Cần đa dạng hóa loại hình sách giáo khoa để giảm giá thành

02/06/2022 14:59
Ngân Chi
GDVN-Sách giáo khoa tăng giá đang là vấn đề khiến dư luận đặc biệt quan tâm, các Đại biểu Quốc hội cùng đề xuất nhiều giải pháp “gỡ khó”.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 2/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021...

Nêu ý kiến, nhiều đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc với từng lớp học, cấp học.

Ngoài sách giáo khoa bắt buộc, số sách còn lại, học sinh có thể tham khảo, tùy vào điều kiện cụ thể chọn lựa mua hoặc không mua, tùy theo nhu cầu.

Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) đề cập: “Khi doanh nghiệp in với chi phí lớn, đương nhiên phải bán ra với giá cao. Và như vậy, sẽ không phù hợp với khả năng thanh toán của một số phụ huynh. Chính vì vậy, tôi cho rằng, việc đề xuất Nhà nước phải có một chính sách trợ giá hiệu quả để bình ổn giá sách giáo khoa, là một đề xuất hoàn toàn có cơ sở hợp lý.

Nếu như chúng ta có thể trợ giá sách giáo khoa, chắc chắn, cơ quan quản lý Nhà nước phải có sự kiểm tra, đánh giá, giám sát giá thành in ấn, để đánh giá, tính toán chính xác giá bán ra, không còn chuyện “đội giá”, thì mới thực hiện được các biện pháp trợ giá.

Khi đó, các doanh nghiệp sẽ không còn chuyện “khai khống”, vẫn đảm bảo bù đắp được chi phí và có lợi nhuận cho doanh nghiệp, để in được những cuốn sách tốt, có chất lượng cho người học, mà đối tượng học sinh cũng mua được những cuốn sách có giá thành rẻ”.

Vị Đại biểu này cũng phân tích thêm: “Trước hết, tôi cho rằng, sách giáo khoa là một sản phẩm hàng hóa rất đặc thù, không phải hàng hóa thông thường, vì tác động đến người học, hơn nữa, không phải ai cũng có thể in, phát hành và bán sách giáo khoa.

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, cơ quan quản lý Nhà nước phải có sự kiểm tra, giám sát giá thành in ấn, để đánh giá, tính toán chính xác giá bán ra, không còn chuyện “đội giá”. (Ảnh: H.B).

Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, cơ quan quản lý Nhà nước phải có sự kiểm tra, giám sát giá thành in ấn, để đánh giá, tính toán chính xác giá bán ra, không còn chuyện “đội giá”. (Ảnh: H.B).

Đối với sách giáo khoa, phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với quá trình in, phát hành cũng như định giá. Mặc dù đây là sản phẩm xã hội hóa, nếu như là mặt hàng khác, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền định giá, bán theo cung cầu, nhưng đây là loại hàng hóa đặc biệt, Nhà nước phải tham gia quản lý.

Đặc biệt, những cơ quan quản lý giá phải thanh tra, kiểm tra các cơ sở in ấn sách giáo khoa, xem định giá của các nhà xuất bản như thế đã phù hợp hay chưa”.

Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, rất cần đa dạng hóa các loại sách giáo khoa khác nhau: “Có những nơi, học sinh có thể có nhu cầu dùng sách giáo khoa rất bền rất đẹp để có thể dùng được nhiều năm, nhưng cũng có nơi, học sinh chỉ có nhu cầu dùng rất ngắn, sẽ mua quyển sách chất lượng chỉ ở mức độ vừa phải. Chúng ta đa dạng hóa loại hình sách giáo khoa thì học sinh sẽ có nhiều lựa chọn”.

“Tuy nhiên, vấn đề cơ bản nhất, tôi cho rằng, vẫn phải có sự tham gia quản lý chặt chẽ của Nhà nước và phải có trợ giá của Nhà nước đối với sản phẩm sách giáo khoa để học sinh có được sản phẩm ở mức giá phù hợp” - vị Đại biểu nhấn mạnh.

Ngân Chi