Gần đây, dư luận xã hội bàn luận rất nhiều về luận án tiến sĩ có tên "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", đề tài này được hướng dẫn và bảo vệ tại Viện Khoa học Thể dục thể thao.
Nội dung đề tài công bố tháng 12/2021, nghiệm thu thành công cấp Viện ngày 19/1/2022. Nhiều nhà khoa học cho rằng luận án tiến sĩ này không xứng tầm. Đáng lo ngại hơn là các chuyên gia, nhà khoa học cũng chỉ ra nhiều đề tài tương tự.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Trước hết, có thể nói đề tài Tiến sĩ nghiên cứu về cầu lông này, nếu chúng ta chỉ dựa vào tên đề tài để bàn luận, phê phán cho rằng đề tài này không đem lại lợi ích gì cho xã hội, theo tôi là hơi vội vàng.
Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng văn nghệ dân gian Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Tôi nhớ cách đây khoảng 30 năm, lúc đó, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lào Cai có đề xuất nghiên cứu và tài trợ cho người dân phục hồi điệu múa Xòe Tả Chải.
Lúc đó có nhiều ý kiến cho rằng múa Xòe thì có gì đâu mà nghiên cứu, có làm ra tiền của gì đâu...., đề án này sau đó không được thực hiện vì không được thông qua.
Nhưng một thời gian sau, cách nhìn nhận của xã hội lúc này cho rằng đây là một di sản văn hóa rất hay cần được nghiên cứu và phát triển. Cuối cùng, điệu múa Xòe này được công nhận là Xòe Tây Bắc.
Vậy nên, môn cầu lông cũng như các môn thể thao khác đều giúp nâng cao sức khỏe.
Có nhiều người phê phán, cho rằng đây là một lĩnh vực hẹp, và thành phố Sơn La cũng hẹp, theo tôi không phải như vậy, với địa bàn tỉnh Sơn La, môn cầu lông có rất nhiều vấn đề. Trong những năm đầu thế kỷ 21, công chức viên chức Sơn La chơi môn cầu lông giỏi nhất vùng Tây Bắc, sau đó là Điện Biên, tại sao lại như vậy? Trong khi Sơn La không phải là tỉnh giàu có, ít được đầu tư xây dựng các khu luyện tập thể thao chất lượng cao.
Nếu bàn về đề tài nghiên cứu Tiến sĩ có tác động hay không, có chất lượng hay không, trước hết là những người trong ngành đó phải lên tiếng, nhưng cho đến nay họ chưa có ý kiến gì, vậy là sao?
Ở đây, chúng ta cần xem hướng tiếp cận vấn đề đó thế nào, mục tiêu của đề án này là gì. Theo tôi có rất nhiều hướng tiếp cận, rất nhiều phương pháp.
Có thể nghiên cứu người chơi môn cầu lông đó sau vài tháng có sức khỏe thế nào, tốt hơn hay bình thường, so với người không chơi môn này liệu có gì khác biệt hay không, hoặc với người chơi thường xuyên sẽ thế nào, vì sao người ta chơi thường xuyên được?
Việc phát triển môn cầu lông đó, nếu chúng ta có con mắt của nhà nhân học, xã hội học, cần phân tích yếu tố giới đối với bộ môn này ra sao, vai trò của lãnh đạo tham gia thế nào. Có phải nơi nào công chức viên chức chơi tốt là do có yếu tố lãnh đạo cũng tham gia hay không?
Nhưng khi đọc kĩ luận án này, tôi thấy tác giả chỉ nói về phong trào thể dục thể thao nói chung mà chưa thấy rõ sự phù hợp như thế nào đối với đặc điểm của đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La. Số liệu điều tra định tính số lượng người quá ít, thực tế đối tượng tham gia không rõ ràng giữa công chức viên chức với cán bộ lãnh đạo,…
Mục tiêu cụ thể của đề tài này cũng chưa phản ánh rõ, phần tổng hợp khó hiểu.
Phương pháp nghiên cứu không đủ sức thuyết phục, không làm rõ được căn cứ khoa học của việc tại sao lại chọn môn cầu lông? Tại sao lại chọn điểm nghiên cứu này? Tại sao lại chọn các mẫu ấy? Theo cá nhân tôi thấy đề tài này chưa đạt tầm một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc”.
Cái nguy của việc làm tiến sĩ theo "form"
Theo ông Sơn: “Hiện nay, tôi rất “sợ” các luận án tiến sĩ nhất là về lĩnh vực kinh tế, nó liên quan đến vận mệnh của cả một tỉnh, một huyện…Tầm quan trọng như thế nhưng tất cả lại chung một cái khung giống nhau.
Bao giờ luận án cũng mở đầu bằng lý thuyết nhưng lại không phân tích được lý thuyết gì, sau đó đến khái niệm, đến chương II là thực trạng và phần này với những hạn chế đang tồn tại. Chương III là giải pháp, phần này cũng rất chung chung chứ chưa đưa ra được giải pháp hiệu quả.
