Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức làm nghề trong sáng là ưu tiên hàng đầu

21/06/2022 06:54
Vương Thuỷ (Thực hiện)
GDVN- Bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức làm nghề trong sáng là ưu tiên hàng đầu trong đào tạo báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

LTS: Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng và báo chí, truyền thông ở nước ta hiện nay. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đạt được nhiều thành tựu, dấu ấn.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền về công tác đào tạo báo chí, truyền thông.

Phóng viên: Với ưu thế về đào tạo báo chí theo từng chuyên ngành, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có nhiều đóng góp trong việc cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí.

Theo thống kê từ Học viện, tỷ lệ sinh viên ra trường làm đúng chuyên ngành và khả năng thích ứng của sinh viên đối với môi trường làm việc được đánh giá như thế nào, thưa Phó Giáo sư?

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Báo chí là một ngành nghề đặc thù, cơ quan báo chí vừa làm nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện nhiệm vụ kinh tế, các cơ quan báo chí, tòa soạn báo chí vừa vận hành theo sự chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước đồng thời cũng vận hành theo các quy luật của thị trường.

Nhân lực của ngành báo chí phải đáp ứng được đúng và đủ những kiến thức, kỹ năng, thái độ để hành nghề được trong môi trường đặc thù như vậy.

Trong các chương trình đào tạo, chúng tôi luôn bố trí thời lượng phù hợp để đào tạo, rèn giũa sinh viên, có nền tảng kiến thức, kỹ năng tốt để có thể thích ứng đa dạng với các ngành nghề, việc làm trong khối báo chí – truyền thông, từ cơ quan nhà nước hay cơ quan tư nhân, tổ chức quốc tế hay phi chính phủ…

Theo các khảo sát, tỷ lệ sinh viên ra trường của chúng tôi có việc làm đạt trên 90%, trong đó làm đúng ngành khoảng 70%, và nhìn chung đều được đánh giá tốt, khả năng thích ứng nhanh chóng với môi trường thực tế.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Hiện tại có hai xu thế lớn trong báo chí là tính chuyên sâu (thực hiện quy hoạch báo chí, các báo, tạp chí phải tập trung đúng vào tôn chỉ mục đích…) và chuyển đổi số trong báo chí. Học viện đã và đang làm gì giúp người học đáp ứng hai yêu cầu này?

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Để đáp ứng các yêu cầu chuyên sâu và quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, mượt mà, thay đổi cả về tổ chức, hoạt động và tư duy của người dạy và người học, Học viện đã tập trung thực hiện việc chính sau:

Một là, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm, hợp lực thực hiện chuyển đổi số;

Hai là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có kiến thức, kỹ năng cần thiết về công nghệ thông tin, an toàn thông tin để làm việc trên môi trường số; tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số;

Ba là, tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo trong đó tích hợp nhiều học phần, đảm bảo đầu ra là những nhà hoạt động báo chí – truyền thông có bản lĩnh chính trị, đạo đức, có kỹ năng thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ.

Để quá trình đào tạo đạt hiệu quả cao, các chương trình đào tạo báo chí - truyền thông cân bằng giữa khối kiến thức nền tảng, lý thuyết và kỹ năng thực hành.

Trước khi thực hành nghề, các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp phải được đào tạo căn bản, dần dần đào tạo nâng cao, bổ sung và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới.

Bên cạnh các kiến thức, kỹ năng nền tảng, chúng tôi luôn cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo những nội dung mới, phù hợp với các xu hướng phát triển của công nghệ, báo chí - truyền thông hiện đại như: Các thiết bị kỹ thuật công nghệ truyền thông mới; Báo chí dữ liệu; Báo chí Di động; Báo chí rô bốt; Báo chí với các vấn đề Kinh tế; Báo chí với các vấn đề an sinh xã hội; Báo chí đa phương tiện; Tòa soạn hội tụ; Báo chí và mạng xã hội...

Chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ giữa các nhà lãnh đạo, quản lý về báo chí, chuyên gia, nhà nghiên cứu với giảng viên, sinh viên về các vấn đề mới như quy hoạch báo chí, quản lý cơ quan báo chí hội tụ, chuyển đổi số báo chí, truyền thông...

Chương trình đào tạo sẽ không thiên về kiến thức hàn lâm vì như thế người học sẽ thiếu kiến thức thực tế và tốn thêm thời gian tích hợp kỹ năng sau khi ra trường. Nhưng chương trình học cũng không quá thiên về đào tạo kỹ năng, sẽ khiến người học thiếu kiến thức nền tảng, kiến thức xã hội và đặc biệt là các phương pháp luận, phương pháp phân tích và giải quyết vấn đề dẫn đến viết những bài sáo rỗng, không có chiều sâu và góc nhìn riêng.

Chúng tôi cũng tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, tạo ra các trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo, tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận với các công nghệ mới trong báo chí, truyền thông.

Toàn cảnh Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Website trường)

Toàn cảnh Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: Website trường)

Phóng viên: Là trường đại học đầu ngành đào tạo về báo chí và truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền không ngừng đổi mới, ứng dụng công nghệ và cập nhật các xu hướng báo chí, truyền thông hiện đại trong quá trình giảng dạy. Để đảm bảo chất lượng đầu ra, cam kết hiệu quả đào tạo, Học viện đã thực hiện công tác kiểm định chất lượng như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo Quyết định số 95/QĐ-KĐCLGD ngày 29/6/2018 do Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cấp. Dự kiến tháng 10 năm 2022, Học viện sẽ khởi động hoạt động tự đánh giá cơ sở giáo dục của chu kỳ 05 năm tiếp theo.

Về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cho 04 chương trình đào tạo trình độ đại học gồm: Triết học; Quan hệ quốc tế; Quan hệ công chúng và Xã hội học theo các Quyết định số 303 - 306/QĐ-KĐCLV ngày 16 tháng 01 năm 2022 do Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh cấp.

Tháng 10 năm 2021, Học viện triển khai hoạt động tự đánh giá của 07 chương trình đào tạo trình độ đại học gồm: Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước; Kinh tế chính trị; Quảng cáo; Xuất bản và Ngôn ngữ Anh.

Dự kiến hoạt động đánh giá ngoài sẽ được tiến hành vào tháng 6/2022. Sau khi có kết quả công tác đánh giá ngoài cơ sở đào tạo tạo vào năm 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tự đánh giá các chương trình đào tạo còn lại đặc biệt là các chương trình đào tạo báo chí - truyền thông.

Về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thành lập Hệ thống mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục theo Quyết định số 1699-QĐ/HVBCTT ngày 26 tháng 3 năm 2021 nhằm triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường theo tiêu chuẩn đánh giá chất lượng và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học viện đã ban hành Kế hoạch đảm bảo chất lượng năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022 với mục đích nâng cao chất lượng trong công tác quản lý của Học viện; đáp ứng các yêu cầu của chuẩn đầu ra và nhu cầu xã hội; thiết lập và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, đáp ứng các mục tiêu, kế hoạch và chiến lược của nhà trường; phát triển văn hóa chất lượng trong giáo dục và văn hóa minh chứng trong quản trị đại học; triển khai tự đánh giá và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài chương trình đào tạo trình độ đại học. (Ảnh: NTCC)

Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện khảo sát chính thức phục vụ đánh giá ngoài chương trình đào tạo trình độ đại học. (Ảnh: NTCC)

Phóng viên: Là một trường Đảng trong hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện đã dành nhiều thời lượng học tập cho các môn lý luận chính trị, tư tưởng và đây cũng là điểm khác biệt, đặc thù của Học viện trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đối với những người làm báo, bản lĩnh chính trị vững vàng là một điều rất quan trọng. Phó Giáo sư có thể chia sẻ thêm về yêu cầu này?

