Làm sao đổi mới dạy, học và đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục đạt hiệu quả?

03/06/2022 06:52
Phạm Minh
GDVN- GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, các cơ sở giáo dục chưa đầu tư nghiên cứu và áp dụng đúng công nghệ đo lường hiện đại trong giáo dục theo một quy trình chặt chẽ.

Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện ở Nghị quyết của Chính phủ số 14/NQ-CP năm 2005 về giáo dục đại học và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương số 29-NQ/TW năm 2013 về giáo dục và đào tạo.

Sau nhiều năm các cơ sở giáo dục triển khai các nghị quyết nói trên, tuy có đạt được một số thành quả, nhưng nhiều vấn đề cơ bản về dạy, học và đánh giá vẫn chưa được quan tâm và nhận thức đúng mức nên chất lượng giáo dục vẫn chưa thật sự được nâng cao.

Để tăng cường hiệu quả hoạt động đổi mới đó, ngày 2/6, Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến "Thấm nhuần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về dạy, học và đánh giá để thúc đẩy đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo".

Chương trình có sự tham dự của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Hiệp hội; Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội; ông Hoàng Văn Lợi - đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Lê Huy Hoàng - đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo và giảng viên nhiều trường đại học, cao đẳng cùng các lãnh đạo và cán bộ quản lý tại các sở giáo dục đào tạo trong cả nước.

Hội thảo trực tuyến "Thấm nhuần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về dạy, học và đánh giá để thúc đẩy đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo".

Hội thảo trực tuyến "Thấm nhuần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về dạy, học và đánh giá để thúc đẩy đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo".

Chủ tọa Hội thảo có Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Giáo sư Lâm Quang Thiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam; Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao - nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục.

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, lâu nay nhiều người chưa đánh giá đúng về vai trò của phương pháp đánh giá trong giáo dục. Giáo dục là hoạt động tác động tích cực vào người học, tinh tế và khoa học, nếu phương pháp đúng thì mới tạo ra hiệu quả, phương pháp sai thì không có hiệu quả, thậm chí còn có thể gây tác dụng ngược.

Khoa học giáo dục ngày nay nhận thức sâu sắc rằng, phương pháp dạy, học, đánh giá năng lực là một khoa học và công nghệ. Chính phương pháp quyết định chất lượng giáo dục. Hội thảo hôm nay sẽ làm rõ hơn những nội dung này.

Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kỳ vọng hội thảo sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá năng lực người học trong hoạt động giáo dục.

Các trường chưa áp dụng đúng công nghệ đo lường hiện đại trong giáo dục

Tại hội thảo, Giáo sư Lâm Quang Thiệp đã trình bày báo cáo “Khoa học và công nghệ dạy, học và đánh giá trong giáo dục”.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho biết, Nghị quyết 14/NQ-CP năm 2005 của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học” đã đề xuất: Triển khai đổi mới phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động của người học; sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy và học (thường được gọi là hệ tiêu chí 3C). Đồng thời cần cải tiến tuyển sinh theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại.

Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ đạo: “Đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học” và “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.

Về dạy và học, phải đổi mới việc dạy và học theo tiêu chí 3C vì trong thời đại mới khối lượng thông tin tăng theo hàm mũ, cần phải biết cách học (chọn, nhập và xử lý thông tin để biến thành tri thức) mới ứng phó được.

Việc học có tính cá nhân, người học phải chủ động mới đạt kết quả. Phải tận dụng thành tựu về công nghệ thông tin và truyền thông để tăng hiệu quả việc dạy và học. Phải đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học chứ không phải truyền thụ kiến thức.

Về đánh giá, các nghị quyết nhấn mạnh phải đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại, theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển.

Hiện tại các cơ sở giáo dục đào tạo đã chú ý đến mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của người học; để triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW ngành giáo dục đã chọn đổi mới đánh giá làm khâu đột phá. Tuy nhiên, trong việc thực hiện các hoạt động nói trên còn nhiều vấn đề.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (giữa) chia sẻ về khoa học và công nghệ dạy, học và đánh giá trong giáo dục.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (giữa) chia sẻ về khoa học và công nghệ dạy, học và đánh giá trong giáo dục.

