"Chu trình khép kín" bán SGK mới, trường không ép phụ huynh vẫn phải mua

11/06/2022 06:30
NGUYỄN NGUYÊN
GDVN- Sách giáo khoa chương trình mới đang được thực hiện khép kín hơn trước đây và phân phối thẳng từ Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học đến các nhà trường.

Sách giáo khoa chương trình 2006 được bán ở nhiều nơi khác nhau nên phụ huynh có thể không mua ở chỗ này thì có thể sẽ mua chỗ khác vì “một chương trình, một bộ sách giáo khoa” như nhau.

Khi ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” thì việc phụ huynh lựa chọn một bộ sách giáo khoa cho con em mình không phải là điều dễ dàng ở thời điểm đầu năm học.

Đặc biệt, với hướng dẫn hiện nay thì một trường có thể chọn nhiều đầu sách giáo khoa trong 3 bộ sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nên việc phân phối sách giáo khoa thường là do các nhà trường chủ động phân phối - dù các trường không hề ép phụ huynh phải mua sách tại trường.

Sách giáo khoa chương trình mới hiện nay theo người viết đánh giá là đang được thực hiện khép kín hơn trước đây và được các các Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học đến thẳng các nhà trường nên các cửa hàng, nhà sách hiện nay cũng rất ít bày bán sách giáo khoa chương trình mới như trước đây.

Sách giáo khoa tiếng Anh hiện nay đang có rất nhiều đầu sách khác nhau (Ảnh minh họa: Tạp chí điện tử Người đưa tin)

Sách giáo khoa tiếng Anh hiện nay đang có rất nhiều đầu sách khác nhau

(Ảnh minh họa: Tạp chí điện tử Người đưa tin)

Không dễ tìm mua được đủ bộ sách giáo khoa chương trình mới ở ngoài nhà trường

Kể từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, năm học 2021-2022 triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Năm học 2022-2023 tới đây sẽ thực hiện ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

Năm học 2020-2021 có 5 bộ sách giáo khoa nhưng từ năm học 2021-2022 sẽ còn lại 3 bộ sách giáo khoa, đó là bộ Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.

Tuy nhiên, các nhà xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội không niêm yết giá công khai sách giáo khoa môn Ngoại ngữ mà môn học này đang được biên soạn với rất nhiều đầu sách khác nhau.

Ngay trong một trường thì có khóa học sách Tiếng Anh của đơn vị này biên soạn nhưng khóa khác thì lại có thể học sách Tiếng Anh của đơn vị khác bởi hiện nay, riêng ở cấp trung học cơ sở theo người viết tìm hiểu đang có tới 9 bộ sách Tiếng Anh khác nhau. Sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 1 cũng có tới 6 bộ khác nhau.

Chính vì sách giáo khoa có 3 bộ sách, sách tiếng Anh thì có rất nhiều bộ khác nhau, thậm chí môn Mĩ thuật lớp 10 có tới 11 đầu sách giáo khoa khác nhau nên việc trường dạy đầu sách nào, bộ nào thì phải là nhà trường đứng ra bán sách mới đúng theo danh mục sách đã lựa chọn.

Việc phụ huynh đi mua được một bộ sách giáo khoa ở bên ngoài cho con em mình cũng không đơn giản…

Hai năm qua, theo quan sát của người viết bài này, sách giáo khoa chương trình mới gần như đang được nhà trường đứng ra phân phối cho học trò.

Cận năm học, nhà trường sẽ thông báo danh mục sách giáo khoa mà nhà trường chọn và được cấp tỉnh phê duyệt lên website của nhà trường để phụ huynh chủ động mua.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thông báo cho phụ huynh là sách cũng được bán tại nhà trường, phụ huynh có thể mua ở đâu cũng được.

Nhưng, phụ huynh sẽ mua ở đâu? Nếu như cấp tiểu học cơ bản các trường dạy một bộ sách của một nhà xuất bản, chỉ có môn Tiếng Anh là riêng còn cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì gần như trường nào cũng sẽ chọn các đầu sách giáo khoa của các môn học từ nhiều bộ sách khác nhau.

Trong khi, ở nhà sách - nếu có bán, họ cũng chỉ bán trọn bộ của từng bộ sách chứ ít khi họ bán lẻ các đầu sách giáo khoa của các bộ sách giáo khoa khác nhau.

