Mới đây, sự việc một số lãnh đạo Sở vắng mặt khiến buổi giám sát của Ban Văn hóa xã hội - Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bị hủy, đang khiến dư luận quan tâm và đặt nhiều câu hỏi về vai trò thực chất của hoạt động giám sát.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề làm sao để hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp mang lại hiệu quả thực chất, từ đó, các đại biểu tham gia giám sát và đối tượng được giám sát phát huy hết trách nhiệm từ đó tạo được sự thay đổi 'hậu giám sát', phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên (Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên. Ảnh: NVCC |
Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên, gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, cũng như vai trò, ý nghĩa của hoạt động này. Bà có thể chia sẻ để dư luận cùng hiểu rõ hơn về nội dung này được không?
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên: Hoạt động giám sát là một trong hai chức năng cơ bản, quan trọng của Hội đồng nhân dân các cấp với vai trò là cơ quan cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng là quyền làm chủ của nhân dân được quy định cụ thể tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Theo đó, Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và các nhiệm vụ quan trọng khác.
Thông qua giám sát, Hội đồng nhân dân phát hiện những vấn đề bất cập, hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, quy định của pháp luật, theo dõi, phân tích kỹ các vấn đề, tồn tại trong thực tiễn để đưa ra kiến nghị nhằm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đã ban hành.
Phóng viên: Cụ thể, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các địa phương đã đạt những kết quả gì trong thực tiễn gần đây, thưa bà?
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên: Thời gian qua, với sự năng động, sáng tạo, sự chỉ đạo sâu sát từ cấp ủy, lãnh đạo các địa phương, Hội đồng nhân dân các cấp đã phát huy cao độ tinh thần chủ động, trách nhiệm trước cử tri và nhân dân. Chương trình giám sát đã chú trọng lựa chọn vấn đề giám sát có trọng tâm, trọng điểm; xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát cụ thể, hợp lý. Các địa phương đều tham khảo nội dung chương trình, kế hoạch giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian và địa điểm được giám sát...
Việc xem xét các báo cáo được thực hiện theo hướng Thường trực Hội đồng nhân dân giao các Ban của Hội đồng nhân dân nghiên cứu các tài liệu liên quan, tổ chức thẩm tra tổng hợp báo cáo, xây dựng đề cương gợi ý những vấn đề cần thảo luận gửi tới đại biểu, ngoài hình thức tổ chức thảo luận Hội trường bổ sung thêm thảo luận tại Tổ để thu nhận được nhiều ý kiến để làm rõ những ưu điểm, hạn chế và đề xuất các giải pháp phù hợp với tinh thần đồng hành, chia sẻ với các cơ quan chịu sự giám sát khắc phục những vướng mắc, hạn chế.
Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thông qua các Ban đã có kết quả nhất định, đặc biệt là trong công tác thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình của Ủy ban nhân dân cùng cấp và đã phân định được các nội dung cần giám sát thông qua báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và tình hình thực hiện các quy định của pháp luật trên địa bàn.
Về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, công tác chuẩn bị, công tác điều hành, công tác thu thập thông tin, lựa chọn vấn đề chất vấn, công tác thông tin tuyên truyền, dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm đổi mới.
Không khí chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, thu hút được cử tri và nhân dân theo dõi. Hình thức chất vấn linh hoạt có video clip minh họa, thành phần chất vấn được mở rộng, nội dung chất vấn phong phú có sự tham gia nghiêm túc của người đứng đầu các cơ quan liên quan, chất lượng câu hỏi chất vấn được tăng cao; việc ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn được nhiều địa phương thực hiện.
Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được bố trí tối thiểu từ 30% thời gian tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân. Nội dung giám sát chuyên đề tập trung vào việc giải quyết kiến nghị cử tri, việc thực hiện các dự án, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Giám sát giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân được quan tâm, đẩy mạnh. Hoạt động tiếp xúc cử tri được Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm từ việc đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri, việc phối hợp với Mặt trận tổ quốc cùng cấp và các đơn vị liên quan tổ chức tiếp xúc cử tri 2 cấp, 3 cấp được nhiều đơn vị thực hiện và bước đầu đánh giá đạt kết quả (tiết kiệm thời gian, kinh phí, các đại biểu nghe được nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri trong cùng một Hội nghị) việc áp dụng công nghệ thông tin trong tiếp xúc cử tri được áp dụng phổ biến.
Việc tiếp công dân được chú trọng, số cuộc tiếp công dân được thực hiện đúng quy định, tỉ lệ lãnh đạo chủ chốt tham gia trực tiếp công dân được tăng cường, qua đó góp phần quan trọng vào kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và số lượng đơn thư tồn đọng hằng năm.
Phóng viên: Vậy, phải làm gì để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các địa phương, thưa bà?
Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên: Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, các địa phương cần tiếp tục quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tăng cường sự chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng trong hoạt động giám sát, nhất là thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đồng thời nâng cao năng lực chủ thể giám sát và nâng cao năng lực của cơ quan tham mưu, phục vụ Hội đồng nhân dân các cấp.
Đại biểu Hội đồng nhân dân là trung tâm, hạt nhân quan trọng quyết định chất lượng công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, đại biểu có thẳng thắn, trách nhiệm, có năng lực mới thì hoạt động giám sát mới thực chất có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.
Thứ hai, nội dung giám sát phải phù hợp, phạm vi giám sát cần trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị và phản ánh của cử tri và những vấn đề đang được đông đảo dư luận quan tâm.
Thứ ba, đa dạng các phương pháp tiến hành giám sát, phổ biến và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay, có chất lượng trong hiệu quả trong công tác giám sát. Ngoài việc giám sát trên cơ sở báo cáo của các đơn vị theo yêu cầu, Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải lựa chọn đơn vị giám sát để tiến hành giám sát trực tiếp, lưu ý tránh sự trùng lắp giữa các đoàn giám sát ở địa phương, đơn vị.
Thứ tư, cần thu thập kỹ thông tin về những vấn đề cần giám sát, trong trường hợp cần thiết sử dụng hình ảnh minh hoạ sinh động qua hoạt động giám sát để tăng sức thuyết phục đối với đối tượng chịu sự giám sát.
Thứ năm, cần nêu cao trách nhiệm của từng đại biểu, không ngại va chạm, dám mạnh dạn nêu vấn đề chất vấn có tính xây dựng. Việc trả lời, giải trình của đối tượng giám sát phải hết sức cụ thể, đúng nội dung trọng tâm.
Thứ sáu, kết luận giám sát cần nêu rõ vấn đề được và chưa được, kiến nghị các giải pháp cần cụ thể, tránh kết luận chung chung mà đối tượng giám sát không có cơ sở để thực hiện.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động “sau giám sát”, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!