Trường tổng kết học sinh điểm cao, làm sao phụ huynh chấp nhận phân luồng?

29/05/2022 06:28
LÊ VĂN MINH
GDVN- Việc phân luồng cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 là một chủ trương đúng đắn, phù hợp nhằm hướng cho học sinh có nhiều lựa chọn trong tương lai.

Tại hội nghị cung cấp thông tin và giao ban báo chí được tổ chức vào chiều 26/5 ở Hải Phòng, ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng thừa nhận: “Tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 trung học phổ thông là có thật. Cá nhân tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn, e-mail, thậm chí thư nặc danh phản ánh về tình trạng trên".

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ bệnh thành tích trong giáo dục bởi trong thang đánh giá có tỷ lệ % học sinh đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập.

Đáng nói, ở Hà Nội, thời điểm tháng 4/2022 cũng từng có phụ huynh bày tỏ bức xúc cho rằng, phụ huynh này được cô giáo chủ nhiệm gọi điện “khuyên” và yêu cầu ký vào đơn không cho con thi vào lớp 10 vì học lực quá yếu.

Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân sâu xa của vấn đề này và làm thế nào để công tác phân luồng học sinh sau lớp 9 thực hiện hiệu quả theo đúng chủ trương của Chính phủ?

Quyết định số 522/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 14/5/2018 về đề án “giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã hướng dẫn khá cụ thể về việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và các địa phương, các nhà trường đã thực hiện từ nhiều năm qua.

Thế nhưng, có một thực tế ở nhiều địa phương là số lượng học sinh học xong lớp 9 vẫn muốn tiếp tục thi và học lớp 10 chiếm đại đa số và phần nhiều phụ huynh cũng không muốn con em mình nghỉ ngang lớp 9 để đi học nghề hoặc làm những công việc phổ thông khác.

Người Việt mình từ xưa đến nay vốn luôn trọng học hành, bằng cấp nên ai cũng muốn con em mình học cao để tương lai sau này đỡ vất vả, nhất là bây giờ mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con nên phụ huynh nào cũng gửi gắm, kỳ vọng vào con em của mình.

Hơn nữa, với cách đánh giá kết quả, xếp loại học tập đối với học sinh hiện nay ở nhiều trường học còn nặng thành tích nên chưa có sự chính xác. Vì thế, một bộ phận phụ huynh vẫn tin rằng kết quả học tập của con em mình như vậy thì chẳng có lí do gì để phải “tự phân luồng” khi các em vừa bước vào cái tuổi 15.

Việc phân luồng cho học sinh sau khi học xong lớp 9 là một chủ trương đúng đắn (Ảnh minh họa: Báo Bình Phước)

Việc phân luồng cho học sinh sau khi học xong lớp 9 là một chủ trương đúng đắn

(Ảnh minh họa: Báo Bình Phước)

Phân luồng học sinh cần thực hiện đồng bộ?

Việc phân luồng cho học sinh sau khi học sinh học xong lớp 9 hiện nay vẫn là thách thức lớn của nhiều nhà trường trung học cơ sở. Nếu nhà trường, giáo viên làm không khéo sẽ dẫn đến sự phản đối của phụ huynh và gây ra cảm cho dư luận như một số nơi đã xảy ra trong thời gian qua.

Chính vì thế, chúng tôi cho rằng các địa phương, nhà trường cần phải thực hiện đồng bộ và xuyên suốt nhiều công việc.

Thứ nhất: các nhà trường cần phải xác định việc phân luồng cho học sinh lớp 9 thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp là quan trọng nhất. Bởi, giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi nhất với học sinh, thực hiện các tiết sinh hoạt hàng tuần và đặc biệt là dạy hướng nghiệp cho học trò.

Hơn nữa, trong các buổi họp phụ huynh thì những thầy cô giáo chủ nhiệm lớp là người truyền đạt việc phân luồng, cung cấp những thông tin đúng đắn về những ngành nghề cần thiết phải phát triển ở địa phương mình và có tác động đến phụ huynh học sinh về việc phân luồng học sinh thì mọi việc sẽ trở nên thuận lợi.

Hơn nữa, nếu giáo viên phân tích đúng chất lượng học tập của những em có học lực không tốt, khéo léo định hướng cho phụ huynh thì họ sẽ xác định học lực của con em mình đang đứng ở đâu để tìm lối đi riêng.

Thứ hai: bên cạnh sự vào cuộc trực tiếp của giáo viên chủ nhiệm thì ban giám hiệu nhà trường cần chủ động đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông dưới cờ.

Bên cạnh đó, nhà trường cần phối hợp với các trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề để mở ngày hội tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, hoặc tổ chức thi tìm hiểu về nhu cầu lao động và thị trường lao động tại địa phương mình để học sinh có những hiểu biết nhất định về nghề nghiệp trong tương lai.

