Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện Đề án.
Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần "Trên Dưới đồng lòng, Dọc Ngang thông suốt!"." [1]
Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng:
"Chủ trương này là cần thiết và đúng đắn. Bởi lẽ tham nhũng không chỉ ở cấp Trung ương mà ở cấp địa phương cũng có.
Không phải chỉ tham nhũng ở cấp Trung ương mới để lại hậu quả nghiêm trọng mà tham nhũng ở các tỉnh cũng gây thiệt hại rất lớn. Như một số vụ việc gần đây những công ty tư nhân là sân sau cho nhiều cán bộ tham nhũng.
Tham nhũng ở cấp địa phương còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân và làm mất uy tín của Đảng."
Ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Nhật Minh |
Theo Nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần có cơ chế, bộ máy và tổ chức hoạt động cho mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để mô hình này hoạt động nhịp nhàng, tích cực.
Các Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động tốt sẽ có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hệ thống của Đảng và chính quyền cấp địa phương.
Bộ máy cán bộ của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải là những người gương mẫu, có bản lĩnh và năng lực chuyên môn để giám sát, tìm ra được sai sót, phát hiện ra những biểu hiện của tham nhũng.
Cán bộ lãnh đạo Ban mà bỏ qua những vụ việc có liên quan đến gia đình, hàng xóm, bạn bè thân quen thì sẽ rất khó để giải quyết được vấn đề này và còn làm bộ máy cán bộ cồng kềnh.
Đồng quan điểm với nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Phó Giáo sư Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII: "Tôi nhận thấy công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Trung ương đã mang lại kết quả khá tốt.
Tuy nhiên như Bộ Chính trị nhận định hành vi tham nhũng bây giờ còn tinh vi, phức tạp hơn vì vậy chỉ có một ban ở Trung ương thì chưa thể phát hiện và ngăn chặn được hết các hành vi tham nhũng.
Việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như cánh tay nối dài để giúp cho Ban phòng chống tham nhũng ở Trung ương làm việc có hiệu quả hơn, nhanh hơn, có sự phối hợp giữa cấp Trung ương và địa phương."
Bên cạnh đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, khi đưa Đề án đi vào thực tiễn, công tác cán bộ là điều then chốt, cần chọn được đúng người đứng đầu và các thành viên trong Ban chỉ đạo ở mỗi tỉnh, thành phố phải thực sự trong sạch, có trình độ tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng.
“Vì công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực động chạm đến rất nhiều đối tượng có quyền chức, có quan hệ, nên nếu những tiêu chuẩn về người đứng đầu và các thành viên trong Ban chỉ đạo không đạt được, thì dù có thành lập ra cũng rất khó để hoạt động thực sự hiệu quả.
Đồng thời, cần ban hành rõ ràng, cụ thể quy chế về phân cấp, phân quyền, yêu cầu các đồng chí đứng đầu địa phương phải tạo mọi điều kiện để Ban chỉ đạo này hoạt động được tốt, nếu có ai vi phạm hoặc ngăn cản thì phải chịu hình thức xử lý kỷ luật”.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề án thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng:
“Có thể nhận thấy công tác phòng chống tham nhũng của nước ta đã và đang trong thời kỳ quyết liệt, nhằm mục đích phòng ngừa răn đe, cảnh tỉnh, trừng trị thích đáng những người có chức vị trong cơ quan nhà nước mà lại câu kết với các doanh nghiệp tư nhân để làm lũng đoạn nền kinh tế.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Truyền hình Quốc hội |
Vì vậy theo tôi việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức cần thiết và quan trọng để lãnh đạo của từng tỉnh, thành chỉ đạo, đề ra kế hoạch giáo dục cán bộ công chức, viên chức tự mình thực hiện tốt, và là đầu tàu gương mẫu không cấu kết với các đối tượng bên ngoài làm lũng đoạn ngân sách nhà nước."
Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong thời gian vừa qua không ít tỉnh thành trong cả nước, cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh vi phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự do cấu kết với với các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các hành vi tham nhũng nên việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì lãnh đạo cấp tỉnh sẽ lên kế hoạch, chịu trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật, Trung ương đóng vai trò hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát hoạt động.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-5-post226255.gd?