Phụ huynh phải mua SGK tỉnh phê duyệt chứ sao được chọn chỗ tốt, giá rẻ để mua

10/06/2022 06:33
NGUYỄN CAO
GDVN- Khi mua sách giáo khoa thì bắt buộc phụ huynh phải mua sách theo nhà trường đã lựa chọn chứ mua sách khác làm sao con em mình học được?

Khác với Chương trình năm 2006, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và thời điểm ban hành đã nhận được nhiều tán đồng, ủng hộ vì nhiều người tin sẽ phá được thế độc quyền sách giáo khoa mấy chục năm vừa qua.

Hơn nữa, trong các văn bản hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, các trường, các tổ bộ môn có thể cùng lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau cho mỗi trường chứ không “đóng đinh” 1 bộ sách giáo khoa. Điều này giúp cho các trường, các tổ bộ môn có thể lựa chọn những bộ sách mà mình cảm thấy phù hợp nhất để giảng dạy.

Đặc biệt, cũng trong các văn bản hướng dẫn về việc lựa chọn sách giáo khoa chương trình mới, phụ huynh cũng được tham gia lựa chọn sách giáo khoa cho con em mình…Thế nhưng, thực tế thì phụ huynh rất khó có cơ hội được lựa chọn bộ sách giáo khoa nào cho cho con mình học tập mà nếu có cũng chỉ trên danh nghĩa đại diện và hình thức.

Còn khi mua sách giáo khoa thì bắt buộc phụ huynh phải mua sách theo nhà trường đã chọn chứ mua sách khác làm sao con em mình học được.

Ảnh minh họa: NXB Giáo dục Việt Nam

Ảnh minh họa: NXB Giáo dục Việt Nam

Quy trình việc lựa chọn sách giáo khoa chương trình mới đang được thực hiện ra sao?

Đối với năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện ở lớp 1 và việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại khoản 2, Điều 4, Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT Hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông đã quy định Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa như sau:

Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 (mười một) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 (mười) lớp, số lượng thành viên Hội đồng tối thiểu là 07 (bảy) người”. [1]

Như vậy, trong Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cũng chỉ có 01 đại diện của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà thôi.

Khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện ở lớp 2 và lớp 6 thì việc thực hiện lựa chọn sách giáo khoa bắt đầu được thực hiện theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT.

Theo khoản 2, Điều 4, Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông thì: “Mỗi môn học của một cấp học thành lập 01 (một) Hội đồng, số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 (mười lăm) người, trong đó có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó”. [2]

Tại Điều 8 của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT cũng đã hướng dẫn các Tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn.

Sau đó, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cuộc họp với thành phần dự họp gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất.

Lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học; báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) danh mục sách giáo khoa do cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn.

Tiếp theo, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Như vậy, vai trò phụ huynh trong việc lựa chọn sách giáo khoa phổ thông thực ra rất mờ nhạt, dù đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh được cơ cấu vào hội đồng nhưng về cơ bản chỉ dự khi các tổ chuyên môn đã lựa chọn xong sách giáo khoa (bước 1) thì đến nhà trường lựa chọn (bước 2) mới có ban đại diện cha mẹ học sinh tham dự.

Nhưng, thực tế theo người viết, phụ huynh chỉ tham gia ở mức độ cơ cấu cho đủ thành phần còn vai trò thực sự rất mờ nhạt. Sau đó, trường sẽ báo cáo lên cấp Phòng, Sở và cấp Sở sẽ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa cho địa phương và các nhà trường.

Làm sao phụ huynh có được lựa chọn sách giáo khoa rẻ, tốt?

Ngày 8/6/2022, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Bộ trưởng Tài chính: Doanh nghiệp tự kê khai giá sách giáo khoa, phụ huynh chọn chỗ tốt, rẻ để mua của tác giả Ngân Chi.

Bài báo này đã dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) về giá sách giáo khoa hiện nay.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã cho biết: “Sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là các nhà nhà xuất bản. Tinh thần là minh bạch, công khai, phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua. Nhà nước chỉ có thẩm định giá với sách giáo khoa hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách Nhà nước”. [3]

Theo nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thì “phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua” bởi giá sách giáo khoa đã “minh bạch, công khai” rất cụ thể.

Nhưng, thực tế phụ huynh có quyền tự quyết để mua sách giáo khoa đảm bảo tiêu chí “chất lượng nhất, giá tốt nhất” hay không? Chúng tôi cho rằng phụ huynh không được quyền tự quyết trong vấn đề này.

Bởi, khi lựa chọn sách giáo khoa thì mỗi trường cũng chỉ có thể mời được trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh tham dự nhưng chọn bộ sách nào thì cơ bản các trường đã làm xong ở bước 1 rồi. Vì thế, dù Ban đại diện cha mẹ học sinh có tham dự nhưng cũng chỉ để đủ thành phần mà thôi.

Khi cấp trên đã phê duyệt các sách giáo khoa do nhà trường đề nghị thì tất nhiên là tất cả phụ huynh trong trường phải mua sách mà nhà trường đã lựa chọn. Lúc này tốt, rẻ không còn là tiêu chí lựa chọn của phụ huynh nữa.

Ngay cả khi nhà trường lựa chọn sách giáo khoa thì cũng không lựa chọn được bộ sách nào đắt, bộ sách nào rẻ chứ phụ huynh làm sao mà lựa chọn được. Bởi vì khi lựa sách chủ yếu là sách mẫu, hoặc file PDF điện tử chưa hề được nhà xuất bản niêm yết giá.

Khi các địa phương lựa chọn xong xuôi thì lúc này các nhà xuất bản mới niêm yết giá cụ thể trên Website của mình nhưng lúc này là sự đã rồi.

Còn việc sách có “chất lượng nhất” phụ huynh cũng không lựa chọn được vì sách giáo khoa phụ huynh mua phải nằm trong danh mục sách của nhà trường lựa chọn, nếu mua sách khác thì làm sao con em mình học được vì “dù là một chương trình” nhưng hiện nay đang có tới 3 bộ sách khác nhau.

Chính vì thế, việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: “phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua” dù trên lý thuyết là vậy nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải vậy vì phụ huynh phải mua sách giáo khoa mà nhà trường đã lựa chọn?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-01-2020-tt-bgddt-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-69dbe.html

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-25-2020-TT-BGDDT-huong-dan-lua-chon-sach-giao-khoa-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-429883.aspx

[3] https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bo-truong-tai-chinh-dn-tu-ke-khai-gia-sgk-phu-huynh-chon-cho-tot-re-de-mua-post227081.gd

NGUYỄN CAO