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Tôi đã nhiều lần phát biểu, một nhà báo chuyên nghiệp, bên cạnh hệ thống kiến thức nền tảng bao gồm những kiến thức rộng, những kiến thức chuyên ngành báo chí và những kiến thức chuyên môn liên quan đến lĩnh vực, đề tài mà nhà báo đang theo đuổi; hiểu biết và gương mẫu chấp hành, tuân thủ pháp luật; có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao, nhà báo phải có bản lĩnh chính trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực sự thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế, cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì cái khác mới đúng được”.

Bản lĩnh chính trị là khả năng phát hiện, phán đoán, phân tích nhanh và tìm ra bản chất, xu hướng vận động của vấn đề.

Độ nhạy bén chính trị đòi hỏi nhà báo phải "bắt" được mạch sống chủ đạo của xã hội để phát hiện vấn đề và chọn thời điểm cũng như tìm cách thức thông tin phù hợp, có hiệu quả.

Một tác phẩm báo chí có sức sống, có sức lay động dư luận xã hội, được đông đảo bạn đọc đồng tình, trước hết tác phẩm đó đề cập đúng vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra cộng với sự chắt lọc tư liệu trong quá trình khảo sát thực tiễn công phu, sự đầu tư trí tuệ của tác giả bằng tất cả sự say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.

Phẩm chất này được hình thành nhờ sự rèn luyện trong thực tiễn hoạt động báo chí nhưng cũng không loại trừ có sự góp phần của năng khiếu.

Thực tế chỉ ra rằng, một bộ phận nhà báo đã vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp do “nhầm lẫn” trong lựa chọn, phân tích và đánh giá các sự kiện, vấn đề. Họ đã không ý thức được mục đích viết báo của mình là vì ai, phục vụ ai và đứng trên lập trường, quan điểm nào.

Hiện nay, thông tin sai lệch, tin giả trên Internet; thông tin xuyên tạc của các lực lượng thù địch, chống phá trên các nền tảng truyền thông càng ngày càng nhiều, do vậy, năng lực tiếp nhận truyền thông của công chúng nói chung cần được nâng cao.

Người làm báo không chỉ là người tiếp nhận thông tin thông thái, mà có nghĩa vụ thông tin, giáo dục, định hướng dư luận xã hội… do vậy bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức làm nghề trong sáng luôn là những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động đào tạo báo chí tại Học viện.

Gần 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng chục ngàn cán bộ lý luận chính trị, báo chí - truyền thông cho đất nước và các nước bạn anh em ở các trình độ khác nhau.

Nhiều học viên, sinh viên của Học viện trưởng thành, giữ vị trí quan trọng ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của đất nước như: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng, Thứ trưởng…

Hàng ngàn công trình nghiên cứu khoa học các cấp đã góp phần cung cấp luận cứ cho quá trình đào tạo bồi dưỡng của Nhà trường và xã hội.

Học viện không ngừng đổi mới để vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị vừa hướng tới những tiêu chuẩn đại học quốc tế về nghiên cứu và đào tạo.

Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: NTCC)

Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: NTCC)

Phóng viên: Không chỉ đào tạo sinh viên Việt Nam, đã từ lâu Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào. Phó Giáo sư có thể chia sẻ thêm về nhiệm vụ này?

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn xác định, đào tạo nguồn nhân lực cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là một trong những nhiệm vụ chính trị quốc tế trọng tâm của Học viện.

Vì vậy, công tác đào tạo, quản lý, hỗ trợ lưu học sinh luôn được Ban Lãnh đạo Học viện quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất có thể.

Trong 10 năm, từ năm 2012 đến 2021, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đào tạo 492 lưu học sinh Lào hệ đại học, 58 lưu học sinh Lào hệ sau đại học, 03 nghiên cứu sinh (trong đó có 02 nghiên cứu sinh diện Hiệp định, 01 nghiên cứu sinh tự túc).

Hầu hết các lưu học sinh các hệ đã hoàn thành chương trình học tập với xếp loại tốt nghiệp khá, giỏi.

Ngoài các chương trình đào tạo chính quy, với mục tiêu bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội cán bộ thuộc các cơ quan báo chí và truyền thông của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, từ năm 2012 đến nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã phối hợp với Viện Thông tin, Văn hóa và Du lịch, Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào tổ chức 06 lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho tổng số 132 học viên.