Chẳng hạn, từ năm 2017 kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã được cải tiến, ưu điểm là các đề thi của các môn thi được soạn thảo chủ yếu bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan. Tuy nhiên phân bố điểm của các môn thi theo năng lực chưa có dạng “phân bố chuẩn” vì thiết kế đề thi chưa phù hợp với trình độ chung của thí sinh…

Một số trường đại học cũng đã triển khai các kỳ thi trên máy tính để “đánh giá năng lực”. Tuy nhiên vẫn sử dụng điểm thô nên chưa chính xác, hơn nữa quy trình chọn đề thi của các thí sinh không tạo ra các đề tương đương nên thực chất kết quả không thể so sánh với nhau.

Muốn có các kỳ thi đánh giá năng lực phải tạo được đề thi tương đương để các thí sinh có cùng một năng lực đạt được cùng một điểm số. Vì nếu đánh giá được đúng năng lực thì giáo viên phải nỗ lực dạy, học sinh, sinh viên phải nỗ lực học để đạt điểm năng lực cao hơn thay vì trông đợi vào đề thi dễ để đạt điểm cao.

Nguyên nhân của các khiếm khuyết nói trên là là các cơ sở giáo dục chưa đầu tư nghiên cứu và áp dụng đúng công nghệ đo lường hiện đại trong giáo dục theo một quy trình chặt chẽ từ xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề và chấm thi cho các kỳ thi.

Thêm một vấn đề nan giải lớn đối với các cơ sở giáo dục là việc xây dựng ngân hàng câu hỏi làm cơ sở để thiết kế đề thi theo đúng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại là rất tốn kém (chẳng hạn, xây dựng đề thi cho một kỳ thi ở một tập đoàn đánh giá ở Mỹ tốn hơn 1 triệu đôla), cho nên một cơ sở giáo dục bình thường không đủ khả năng thực hiện. Do đó việc cộng tác phối hợp xây dựng ngân hàng câu hỏi giữa các trường là một nhu cầu bức thiết.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho biết, để đáp ứng các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về dạy, học và đánh giá, các trường phổ thông, đại học, cao đẳng ở nước ta cần xây dựng cơ sở vật chất và trang bị cho nhà giáo phương pháp dạy và học tích cực (theo tiêu chí 3C); Giúp nhà giáo có hiểu biết cơ bản về khoa học đo lường và đánh giá trong giáo dục; Đồng thời phối hợp xây dựng các công cụ đánh giá (phần mềm đánh giá, ngân hàng câu hỏi).

Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam sẽ đồng hành hỗ trợ các trường phổ biến khoa học và công nghệ đo lường và đánh giá trong giáo dục và làm nòng cốt trong việc hợp tác xây dựng ngân hàng câu hỏi cho các môn học của các trường phổ thông và cao đẳng, đại học.

Hội thảo cũng ghi nhận các bài tham luận của các chuyên gia giáo dục. Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao chia sẻ về cách dạy, cách học ở bậc đại học; Thạc sĩ Bùi Thành Ninh - Chuyên viên Trung tâm Khảo thí, Trường Đại học Y Hà Nội trình bày về Hệ thống phần mềm đánh giá của IHEVN và hoạt động của Trung tâm khảo thí, Trường Đại học Y Hà Nội; Kĩ sư Lê Trung Nghĩa - Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam chia sẻ về Khai thác kiến thức khoa học mở phục vụ cho việc dạy, học và nghiên cứu.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ (bên phải) cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần trao đổi, học hỏi nhau để hiểu rõ, vận dụng tốt công nghệ dạy, học và đánh giá.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ (bên phải) cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần trao đổi, học hỏi nhau để hiểu rõ, vận dụng tốt công nghệ dạy, học và đánh giá.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, các báo cáo, tham luận đã cho thấy vai trò quan trọng của việc dạy, học và đánh giá để thúc đẩy đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, để vận dụng, thực hiện trong thực tiễn không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần trao đổi, học hỏi nhau để hiểu rõ, vận dụng tốt công nghệ dạy, học và đánh giá.

Theo chia sẻ của Giáo sư Lâm Quang Thiệp, sắp tới, Viện Nghiên cứu giáo dục đại học Việt Nam sẽ tổ chức những khóa bồi dưỡng cho các trường về nội dung này. Đây là việc làm cần thiết và cũng là cơ hội để các trường tham gia học hỏi, nắm vững vấn đề đổi mới trong dạy, học, đánh giá.

Viện cũng có thể cung cấp phần mềm phục vụ thi cử, có đề án phối hợp với các trường để xây dựng ngân hàng đề thi tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Phạm Minh