Tư vấn phải trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của học sinh
Mới đây, mạng xã hội lan truyền một thông tin cho rằng có trường Trung học cơ sở (tại Hà Nội) yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không thật tốt phải chuyển trường (về các trường tư) hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10…
Ngay sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo xác minh, làm rõ.
Đáng nói, tình trạng phụ huynh ở Hà Nội tố bị trường ép ký "Đơn xin tự nguyện không tham gia kỳ thi vào lớp 10" không phải năm học này mới ghi nhận. Hiện tượng này đã được báo chí phản ánh từ năm học 2016-2017. Và lần nào cơ quan quản lý Sở, Phòng Giáo dục và các trường đều xác minh và đều khẳng định không có việc này.
Ngày 20/4, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã đăng tải bài viết phản ánh phụ huynh tố Trường trung học cơ sở Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) “ép” học sinh học yếu không được thi vào 10 khiến cho dư luận bất bình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà. Ảnh: NVCC |
Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) nhìn nhận: “Vấn đề vừa được đưa lên mạng xã hội, đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, đặc biệt, với những người công tác trong ngành giáo dục như chúng tôi.
Sự việc này cần thời gian kiểm chứng, xác minh của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, giả sử, nếu có trường hợp như vậy thật, thì rất phản giáo dục.
Bởi lẽ, học và thi là quyền lợi chính đáng của học sinh, không ai có thể phủ nhận được. Nên nếu có chuyện “ép buộc” phụ huynh, học sinh ký cam kết không tham dự kỳ thi tuyển sinh, là tước đi quyền lựa chọn của học sinh, đó là một việc đi ngược với mục tiêu và định hướng giáo dục. Một việc làm rất phi giáo dục!
Người làm giáo dục lại gây ra những chuyện phản giáo dục như vậy, là điều không thể chấp nhận được. Nếu có xảy ra ở đâu đó, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm minh”.
“Học sinh có quyền được học tập, có quyền được lựa chọn môi trường yêu thích và phù hợp. Việc phân luồng học sinh, giáo viên có thể định hướng cho học sinh, với lực học của các em, có thể có kế hoạch, định hướng như thế nào cho trương lai, đó là việc hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên, việc định hướng đó chỉ là thống kê số liệu, dữ liệu, phân tích cho các em hiểu, các em có những điểm mạnh, điểm yếu như thế nào, tất cả đều trên tinh thần chia sẻ giữa gia đình và nhà trường. Còn nếu mà có sự ép buộc thì đó là chuyện hoàn toàn sai” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: NVCC |
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng (Trường liên cấp Tây Hà Nội) cũng phân tích: “Theo tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 9 là hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, bậc Trung học phổ thông là giáo dục định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, việc đánh giá học sinh, tư vấn, định hướng là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường Trung học cơ sở.
Việc tư vấn, định hướng này cần dựa trên các căn cứ: hồ sơ học tập theo hướng dẫn về đánh giá quá trình học tập của học sinh; năng lực đặc thù, nổi trội của học sinh; nhu cầu và mong muốn của người học... Cần có sự tham vấn của nhiều thành phần giáo dục: Nhà trường, gia đình, xã hội, bạn bè và chính bản thân học sinh. Như vậy, có thông tin tổng hợp để học sinh định vị bản thân, có được sự tư vấn cần thiết.
Tuy nhiên, nguyên tắc cao nhất vẫn là sự tự nguyện, tự chủ của học sinh và sự đồng thuận của gia đình”.
Đã đến lúc cởi bỏ quan niệm về trường điểm, trường chuyên lớp chọn, xếp hạng trường học
Về nội dung này, Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa XIII) cho biết: “Tôi cũng theo dõi thông tin qua các phương tiện truyền thông, thấy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã chỉ đạo ngay các phòng Giáo dục và Đào tạo xác minh, làm rõ sự việc để xử lý. Rất hoan nghênh tinh thần chỉ đạo kịp thời, với thái độ tương đối.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, làm sao để xác minh? Bởi, thực tế nếu sự việc này xảy ra thì cũng mỗi trường một vẻ. Nếu không “vận động” bằng văn bản thì lấy gì để xác minh? Vậy nên, quan trọng nhất là làm thế nào để xác minh nhanh và chuẩn xác nhất, để có thể lật tẩy mọi tiêu cực trong giáo dục, nếu có” - Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An cho hay.
Bên cạnh đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng cũng đề cập, những biểu hiện như tư vấn chưa phù hợp hoặc làm mất quyền lợi học tập, thi cử của học sinh (nếu có) vì bệnh thành tích thì cần loại bỏ: “Đã đến lúc, các cấp quản lý và nhà trường cởi bỏ quan niệm về trường điểm, trường chuyên lớp chọn, xếp hạng trường học. Thay vào đó, mỗi trường cần tìm ra bản sắc, nét riêng, giá trị của mình để cung cấp dịch vụ cho xã hội và học sinh; trường học phát triển điểm mạnh nào của học sinh. Để tránh tình trạng đó, cần loại bỏ bệnh thành tích trong giáo dục, hướng tới dạy học thực chất”.
Để môi trường giáo dục thực sự vì học sinh, chứ không chỉ xuất hiện trên khẩu hiệu, vị lãnh đạo Trường liên cấp Tây Hà Nội cho rằng: “Khẩu hiệu cũng cần thiết, để nhắc nhở khuyến khích chúng ta, nhưng mỗi thầy cô, nhà trường nên nâng cao nghiệp vụ, giáo viên phải luôn vì lợi ích học sinh, khuyến khích học sinh phát triển. Đồng thời, gia đình cũng cần tăng cường tiếng nói cho con em, trao quyền chủ động, và đặt mục tiêu và sự kỳ vọng phù hợp với tố chất, cảm xúc...”.
Đồng tình với quan điểm đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà cũng khẳng định tầm quan trọng của việc đồng hành giữa gia đình với nhà trường trong giáo dục học sinh.
“Việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường là luôn luôn cần thiết, kể cả có thi hay không. Gia đình và nhà trường sẽ luôn luôn phải giữ một mối liên hệ chặt chẽ với nhau để trao đổi, thông báo kịp thời, cập nhật thông tin, để có phương án giáo dục tốt nhất.
Đặc biệt, ở mỗi giai đoạn chuyển cấp chính là một giai đoạn “nóng bỏng”, nhạy cảm, nên gia đình và nhà trường càng nên phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa, cần nắm bắt tâm lý của học sinh sát sao hơn nữa, tránh những điều không hay xảy ra” - nữ đại biểu cho hay.