Tôi rất sợ những luận án kiểu cầu lông, hay về kinh tế,…nhưng có chung một cách viết, hay nói đúng hơn là copy rồi thay đổi tên và số liệu, không có tính sáng tạo.
Họ đều lấy một form luận án có sẵn trong thư viện, chỉ việc lấy ra đắp số liệu vào, chính vì vậy mà đề tài của tỉnh A giống hao hao tỉnh B.
Việc cần nói ở đây là phương pháp thực hiện đề tài thế nào, theo tôi biết khi làm Tiến sĩ tại Úc, họ dành một môn điều tra tư liệu mang tính định tính, chỉ một vấn đề định tính mà đã phải có thời gian hơn 6 tháng nghiên cứu, trong khi đó học định tính của nhiều trường đại học ở Việt Nam chỉ có trên dưới 10 tiết.
Vậy nên việc điều tra định tính chúng ta làm không được, làm định lượng lại càng yếu vì rất ít dạy về phương pháp.
Điều quan trọng nữa là tiếp cận theo lý thuyết gì? Hầu hết nghiên cứu sinh của ta và các thầy hướng dẫn ít chú ý đến điều này bởi trình độ ngoại ngữ của ta yếu. Ngoại ngữ kém dẫn đến khó tìm được nhiều lý thuyết phù hợp với đề tài nghiên cứu, mà đã không có lý thuyết thì cái nào cũng giống nhau”.
10 năm nữa chất lượng tiến sĩ sẽ thế nào?
Ông Sơn nếu quan điểm: “Tôi biết có lãnh đạo địa phương đặt mục tiêu đến năm nào phải đạt bao nhiêu phần trăm cán bộ lãnh đạo tỉnh đó có trình độ Tiến sĩ. Theo tôi, mục tiêu này
Tiến sĩ là cấp hàm nghiên cứu khoa học thực nghiệm, còn việc quản lý nhà nước lại khác. Nhìn đâu cũng thấy Tiến sĩ, nhưng thử hỏi những vị đó có công trình nghiên cứu gì, công bố ở đâu?
Làm quản lý và làm khoa học khác nhau, đừng lấy danh tiến sĩ khoa học để làm quản lý, lấy danh tiến sĩ với mục đích làm “quan”.
Tôi thấy rất phổ biến hiện nay có việc một số cán bộ đang là lãnh đạo, lại đi “làm thêm” tiến sĩ là không chuẩn, bởi những vị này lấy đâu ra thời gian?
Bản thân tôi đã làm tiến sĩ nên tôi quá hiểu, bởi thời gian vài năm trời chỉ có nghiên cứu, vậy nên những vị lãnh đạo kia “đóng cửa” công việc suốt mấy năm liền để làm tiến sĩ hay sao?
Tôi cho đó là sai. Việc làm tiến sĩ mất rất nhiều thời gian, từ học lý thuyết, cập nhật thêm kiến thức, rồi nghiên cứu… vậy mà vị lãnh đạo đó vừa giải quyết công việc chuyên môn, lại vừa làm tiến sĩ.
Đó là nói dối.
Hơn nữa, các nguyên tắc đề bạt cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp cũng được áp dụng giống với các cơ quan học thuật. Điều đó vô hình chung đã khuyến khích tạo ra các luận án tiến sĩ không đúng tầm.
Với những đề tài “cầu lông", trước hết phải hỏi đến trách nhiệm của người duyệt, hướng dẫn đề tài này, hội đồng gồm những ai, có trong ngành và am hiểu về thể thao hay không?
Theo tôi, với những đề tài thế này, lỗi không phải chỉ tại nghiên cứu sinh mà còn cần nhìn nhận trách nhiệm của người hướng dẫn, chọn đề tài. Thử đặt vấn đề nếu chủ nhân của các luận án tiến sĩ trên giữ các vị trí lãnh đạo sẽ dẫn đến hậu quả ra sao?
Điều nữa, phải siết chặt việc học tiến sĩ bởi không ít cán bộ, công chức hiện nay đua nhau đi học tiến sĩ, nếu những vị đó chuyển sang nghiên cứu khoa học thì hãy thôi làm lãnh đạo.
Còn làm giám đốc sở, quản lý nhà nước thì cần phải đi học quản lý hành chính công, chứ không phải cố “gắn mác” tiến sĩ ngành chung chung.
Việc “hạ chuẩn” đào tạo Tiến sĩ theo quy chế mới của Bộ giáo dục và Đào tạo (cụ thể là Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT) là không đúng với sự phát triển của khoa học, thậm chí còn là bước thụt lùi.
Thử hỏi sau 10 năm tới liệu chất lượng tiến sĩ của chúng ta sẽ thế nào? Điều này có thể gây ra hệ lụy cho chất lượng đào tạo sau đại học của Việt Nam”.