Thực hiện Nghị định 116, Trường ĐH Hồng Đức đã chi trả gần 40 tỷ cho SV sư phạm

17/06/2022 06:26
Linh Hương
GDVN- Tổng số tiền Trường Đại học Hồng Đức đã chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên: 32.056.530.000 đồng; học phí: 5.991.675.000 đồng.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 (gọi tắt là Nghị định 116) ra đời nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, cân đối cung cầu về giáo viên trên toàn quốc, hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm nhằm thu hút thêm người vào học ngành này, đồng thời thúc đẩy tự chủ cho các cơ sở đào tạo giáo viên trong việc thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc đào tạo theo nhu cầu xã hội để đảm bảo công bằng.

Được biết Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) đã triển khai thuận lợi Nghị định này và đến nay đã thực hiện chi trả xong chính sách hỗ trợ cho sinh viên theo học ngành sư phạm trong năm học 2021-2022.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức xung quanh cách triển khai của Nhà trường.

Phóng viên: Tại Trường Đại học Hồng Đức việc triển khai Nghị định 116 đã đạt kết quả ra sao, thưa thầy?

Phó Giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền: Năm 2021, Trường Đại học Hồng Đức được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu đào tạo ngành giáo viên là 1.331 chỉ tiêu (tại Công văn số 2115/BGDĐT-GDĐH ngày 24/4/2021 và công văn số 5490/BGDĐT-GDĐH ngày 29/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (ảnh: NVCC)

Trên cơ sở đó, Nhà trường đã báo cáo năng lực đào tạo và chỉ tiêu Bộ Giáo dục và Đào tạo giao với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Căn cứ trên nhu cầu nhân lực sư phạm của địa phương Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao chỉ tiêu đặt hàng đào tạo ngành giáo viên cho trường là 1.128 chỉ tiêu (tại Quyết định số 3171/QĐ-UBND ngày 19/8/2021 và văn bản số 18895/UBND-VX ngày 30/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa).

Kết quả tuyển sinh năm 2021 nhà trường tuyển đủ 1.128 (gồm 11 ngành trình độ đại học và 01 ngành trình độ cao đẳng giáo dục mầm non). Số lượng sinh viên hiện theo học tính đến tháng 5/2022 là 1.099 sinh viên.

Hiện nay, Nhà trường đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt danh sách sinh viên đào tạo theo Nghị định 116 của Chính phủ và thực hiện cấp sinh hoạt phí, học phí cho sinh viên theo từng tháng (đã thực hiện đến tháng 5/2022 đang triển khai cấp tháng 6/2022). Tổng số tiền đã chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên: 32.056.530.000 đồng; học phí: 5.991.675.000 đồng. Số tiền chi trả được chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản sinh viên.

Khóa tuyển sinh năm học 2021-2022 là khóa đầu tiên khi Nghị định 116 có hiệu lực, cũng là năm đầu tiên Trường Đại học Hồng Đức thực hiện việc chi trả này. Qua quá trình chi trả, Nhà trường nhận thấy sự phấn khởi của sinh viên, phụ huynh ra sao, thưa thầy?

Phó Giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền: Nhìn chung sinh viên và gia đình rất phấn khởi khi được miễn học phí và nhận sinh hoạt phí hàng tháng.

Có thể nói Nghị định 116 đã giúp người học trang trải 1 phần chi phí sinh hoạt trong cuộc sống và giảm bớt 1 phần gánh nặng cho gia đình người học nhất là trong bối cảnh các ngành khác sinh viên phải đóng học phí ngày càng nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu tự chủ của các trường đại học.

Nhà trường dự kiến kế hoạch cho những năm học tới đối với sinh viên theo học ngành sư phạm thuộc diện của Nghị định 116 như thế nào, thưa Phó giáo sư?

Phó Giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền: Trong những năm học tới đối với sinh viên theo học ngành sư phạm thuộc diện Nghị định 116, Nhà trường tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, Nhà trường tiếp tục cập nhật, cải tiến chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị thực hành, thực tập và nâng cao chất lượng giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của ngành giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, theo dõi, quản lý chặt chẽ tình hình số lượng sinh viên hàng năm, hàng tháng để phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa bố trí nguồn ngân sách chi trả các chế độ, chính sách đến người học một cách kịp thời và đúng quy định.

Thứ hai, trên cơ sở năng lực của Nhà trường về đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo hiện có, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và thực tế tuyển sinh năm 2021, Nhà trường đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh với Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề xuất nhận nhiệm vụ đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 của Chính phủ trong năm 2022;

Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền chế độ chính sách của Chính phủ, Nhà nước và địa phương đến các đối tượng phụ huynh, học sinh để thu hút các học sinh có học lực giỏi đăng ký tuyển sinh vào khối ngành đào tạo giáo viên trong những năm tiếp theo.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền.

Linh Hương