Đã học 2 buổi/ngày, học sinh quê tôi vẫn mệt nhoài học thêm buổi tối

12/05/2022 08:25
Ngân Hoa
GDVN- Chừng nào, học sinh đi học buổi 2 nhưng tối về không phải học thêm thì chừng đó việc dạy và học buổi 2 mới thật sự hiệu quả.

“Từ ngày, nhà trường tổ chức dạy và học cả ngày thì con em và bạn của chúng học miệt mài, học suốt ngày đêm vẫn không thể xong bài chị ạ. Em ước chi chỉ học một buổi như trước đây, học kiểu này nhìn mà thương con nhưng không biết phải làm sao”.

Lời chia sẻ của một người mẹ có con học lớp 11 cũng là một đồng nghiệp của tôi làm bất kỳ ai nghe thấy cũng cảm thấy xót thương những đứa trẻ đang phải oằn lưng suốt đêm ngày vì học.

Thời khóa biểu học buổi 2 ở một trường trung học phổ thông (Ảnh tác giả)

Thời khóa biểu học buổi 2 ở một trường trung học phổ thông (Ảnh tác giả)

Người không hiểu giáo dục, nghe chuyện cứ thắc mắc nhà trường đã dạy 2 buổi thì học sinh sao phải áp lực học thêm? Thấy con tội, vất vả học thì đừng cho đi học thêm nữa.

Người hiểu về giáo dục họ biết rằng, với kiểu tổ chức dạy 2 buổi/ngày như hiện nay ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông tình trạng học thêm vẫn không thể chấm dứt như nhà trường tư vấn, trái lại càng làm việc học của các em áp lực hơn rất nhiều vì mất quá nhiều thời gian.

Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy 2 buổi/ngày như thế nào?

Hướng dẫn cụ thể thực hiện dạy học 2 buổi/ngày hoặc trên 6 buổi/tuần (gọi chung là dạy học 2 buổi/ngày) trong các trường trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 4718/BGDĐT-GDTrH ngày 11/8/2010 hướng dẫn cụ thể như sau:

Các trường có đủ điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất có thể bố trí dạy học hơn 6 buổi/tuần, với các giải pháp tăng thời gian dạy học các nội dung khó, học sinh tự học có hướng dẫn của giáo viên, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, văn nghệ, thể thao, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp từng đối tượng học sinh, không gây “quá tải”;

Có thể huy động sự hỗ trợ của ngân sách, sự đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh để tăng cường cơ sở vật chất hoặc trả tiền dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng;

Không được ép buộc học sinh học trên 6 buổi/tuần dưới bất kỳ hình thức nào. Nhà trường quản lý nội dung và chất lượng dạy học trên 6 buổi/tuần;

Các Sở GDĐT, Phòng GDĐT cần tăng cường theo dõi để rút kinh nghiệm; đồng thời không để xảy ra tình trạng lạm thu trong hoạt động này. [1]

Theo những chỉ đạo đó, nhiều địa phương thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày ở bậc trung học cũng nhấn mạnh mục đích nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Thực hiện các giải pháp tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp từng đối tượng học sinh; dạy học các môn tự chọn và chủ đề tự chọn theo năng lực và nguyện vọng của học sinh.

Thực hiện các hoạt động giáo dục như: giáo dục ngoài giờ lên lớp; hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao… theo quy định của kế hoạch giáo dục, kế hoạch thời gian năm học.

Tuy nhiên, thực tế dạy học buổi 2 ở nhiều trường học hiện nay thế nào?

Rõ ràng, Bộ Giáo dục khuyến khích những trường học bậc trung học có điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy buổi 2 để có cơ hội giáo dục học sinh một cách toàn diện, để giảm gánh nặng học thêm cho các em. Tuy nhiên, ở nhiều trường học lại đang vận dụng sai cách tổ chức dạy buổi 2 dẫn đến áp lực học tập lại đè nặng lên vai các em học sinh.

Một số học sinh lớp 11 một trường trung học phổ thông ở địa phương đã cho biết, lớp học buổi sáng sĩ số bao nhiêu thì lớp học buổi 2 vẫn y chang sĩ số như thế. Giáo viên dạy chính khóa dạy luôn buổi 2 mà không có sự luân đổi.

Chính điều này đã tạo cho việc học buổi 2 mất dần đi hiệu quả và càng làm tăng áp lực cho việc học. Một số học sinh đã giải thích khi được người viết hỏi vì sao?

Thứ nhất, việc giữ nguyên sĩ số lớp học chính khóa để dạy vào buổi chiều không mang lại hiệu quả do 45 học sinh trong lớp có đủ các trình độ từ yếu kém, trung bình, khá giỏi.

Trong một lớp mà có nhiều trình độ, chỉ có thể dạy như kiến thức trong sách giáo khoa. Những em muốn học nâng cao hay thầy cô muốn dạy nâng cao cũng rất khó, có chăng trong suốt bài học cũng chỉ dạy nâng cao một số bài.

Trong khi những học sinh có lực học giỏi, xuất sắc, nguyện vọng vào các trường đại học tốp đầu lại muốn học ôn cùng các bạn ngang ngửa trình độ, muốn được ôn tập chuyên sâu với nhiều kiến thức thật sự khó. Vì thế, buộc các em phải tự tìm đến các lớp học thêm có thầy cô giáo giỏi dạy.

Thứ hai, học đại trà kiểu này không chỉ khó cho học sinh giỏi không được học nâng cao, những học sinh yếu kém cũng không có cơ hội lấy được kiến thức căn bản. Giáo viên không thể dạy dưới chuẩn, không thể dạy kèm riêng cho những học sinh này.

Thứ ba, học sinh không được chọn thầy cô để học. Có em nói rằng, buổi sáng đã học với những thầy cô mà bản thân không thích do giảng bài khó hiểu, ít thân thiện… nhưng buổi chiều vẫn phải học lại những thầy cô giáo này, tạo nên một áp lực quá lớn. Trong khi đi học thêm, lại có quyền chọn học với giáo viên mà mình thích.

Dù học 2 buổi vẫn quá tải học thêm

Nhìn thời khóa biểu của một học sinh lớp 12 một trường trung học phổ thông ở địa phương mà thấy ngợp. Một tuần các em phải học tất cả 38 tiết, nhiều ngày trong tuần học 8 tiết/ngày trong khi quy định dạy 2 buổi/ngày của Bộ Giáo dục không quá 7 tiết/ngày.

Do không được học theo nhóm cùng trình độ, do không được chọn giáo viên theo nhu cầu nên nhiều em vẫn phải đi học thêm. Thế là, trước đây chỉ học 1 buổi, buổi còn lại đi học thêm thì nay học sinh phải học nguyên ngày cũng vẫn phải chạy sô học thêm.

Tan học tiết 4 buổi chiều vào lúc 4 giờ 30 phút, nhiều học sinh không kịp về nhà ăn uống mà phải tạt vào các quán ven đường để ăn vội cái gì đó rồi hối hả chạy tới lớp học thêm cho kịp giờ. Có em phải học cùng lúc học thêm 2 ca, nhà lại xa nơi học nên về đến nhà thường đã gần nửa đêm.

Thế nên, chủ trương tổ chức dạy học buổi 2 để giáo dục học sinh toàn diện, giảm áp lực dạy thêm, học thêm mà Bộ Giáo dục hướng tới, vẫn chưa thể thực hiện được. Chừng nào, học sinh đi học buổi 2 nhưng tối về không phải học thêm thì chừng đó việc dạy và học buổi 2 mới thật sự hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-4718-BGDDT-GDTrH-huong-dan-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-110048.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa