Bậc tiểu học dạy 2 buổi chính khóa/ngày, vẫn nhiều nơi nhồi nhét kiến thức

10/05/2022 08:42
Đỗ Quyên
GDVN- Nhiều trường tiểu học công lập hiện nay khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày vẫn chưa thể đáp ứng đúng mục tiêu của chương trình mới đề ra.

Với chương trình 2000, việc tổ chức cho học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chỉ mang tính khuyến khích cho những trường học có đầy đủ cơ sở vật chất. Còn chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại được thiết kế cho việc dạy học 2 buổi/ngày.

Để tạo thuận lợi cho các trường học triển khai, ngày 26/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3866/BGDĐT-GDTH hướng dẫn chuẩn bị tổ chức dạy học đối với lớp 1 năm học 2020 – 2021. [1]

Ảnh mang tính minh họa (Ảnh tác giả)

Ảnh mang tính minh họa (Ảnh tác giả)

Công văn số 3866/BGDĐT-GDTH nêu rõ:

Các môn học bắt buộc và thời lượng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, như việc mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần còn quy định rõ về nội dung giáo dục cần đạt.

Quy định về các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương...(gọi chung là các hoạt động giáo dục khác).

Đáng lưu ý nhất là việc quy định tổ chức hoạt động cho học sinh sau giờ học chính thức trong ngày:

+ Hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày là hoạt động theo nhu cầu, sở thích của học sinh trong khoảng thời gian từ sau giờ học chính thức cho đến thời điểm được cha mẹ học sinh đón về nhà.

+ Căn cứ vào nhu cầu, sở thích của học sinh, có thể tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường (thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng...) tạo điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí sau giờ học chính thức trong ngày.

+ Việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức trong ngày dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ được thực hiện trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của học sinh, cha mẹ học sinh và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Việc tổ chức các hoạt động này phải được xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể với yêu cầu bảo đảm an toàn, hiệu quả, theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học công lập hiện nay khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày vẫn chưa thể đáp ứng đúng mục tiêu của chương trình mới đề ra.

Dạy học 2 buổi/ngày chương trình mới vẫn là cách dạy nhồi kiến thức như chương trình giáo dục cũ trước đây

Ở chương trình cũ, buổi học thứ 2 học sinh chủ yếu được ôn luyện thêm 2 môn Toán và Tiếng Việt. Khi chuyển sang Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức học 2 buổi vẫn không khác gì trước đây.

Chỉ cần nhìn vào thời khóa biểu dạy học 2 buổi/ngày của một trường tiểu học nào đó, chúng ta dễ dàng bắt gặp ngoài những tiết học bắt buộc của chương trình thì những tiết học tăng thêm chủ yếu vẫn là tập trung vào việc ôn luyện chủ yếu 2 môn Toán, Tiếng Việt.

Thời khóa biểu lớp 1 chương trình mới, buổi 2 chủ yếu học tăng cường tiếng Việt và Toán (ảnh tác giả)

Thời khóa biểu lớp 1 chương trình mới, buổi 2 chủ yếu học tăng cường tiếng Việt và Toán (ảnh tác giả)

Ví như mỗi tuần, học sinh lớp 1 và lớp 2 có 10 tiết tiếng Việt và 5 tiết toán. Buổi chiều sẽ có thêm 8 tiết tăng thêm, thường được các trường học bố trí khoảng 3 tiết ôn toán và 5 tiết ôn tiếng Việt hoặc các tiết toán, tiếng Việt có thể dao động nhiều, ít tùy vào tình hình học tập của học sinh trong lớp.

Trong khi, yêu cầu buổi 2 của chương trình mới là căn cứ vào nhu cầu, sở thích của học sinh, có thể tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường (thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng...) tạo điều kiện để học sinh vui chơi, giải trí sau giờ học chính thức trong ngày.

Ví như, học sinh có thể đăng ký học câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật, cầu lông, bóng đá, bơi lội hay học toán, tiếng Việt… Các em sẽ không còn phải giữ nguyên sĩ số lớp của buổi sáng mà tất cả học sinh trong khối cùng sở thích sẽ được học chung với nhau một lớp.

Khi nhà trường tổ chức dạy học theo nhu cầu phát triển năng khiếu cá nhân mới gọi là giáo dục toàn diện. Học sinh được học theo sở thích và khả năng mới gọi là được phát triển toàn diện và việc học tập sẽ không bị áp lực, bị quá tải.

Tuy nhiên, để tổ chức được việc dạy và học như mục tiêu yêu cầu của chương trình mới đề ra, các trường học tiểu học công lập hiện nay cũng khó mà đáp ứng được bởi khá nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, không đủ cơ sở vật chất để bố trí các phòng học chức năng để giảng dạy. Học đàn thì không đủ đàn, không có bể bơi, muốn học bơi phải di chuyển bằng xe ô tô khá xa trường học.

Thứ hai, không đủ đội ngũ giáo viên có chuyên môn đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật… có trường học còn chưa đủ giáo viên để dạy 2 môn này riêng biệt thì lấy thầy cô ở đâu để dạy khi học sinh đăng ký học quá đông?

Thứ ba, không đủ kinh phí để tổ chức như việc trả lương làm tăng giờ cho giáo viên dạy bộ môn có được học sinh đăng ký học đông. Thực hiện việc xã hội hóa còn khá khó khăn khi phụ huynh ở những khu vực có mức sống chưa cao.

Làm thế nào tránh áp lực học tập cho học sinh mà vẫn thực hiện tốt mục tiêu chương trình mới?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từng cho biết: “Sở dĩ điều kiện học 2 buổi/ngày gắn với tính khả thi của chương trình vì đó là yếu tố để học sinh không bị quá tải.

Bởi mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm…”. [2]

Rõ ràng, mục tiêu mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đưa ra nhiều trường học hiện nay vẫn chưa thể đáp ứng được mà nguyên nhân chính người viết vừa phân tích khá cụ thể ở trên.

Vẫn là cách dạy và học nhồi nhét kiến thức, học sinh học ở trường nhưng về nhà tối tối vẫn phải đi học thêm. Vẫn vắng bóng các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa-nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống…

Câu hỏi được đặt ra, làm gì để thực hiện được mục tiêu của chương trình mới khi nhiều điều kiện khách quan không cho phép?

Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía các địa phương như việc quan tâm đến cơ sở vật chất các trường học, tuyển đủ nguồn giáo viên. Phía nhà trường, bên cạnh chú trọng dạy kiến thức, cần quan tâm nhiều đến giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thông qua các biện pháp học tập trải nghiệm hiệu quả.

Bởi vì, cốt lõi của việc phát triển toàn diện cho trẻ vẫn là phải đảm bảo sự phát triển các mặt trí tuệ, tinh thần, thể chất và cảm xúc xã hội.

Thay vì sắp xếp các tiết học tăng thêm chỉ tập trung luyện tập toán, tiếng Việt như trước đây cần có thêm nhiều hoạt động bổ trợ, tổ chức thêm nhiều sân chơi văn hóa văn nghệ, các hội thi mang nhiều tính giải trí, rèn kỹ năng sống để học sinh được chủ động tham gia.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/giao-duc/cong-van-3866-bgddt-gdth-2019-huong-dan-chuan-bi-to-chuc-day-hoc-lop-1-nam-hoc-2020-2021-437940.aspx

[2]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/day-2-buoi-ngay-kho-thanh-20190108214121565.htm

Đỗ Quyên