký xét tuyển sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và được kéo dài trong một khoảng thời gian chính là thuận lợi lớn cho thí sinh. Tuy nhiên, thí sinh thao tác hoàn toàn bằng hình thức online thì không thể tránh khỏi những sai sót về mặt kỹ thuật nhất là bản thân nhiều em sẽ không nắm rõ mình thuộc đối tượng, khu vực nào. Do vậy, ông Phương kiến nghị Bộ phải có giải pháp phòng trường hợp thí sinh thao tác dẫn đến sai sót dữ liệu, thông tin.

“Rất lo ngại những sai sót dễ mất điểm ưu tiên khu vực, đối tượng, nhất là năm nay dự kiến không tính điểm ưu tiên khu vực cho thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông những năm trước”, Tiến sĩ Phương nói.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Tô Văn Phương cũng lo ngại: “Năm nay các trường được xét tuyển sớm như vậy các thí sinh sẽ phải thực hiện đăng ký lại trên hệ thống. Như vậy liệu có làm mất đi hiệu lực của việc cho các trường xét tuyển sớm trong bối cảnh được tự chủ trong tuyển sinh”.

Lê Phương