Đồng thời, nhà trường cần đổi mới nội dung, chương trình dạy hướng nghiệp theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi và thực tiễn tại địa phương mình để học sinh có nhiều lựa chọn cho tương lai của mình.

Thứ ba: các trường học cần tập trung và hướng tới việc dạy thật, học thật, đánh giá thật để một bộ phận học sinh không ngộ nhận về học lực của mình.

Một hiệu trưởng trường trung học cơ sở đã tâm sự với chúng tôi về việc phân luồng học sinh sau khi học xong lớp 9 hiện nay vẫn đang là thách thức không nhỏ đối với các nhà trường.

Vị hiệu trưởng này tâm sự rằng trường cô năm nay có 11 lớp 9 với trên 400 học sinh và nhà trường vừa mới tổ chức xét tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có tới 7 học sinh không đủ điều kiện để tốt nghiệp.

Chính vì thế, chắc chắn tới đây cô phải giải trình với cấp trên bởi vì số lượng học sinh trượt tốt nghiệp nhiều bởi đây là số lượng không phải là cao nhất huyện mà có thể sẽ là cao nhất tỉnh.

Dù băn khoăn và rất thương học trò nhưng học sinh học sao mình đánh giá vậy để những năm tiếp theo các em khóa dưới nhìn vào kết quả năm học này để phấn đấu. Nếu mình cứ “thương” học trò mãi sẽ dẫn đến hệ lụy ở những năm tiếp theo. Nhiều em sẽ ỉ lại thầy cô mà không cần học hành vẫn có thể tốt nghiệp trung học cơ sở.

Hơn nữa, đánh giá sát chất lượng học tập của học sinh lớp 9 sẽ giúp cho nhà trường phân luồng học sinh thuận lợi hơn. Tránh tình trạng tỉ lệ học sinh thi tuyển 10 cao nhưng trượt tuyển sinh lại nhiều.

Bởi, học sinh trượt tuyển sinh 10 nhiều khổ cho cả nhà trường và cả phụ huynh học sinh. Nhà trường thì bị quở trách mà phụ huynh cũng tốn kém tiền bạc cho con em mình ôn luyện, học thêm nhiều tháng trời.

Nếu nhà trường tổng kết điểm học tập cao, làm sao phụ huynh chịu phân luồng?

Thông thường, trong thâm tâm mỗi thầy cô giáo dạy lớp 9 dù khó khăn đến mấy thì cuối năm vẫn mong muốn học trò của mình đủ điểm để xét tốt nghiệp vì phần lớn học sinh không được xét tốt nghiệp là các em bỏ luôn chứ không mấy em đủ can đảm sang năm học lại thêm một năm nữa.

Đặc biệt, một số trường trung học phổ thông hiện nay không tiến hành tổ chức thi tuyển mà tổ chức xét tuyển học bạ nên xảy ra tình trạng một số trường trung học cơ sở dễ dãi trong việc đánh giá chất lượng học tập ở lớp 9 để khi tham gia xét tuyển thì học sinh trường mình có những ưu thế hơn học sinh các trường bạn.

Chính việc đánh giá không chính xác kết quả học tập của học sinh sẽ dẫn đến tình trạng cuối năm các trường học phân luồng rất khó.

Tuy nhiên, nếu nhà trường không quá can thiệp vào điểm số, giáo viên bộ môn đánh giá đúng chất lượng học tập thì học sinh sẽ thấy rõ được thực trạng học tập của mình và khi phân luồng thì nhiều học sinh chủ động không tham gia thi tuyển, xét tuyển 10 và phụ huynh cũng dễ dàng chấp nhận để con em mình rẽ sang hướng học tập khác.

Hiện nay, tại các địa phương đều có rất nhiều các trường nghề và đặc biệt là huyện, thị nào cũng có trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề.

Chính vì thế, nếu các nhà trường làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh sẽ phân luồng tốt đối với những học sinh có học lực không tốt không thi tuyển vào 10. Bởi, các em có thể chọn một trường nghề hoặc học văn hóa tại các trung tâm giáo dục thường xuyên thì thời gian học tập được rút gọn, không phải học quá nhiều môn.

Việc phân luồng cho học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9 là một chủ trương đúng đắn, phù hợp nhằm hướng cho học sinh có nhiều lựa chọn trong tương lai.

Vậy nên, muốn việc phân luồng tốt thì các nhà trường, các thầy cô giáo cần thực hiện đồng bộ và khéo léo. Đồng thời, phụ huynh học sinh cũng cần có sự chung tay và nhìn nhận đúng sức học của con em mình để định hướng cho tương lai.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH