Trái ngang, vì COVID được đặc cách tốt nghiệp, khi thi lại thì mất điểm ưu tiên

27/04/2022 06:33
Trần Lý
GDVN- Quyết tâm thi lại với hi vọng mình có thể vào được trường đại học yêu thích nhưng thông tin không được cộng điểm ưu tiên khiến nhiều thí sinh hụt hẫng.

Hoàng Kim Giang (sinh năm 2003, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn ấp ủ giấc mơ trở thành sinh viên Học viện Ngân hàng suốt một năm nay. Hiện tại, Giang đang gấp rút ôn tập để thực hiện ước mơ của mình.

Năm ngoái, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 diễn ra đúng lúc nơi Giang đang ở bị phong tỏa, em không thể tham dự kỳ thi. Đến đợt 2, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên em được đặc cách tốt nghiệp.

Khi tuyển sinh, nhiều trường xét tuyển bằng phương thức xét học bạ và sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực, tuy nhiên, điểm học bạ của Giang không đủ để vào trường em mong muốn.

Vì vậy, năm nay, Giang quyết tâm thi lại để xét tuyển vào đại học nhưng khi xem dự thảo quy chế tuyển sinh 2022, Giang vô cùng thất vọng khi biết rằng mình sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực 2 là 0,25 điểm.

Hoàng Kim Giang (ảnh: NVCC)

Hoàng Kim Giang (ảnh: NVCC)

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022, mức điểm cộng ưu tiên khu vực sẽ được giữ nguyên. Điểm cộng khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm; khu vực 2 nông thôn (KV2 - NT) là 0,5 điểm và khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm. Điều đáng nói là điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp). Còn thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông (thí sinh tự do) như Giang khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng không được tính điểm ưu tiên khu vực.

“Em cảm thấy khá buồn và thất vọng khi Bộ đưa ra dự thảo bỏ điểm cộng ưu tiên với những thí sinh thi lại như em. Em có đọc được một trong những lý do bỏ điểm là các thí sinh thi lại có ưu thế hơn về kinh nghiệm thi cử và thời gian ôn tập. Em thấy điều này không đúng, vì như năm ngoái rất nhiều bạn cũng như em, do dịch mà không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được.

Hầu hết các bạn thi lại hoặc là đang theo học một trường đại học rồi bảo lưu hoặc là đi làm thêm kiếm thu nhập. Sẽ rất khó để chúng em dành toàn bộ thời gian ôn luyện, chưa tính tới việc kiến thức cũng đã bị thời gian mai một ít nhiều.

Vậy với những đối tượng chưa từng tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nào như em, bỏ điểm ưu tiên khu vực liệu có công bằng?”, Giang bày tỏ.

Cùng tâm trạng này, Trần Quốc Vũ (sinh năm 2003, Hà Tĩnh) đang trong giai đoạn ôn tập nước rút để tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để lấy điểm xét tuyển đại học năm nay. Năm ngoái, chỉ thiếu 0,4 điểm nữa là Vũ đỗ Trường Đại học Y khoa Vinh - ngôi trường mà em luôn ao ước được trở thành một thành viên trong đó.

Khi biết mình có thể sẽ mất 0,75 điểm cộng ưu tiên đối với khu vực 1 khi áp dụng quy chế tuyển sinh mới, Vũ vô cùng hụt hẫng và thất vọng. Em cảm thấy khoảng cách tới Trường Đại học Y khoa Vinh ngày càng xa hơn.

“Em thấy việc Bộ công bố dự thảo bỏ điểm ưu tiên khi kỳ thi đang đến gần như này là không hợp lý. Năm ngoái, vì chỉ thiếu 0,4 điểm nên năm nay em mới có động lực thi lại. Nếu Bộ thông báo sớm hơn thì có lẽ em đã suy nghĩ nhiều hơn về quyết định của mình. Chưa kể, thông báo trong giai đoạn nước rút thế này ít nhiều cũng gây áp lực tâm lý với những thí sinh tự do như em”, Vũ nói.

Cũng là thí sinh tự do như Giang và Vũ, Nguyễn Hà Quỳnh Chi (sinh năm 2003, Bình Định) đang ôn tập các môn thuộc tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh) với nguyện vọng vào Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Hộ khẩu khu vực 1, Quỳnh Chi sẽ được cộng 0,75 điểm nếu áp dụng quy chế tuyển sinh cũ.

Theo Quỳnh Chi, việc không cộng điểm ưu tiên khu vực gây thiệt thòi với những thí sinh tự do: “Em đã rất buồn khi nghe tin mình không được điểm cộng ưu tiên khu vực. Hiện tại, em đang chịu áp lực rất lớn từ gia đình và mọi người xung quanh nên đối với em dù 0,1 hay 0,75 đều vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp em tiến gần hơn nữa với cánh cửa đại học em mong muốn”, thí sinh này giãi bày.

Những năm gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có hàng chục nghìn thí sinh tự do. Việc đưa ra dự thảo bỏ điểm ưu tiên khu vực ngay trong giai đoạn nước rút này gây không ít tranh cãi.

Không chỉ Giang, Vũ hay Chi, mà hiện nay nhiều thí sinh tự do có chung sự hụt hẫng vì bị mất quyền cộng điểm ưu tiên. Trên một số diễn đàn thi cử, họ kêu gọi kiến nghị tập thể đến Bộ Giáo dục và Đào tạo mong Bộ xem xét lại trước khi ban hành quy chế chính thức.

Trần Lý