Đối tượng tham gia bồi dưỡng chủ yếu là lãnh đạo quản lý cấp Vụ, Sở trong lĩnh vực báo chí, truyền thông ở trung ương và địa phương của Lào.

Qua những con số này càng khẳng định Học viện luôn coi trọng nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho nước bạn Lào nói chung, đào tạo báo chí, truyền thông nói riêng, các chương trình đào tạo ngày một tăng về số lượng, thời lượng và chất lượng.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NTCC)

Ngày hội tư vấn tuyển sinh năm 2022 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: NTCC)

Phóng viên: Bên cạnh đó, Học viện còn có hệ liên kết đào tạo với nước ngoài. Sau một thời gian thực hiện, Phó Giáo sư có thể đưa ra một vài đánh giá về hiệu quả đào tạo của mô hình này?

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Hiện tại, Chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Thương hiệu do Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) nhượng quyền cho Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Việt Nam đã bước sang năm thứ 6.

Chương trình do Đại học Middlesex xây dựng, bảo đảm chất lượng và cấp bằng tốt nghiệp. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển sinh, cung cấp cơ sở vật chất và tổ chức giảng dạy. Hoạt động kiểm tra đánh giá do hai bên cùng thực hiện.

Mô hình chương trình nhượng quyền hiện là một trong những mô hình giáo dục tiên tiến nhất, sinh viên được học chương trình tiêu chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam, không khác gì chương trình đào tạo tại cơ sở nước ngoài.

Với tính chất của chương trình nhượng quyền, chất lượng đào tạo và bằng cấp đều được bảo đảm theo các tiêu chuẩn của Vương quốc Anh, giúp cho sinh viên yên tâm về giá trị của tấm bằng, tự tin bước vào thị trường lao động.

Tôi xin nói rõ hơn, đối với chương trình nhượng quyền, hồ sơ của giảng viên Chương trình phải được Đại học Middlesex thẩm định và phê duyệt.

Giảng viên Chương trình bao gồm giảng viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền; các chuyên gia hành nghề tại các tổ chức doanh nghiệp về Quảng cáo, PR và Thương hiệu và các giảng viên nước ngoài.

Giảng viên phải đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh, có bằng Thạc sĩ trở lên trong lĩnh vực phù hợp và có phương pháp giảng dạy tích cực.

Bằng tốt nghiệp của sinh viên Chương trình Cử nhân quốc tế tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền được Đại học Middlesex cấp kèm theo bảng điểm và chứng nhận. Tấm bằng tốt nghiệp và bảng điểm cấp cho sinh viên học tại Việt Nam giống hệt và không khác biệt với văn bằng cấp cho sinh viên học tại London.

Đến năm 2022, đã có 2 khóa sinh viên tốt nghiệp, khẳng định chất lượng đào tạo của Chương trình. Năm 2021 có 2 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc.

Sinh viên tốt nghiệp Chương trình có khả năng sử dụng tiếng Anh tốt (ít nhất ở mức IELTS 6.5 hoặc tương đương), hiểu biết về xã hội Việt Nam và kỹ năng chuẩn quốc tế.

Các yếu tố này giúp sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh hiện nay, đặc biệt là môi trường có yếu tố nước ngoài.

Một số sinh viên lựa chọn đi du học tại Vương quốc Anh để học tiếp các chương trình Thạc sĩ.

Theo đánh giá của Đại học Middlesex, sinh viên học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền có kết quả tương đương các cơ sở đào tạo khác của Đại học Middlesex tại London và Dubai.

Học viện triển khai chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Truyền thông tại Việt Nam theo phương thức nhượng quyền với Đại học Middlesex (Vương quốc Anh). (Ảnh: NTCC)

Học viện triển khai chương trình Cử nhân quốc tế Quảng cáo, PR và Truyền thông tại Việt Nam theo phương thức nhượng quyền với Đại học Middlesex (Vương quốc Anh). (Ảnh: NTCC)

Phóng viên: Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, Học viện cũng có nhiệm vụ không kém phần quan trọng là nghiên cứu các vấn đề báo chí, truyền thông, Phó Giáo sư có thể đưa ra một số đánh giá về những đóng góp của Học viện trong nghiên cứu về báo chí, truyền thông?

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Học viện luôn xác định hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm, xuyên suốt nhằm nâng cao chất lượng uy tín, thương hiệu học thuật của một cơ sở đào tạo, qua đó xây dựng luận cứ khoa học nhằm phát triển đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên lĩnh vực lý luận chính trị, công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông và các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn khác.

Các Khoa, Viện trong Học viện, bên cạnh hoạt động giảng dạy đều tích cực thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.

Trong 10 năm (2010 - 2020), Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực hiện 1.209 đề tài khoa học các cấp, trong đó có 11 đề tài cấp Nhà nước, 33 đề tài cấp Bộ, 1.165 đề tài cấp cơ sở.

Các đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ tập trung nghiên cứu các vấn đề nền tảng lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; các vấn đề về công tác tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông...

Các đề tài cấp cơ sở được ưu tiên tập trung vào việc nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ trực tiếp hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.

Đặc biệt, Học viện rất chú trọng công tác tổng kết thực tiễn thông qua các báo cáo đề xuất giải pháp để lấy đó làm cứ liệu khoa học nhằm bổ sung, hoàn thiện và phát triển nhiệm vụ đào tạo của Học viện nói riêng và trong toàn hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nói chung.

Học viện đã tổ chức được nhiều hội thảo quốc tế, quốc gia với những chủ đề thời sự, cập nhật tình hình chính trị và chuyên môn với sự tham dự của nhiều chính trị gia, nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đến từ các nước như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Áo, Đức, Thụy Điển, Malaysia...

Trong 10 năm qua, Học viện đã xuất bản được gần 300 giáo trình và sách chuyên khảo.

Các nhà khoa học của Học viện đã công bố hơn 5.000 bài trên các tạp chí, báo khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus và các tạp chí khoa học được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận, trong đó không ít bài có giá trị cao cả về lý luận và thực tiễn, được phổ biến và vận dụng rộng rãi trong xã hội.

Nhờ những kết quả đạt được nói trên, chất lượng đào tạo của Học viện không ngừng được nâng cao, vị thế khoa học của Nhà trường ngày càng được khẳng định.

Sinh viên Học viện tham gia Hội báo toàn quốc 2022. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Học viện tham gia Hội báo toàn quốc 2022. (Ảnh: NTCC)

Phóng viên: Với những thách thức của nghề báo hiện nay, Phó Giáo sư có điều gì nhắn nhủ với những người trẻ chuẩn bị dấn thân vào nghề?

PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang: Trong các hoạt động giảng dạy, hội thảo, ngoại khóa, và trong các cuộc trò chuyện với sinh viên, học viên, chúng tôi luôn thúc đẩy sinh viên rèn luyện sự chăm chỉ, chịu khó, cầu tiến, dám nghĩ dám làm, không sợ khó, không sợ khổ, dám thử thách bản thân với những mảng đề tài, chủ đề khác nhau để kích thích tư duy, tìm ra thế mạnh của mình.

Bên cạnh đó, cần liên tục cập nhật những xu hướng báo chí, công nghệ mới, những kiến thức liên ngành...

Thị trường lao động ở Việt Nam và khu vực là rất lớn và đầy tiềm năng, cơ hội cho các em thử thách bản thân với những công việc đúng ngành hay ngành gần là rất dồi dào.

Trong thế giới nhiều biến động hiện nay, khả năng thích ứng là rất quan trọng. Chúng tôi cung cấp nền tảng tư duy, thái độ cùng kiến thức, kĩ năng để chuẩn bị cho các em trước tương lai ấy, nhưng sự nỗ lực của bản thân các em mới là yếu tố quyết định.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Vương Thuỷ (Thực hiện)