Thông tư số: 27/2020/TT-BGDĐT đánh giá học sinh tiểu học (hiện đang được áp dụng để đánh giá cho học sinh lớp 1 và lớp 2).
Dù đã thực hiện được 1 năm (đánh giá cho học sinh lớp 1) nhưng nhiều thầy cô giáo vẫn thấy lúng túng khi xếp loại học sinh ở 2 mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt.
Từ đó, dẫn đến việc không thống nhất trong việc đề nghị khen thưởng cho 2 danh hiệu Học sinh Xuất sắc và Học sinh tiêu biểu.
Ảnh minh họa: Phan Tuyết |
Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học thế nào?
Thông tư nêu rõ:
2. Cuối năm học, căn cứ vào quá trình tổng hợp kết quả đánh giá về học tập từng môn học, hoạt động giáo dục và từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi, giáo viên chủ nhiệm thực hiện:
a) Đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo 4 mức:
- Hoàn thành xuất sắc: Những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;
- Hoàn thành tốt: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;
- Hoàn thành: Những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt hoặc Hoàn thành; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt hoặc Đạt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 5 điểm trở lên;
- Chưa hoàn thành: Những học sinh không thuộc các đối tượng trên.
b) Ghi nhận xét, kết quả tổng hợp đánh giá giáo dục và các thành tích của học sinh được khen thưởng trong năm học vào Học bạ.
Nếu như 2 mức Hoàn thành và Chưa hoàn thành rất rõ ràng thì 2 mức Hoàn thành xuất sắc và Hoàn thành tốt gây tranh cãi. Bởi:
Để được xếp loại Hoàn thành xuất sắc hay hoàn thành tốt thì học sinh đều phải đạt tốt ở 9 môn học và 13 năng lực phẩm chất.
Mức hoàn thành xuất sắc, bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh) phải đạt 9 điểm trở lên; Còn mức Hoàn thành tốt bài kiểm tra chỉ cần đạt 7 điểm trở lên.
Ví như một học sinh A. có điểm kiểm tra 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh đạt điểm 9 và 10 cùng 13 năng lực phẩm chất đạt tốt sẽ được xếp Hoàn thành xuất sắc.
Học sinh B. có điểm kiểm tra Toán, Tiếng Anh, Tiếng Việt đạt từ 7 trở lên cùng với 13 năng lực phẩm chất đạt tốt sẽ được xếp Hoàn thành tốt.
Rõ ràng, điểm số đã ảnh hưởng đến việc xếp loại học sinh. Điều này, rất mâu thuẫn với tinh thần xếp loại học sinh tiểu học của Thông tư 22 trước đây và nay là Thông tư 27, đó là: không căn cứ vào điểm số để đánh giá, xếp loại mà căn cứ vào cả quá trình học tập của học sinh.
Thế mới có chuyện, có em điểm kiểm tra môn học đạt 9 điểm vẫn bị đánh giá là Đạt còn em điểm kiểm tra đạt 8 nhưng vẫn được đánh giá là Tốt.
Và trong thực tế, có không ít trường hợp, học sinh kiểm tra được 8 điểm nhưng lực học vẫn hơn những em điểm kiểm tra đạt 9, thậm chí 10 điểm.
Giáo viên lúng túng khi xét danh hiệu khen thưởng
Đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 27 sẽ có 2 danh hiệu được khen thưởng:
- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;
- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.
Rõ ràng theo kết quả xếp loại cuối năm mà người viết vừa phân tích ở trên thì những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc sẽ được khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc. Những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt sẽ được xét danh hiệu học sinh tiêu biểu.
Tuy nhiên trong thực tế, khi xét danh hiệu đạt được cho học sinh, mỗi giáo viên, mỗi trường học có cách lý giải khác nên dẫn đến cách làm khác nhau.
Có em cùng điểm số, cùng đạt mức tốt ở các năng lực phẩm chất nhưng mỗi người lại được xếp loại ở mỗi mức khác nhau, lại đạt một danh hiệu khen thưởng khác nhau.
Có nhiều thầy cô giáo đánh giá học sinh đạt mức Hoàn thành xuất sắc (khi có các môn học có điểm kiểm tra từ 9 trở lên và 13 năng lực phẩm chất đạt tốt) nhưng có giáo viên chỉ đánh giá ở mức Hoàn thành tốt nên không được xét danh hiệu Học sinh Xuất sắc mà xét danh hiệu Học sinh tiêu biểu.
Còn những học sinh đạt mức Hoàn thành tốt sẽ không có cơ hội nhận danh hiệu Học sinh tiêu biểu.
Những thầy cô giáo này lý giải, không căn cứ vào điểm để xét do điểm 9, 10 học sinh đạt được nhưng trong quá trình dạy học, giáo viên thấy những học sinh này chưa đạt được điều đó.
Một số thầy cô giáo khác lại cho rằng, học sinh đã đạt mức Hoàn thành xuất sắc đều được xét danh hiệu Học sinh Xuất sắc, nếu xét danh hiệu Học sinh tiêu biểu sẽ rất thiệt thòi cho các em.
Những học sinh được xếp Hoàn thành tốt (khi có 13 năng lực phẩm chất và các môn có điểm kiểm tra từ 7 trở lên) sẽ được xét Học sinh tiêu biểu.
Cô giáo H.N (đề nghị không nêu tên), Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Bình Thuận cho biết, khi xét danh hiệu học sinh đạt được cũng không căn cứ vào điểm số mà căn cứ vào cả quá trình học tập của học sinh.
Giáo viên là người hiểu rõ học sinh nhất, khi thầy cô đề nghị học sinh A. được khen thưởng danh hiệu gì thì phải lý giải được vì sao lại thế, phải chịu trách nhiệm với chính quyết định của mình.
Rõ ràng, dù Thông tư 27 đã quy định khá kỹ những điều kiện để được xếp loại học lực và khen thưởng nhưng cuối cùng vẫn phụ thuộc vào những lý giải của giáo viên. Nếu thầy cô không công tâm dễ dàng dẫn đến việc đánh giá, xếp loại không công bằng với học sinh.
Tài liệu tham khảo:
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-27-2020-tt-bgddt-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-190364-d1.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.