Hơn nữa, khi đã kinh doanh thì các đơn vị này họ phải tính đến yếu tố lợi nhuận, số lượng người mua. Với thực tế, sách giáo khoa chương trình mới hiện nay (nhất là sách từ sách lớp 6 trở lên) được các trường lên danh mục sách, "tiếp thị", đứng ra phân phối đến thẳng phụ huynh thì các nhà sách truyền thống cũng khó cạnh tranh được.

Như vậy, về cơ bản là các trường lựa chọn sách giáo khoa nào cho trường mình thì đều công bố cụ thể cho phụ huynh. Một là trên website, hai là ở bảng thông báo, ba là thông báo trực tiếp cho phụ huynh khi con em mình bước vào năm học mới.

Nhưng, sách giáo khoa phụ huynh sẽ mua ở đâu “thuận lợi” hơn ở nhà trường: Chính vì thế, đầu mối bán sách giáo khoa chương trình mới bây giờ đã được thu về các nhà trường chứ không mở rộng ở nhiều đầu mối bán ngoài thị trường như chương trình 2006 trước đây.

Nếu mua sách giáo khoa ở ngoài sẽ là một thử thách cực lớn cho phụ huynh

Việc bán sách giáo khoa chương trình mới ở các nhà trường hiện nay được thực hiện rất bài bản, cũng rất khó tìm ra chứng cứ ép phụ huynh và học sinh mua bao giờ. Ai muốn mua ở trường thì mua, ai không muốn mua thì ra các nhà sách mà mua…

Và, rất đúng như lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội: “Sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là các nhà xuất bản. Tinh thần là minh bạch, công khai, phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua”.

Mỗi lớp học có rất nhiều đầu sách giáo khoa khác nhau, phụ huynh rất khó tìm đủ bộ- nếu mua ở ngoài nhà trường (Ảnh chụp từ màn hình)

Mỗi lớp học có rất nhiều đầu sách giáo khoa khác nhau, phụ huynh rất khó

tìm đủ bộ- nếu mua ở ngoài nhà trường (Ảnh chụp từ màn hình)

Nhưng, vấn đề là phụ huynh khó có thể mua được sách giáo khoa cho con em mình ở bên ngoài - trừ khi trường chỉ chọn 1 bộ sách giáo khoa để giảng dạy mà thôi.

Bởi lẽ, nếu nhà trường chọn các sách giáo khoa ở các môn học từ 2-3 bộ sách trong các bộ: Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều thì phụ huynh dù muốn mua ở ngoài cũng phải... "bó tay".

Ra ngoài để mua thì đơn giản nhưng mua ở đâu cho đủ sách để con em mình học mới là vấn đề. Vì cơ bản sách giáo khoa ở bên ngoài hiếm khi bán lẻ từng cuốn nên phụ huynh khó có thể chọn lựa được đủ các đầu sách cho con em mình.

Hơn nữa, mua ở đâu thì cũng chừng ấy tiền vì sách giáo khoa có truyền thống không bao giờ giảm giá cho người mua lẻ. Việc chiết khấu giá (hoa hồng) thường được tính cho các đơn vị, cá nhân mua sỉ mà thôi.

Vì vậy, phụ huynh thường lựa chọn mua sách giáo khoa chương trình mới cho con em mình qua kênh phân phối của nhà trường bởi nó vừa thuận lợi, vừa không mất thời gian đi tìm kiếm bên ngoài.

Khi chuẩn bị năm học thì nhà trường sẽ cho phụ huynh hoặc học sinh đăng ký số lượng sách, nhà trường tập hợp và gửi cho cấp trên, sau đó chuyển đến Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học của tỉnh.

Đầu năm học, Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học sẽ chuyển sách giáo khoa về các nhà trường theo số lượng đăng ký mua một cách nhanh gọn, thuận lợi. Người mua thì không mất thời gian đi mua, người bán thì cũng không lo dư thừa vì xuất bản và phát hành theo số lượng các nhà trường, địa phương đã đăng ký…

Một vòng tròn khép kín của sách giáo khoa chương trình mới đang được thực hiện công khai, minh bạch, bài bản ở tất cả các khâu như vậy nên phụ huynh có muốn mua ở ngoài cũng khó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN