Nhiều kiến nghị xem xét Lịch sử là môn học bắt buộc thay vì lựa chọn

13/05/2022 06:52
Ngân Chi
GDVN- Những ngày qua, nhiều kiến nghị của cử tri liên quan đến việc Lịch sử trở thành môn học tự chọn, đã được gửi gắm đến Quốc hội.

Thời gian qua, Lịch sử trở thành môn học lựa chọn ở bậc trung học phổ thông đang gây nên một “làn sóng” tranh luận gay gắt trong dư luận. Đặc biệt, đại diện cho tiếng nói của cử tri, một số Đại biểu Quốc hội cũng đã có những kiến nghị liên quan trực tiếp đến vấn đề này.

Chiều ngày 11/5, tại phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Theo Báo điện tử Tổ Quốc, ông Đỗ Văn Chiến (Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã thông tin về việc dư luận xã hội còn băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. [1]

Cụ thể, ông Chiến phân tích: “Thực tế, một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông”.

Ông Đỗ Văn Chiến (Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhấn mạnh, cần đổi mới cách dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn Lịch sử là môn học lựa chọn. (Ảnh: Toquoc.vn).

Ông Đỗ Văn Chiến (Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhấn mạnh, cần đổi mới cách dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn Lịch sử là môn học lựa chọn. (Ảnh: Toquoc.vn).

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông là môn học lựa chọn.

Dẫn lời dặn của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, cần đổi mới cách dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng chứ không nên để môn Lịch sử là môn học lựa chọn.

“Chúng tôi được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, hội thảo, nghiên cứu nghiêm túc, cầu thị để có giải pháp phù hợp”, ông Chiến cho hay.

Theo Báo Thanh Niên đưa tin, trước đó, trong buổi sáng 11/5, nêu ý kiến về lĩnh vực theo dõi của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ông Nguyễn Đắc Vinh (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) đã đề cập đến việc triển khai môn học Lịch sử trong Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. [2]

Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã nghiên cứu và tổ chức tọa đàm với chuyên gia, đại diện một số cơ quan về vấn đề này. Dự kiến ngày 22/5, Ủy ban sẽ có phiên họp toàn thể thảo luận vấn đề này, cũng như sẽ lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội.

“Sơ bộ ý kiến của các chuyên gia chúng tôi thấy rằng về tính cần thiết thì môn học Lịch sử này nên xem xét là một môn học đặc thù, môn học đặc biệt quan trọng và theo hướng là môn lựa chọn bắt buộc. Về mặt kỹ thuật có thể giải quyết được, không có vấn đề gì khó khăn chỗ này” - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay.

Trong bài viết: “Dạy môn Lịch sử trong bậc học phổ thông là để nâng cao nhân cách, lòng yêu nước” đăng tải trên báo Quân đội Nhân dân, Thượng tướng, Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Tiến Trung (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng) cũng đề cập đến nội dung tương tự. [3]

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉnh sửa lại Chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa môn Lịch sử về đúng với vị trí, vai trò của nó; xác định Lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông ở nước ta. Tiếp tục làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy-học môn Lịch sử, không coi đó là môn học lựa chọn.

... Dạy-học môn Lịch sử chính là trang bị cho các em những kiến thức xã hội cần thiết để bước vào đời được vững vàng và chững chạc hơn. Qua đó tạo ra nguồn cảm hứng, thích thú để học sinh nhớ lâu và càng muốn học môn Lịch sử, từ đó hiểu sâu thêm về đất nước, con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn đối với đội ngũ giáo viên dạy Lịch sử, chú ý cải thiện điều kiện làm việc của họ, có chính sách đãi ngộ hợp lý để họ không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giảng dạy môn Lịch sử, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông nhấn mạnh.

Theo báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 12 vào chiều ngày 5/5, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố) cũng đã thông tin đến cử tri về vấn đề Lịch sử trở thành môn tự chọn.[4]

Cụ thể, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhìn nhận, môn Lịch sử cần được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, cần thay đổi cách dạy học để môn Lịch sử được học sinh yêu thích nhiều hơn. Ông cũng cho hay, hiện nay môn Lịch sử không chỉ được dạy ở cấp 3, mà còn đưa vào cấp 1, còn cấp 2 là môn học bắt buộc.

“Ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà cử tri không đồng ý, tôi cũng không đồng ý thì sẽ có ý kiến góp ý Bộ xem xét lại” - vị Đại biểu này đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hơn nữa đối với môn Lịch sử.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://toquoc.vn/can-doi-moi-cach-day-va-hoc-chu-khong-nen-de-lich-su-la-mon-hoc-tu-chon-2022051119241319.htm

[2] https://thanhnien.vn/chu-nhiem-uy-ban-van-hoa-giao-duc-lich-su-se-la-mon-lua-chon-bat-buoc-post1457510.html

[3] https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/day-mon-lich-su-trong-bac-hoc-pho-thong-la-de-nang-cao-nhan-cach-long-yeu-nuoc-693476

[4] https://plo.vn/cu-tri-tp-hcm-khong-dong-tinh-dua-lich-su-lam-mon-hoc-tu-chon-post678748.html

Ngân Chi