Kiến nghị bổ sung các điều sau để giáo viên có thăng hạng, xuống hạng

23/06/2022 06:58
Mỹ Tiên
GDVN- Người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét bỏ quy định thời gian giữ hạng, chỉ quy định chu kỳ 3 năm một lần xét thăng hạng và giáng hạng.

Hiện nay, đa số giáo viên cả nước đang hưởng lương theo hạng I-IV của chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT, một số địa phương thực hiện lương giáo viên theo hạng I-III theo chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT. Giáo viên nhận công tác từ 20/3/2021, hưởng lương theo hạng của chùm Thông tư 01-04/2021.

Sắp tới, khi Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 được ban hành chính thức, giáo viên cả nước sẽ được bổ nhiệm xếp lương theo Thông tư mới trên.

Vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay chính là những giáo viên không dạy tốt, không cố gắng, không có thành tích, không đạt các tiêu chuẩn của hạng cao,… vẫn ở hạng I, II và nếu không có gì thay đổi giáo viên hạng I suốt đời sẽ hưởng ở lương ở hạng I; giáo viên ở hạng II sẽ hưởng lương ở hạng II hoặc hạng I mà không có cơ chế, quy định xuống hạng trong khi nhiều người giỏi lại ở hạng thấp hơn.

Dự kiến, khi bổ nhiệm giáo viên theo Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 sẽ tiếp tục có nhiều giáo viên ở “nhầm hạng”.

Mong mỏi lương giáo viên có thăng hạng, giáng hạng là hợp lý để tạo động lực phấn đấu, để giáo viên giỏi, tốt ở hạng cao, lương cao.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Theo tôi, chia hạng giáo viên theo Nghị định Chính phủ là hợp lý

Trước khi ban hành chùm Thông tư 20-23/2015, giáo viên hưởng lương theo ngạch, bậc dẫn đến bức xúc là giáo viên chỉ cần lớn tuổi hưởng lương cao do hệ số lương cao, kéo theo phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên cao,… vô cùng bất cập.

Giáo viên lớn tuổi, công tác lâu năm có thành tích tốt, có cố gắng lương cao cũng hợp lý nhưng có giáo viên làm việc ì ạch, tàng tàng, không biết công nghệ thông tin, không tham gia bất cứ phong trào, hội thi nào nhưng hàng tháng nhận lương khá cao. Trong khi đó, nhiều em giáo viên trẻ là người mới ra trường đầy nhiệt huyết, giỏi chuyên môn lại nhận lương chỉ từ 3-4 triệu đồng là không hợp lý.

Do đó, giáo viên trẻ, giỏi đầy nhiệt huyết không có động lực phấn đấu, vì có phấn đấu gì thì cũng phải 2-3 năm mới được tăng hệ số lương một lần.

Tại khoản 2 Điều 28 Nghị định Số: 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định các chức danh nghề nghiệp viên chức gồm viên chức hạng I-IV nên Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư về lương giáo viên phải bao gồm các hạng theo Nghị định của Chính phủ.

Mục đích của việc chia hạng hết sức hợp lý, chia hạng để giáo viên giỏi, công tác tốt ở hạng cao, giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ ở hạng thấp hơn, thậm chí không xếp hạng.

Chia hạng hợp lý để giáo viên có động lực phấn đấu lên hạng để được trả thu nhập tương xứng, giáo viên không công tác tốt, không cố gắng phải ở hạng thấp hơn, thu nhập thấp hơn.

Nhưng rất tiếc, việc chia hạng hiện nay thực hiện theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa hợp lý, dẫn đến việc chia hạng còn có bất cập dẫn đến các trường hợp “nhầm hạng” khiến nhiều người bức xúc và đòi bỏ chia hạng.

Tuy nhiên, với những phân tích ở trên, theo người viết, đề xuất bỏ chia hạng là không hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Theo quan điểm người viết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm nhất hiện nay là làm sao giáo viên được bổ nhiệm đúng hạng, giáo viên giỏi, công tác tốt ở hạng cao, giáo viên không giữ được hạng cao phải ở hạng thấp hơn, có lên hạng thì phải có xuống hạng,… để tạo được động lực cho giáo viên phấn đấu lên hạng và giữ hạng không bị xuống hạng.

Kiến nghị bổ sung các quy định sau để giáo viên có “xuống hạng”

Giáo viên giỏi, đảm bảo các tiêu chuẩn thì được bổ nhiệm ở hạng cao là hợp lý, khi bổ nhiệm hạng cao thì được chuyển xếp hệ số lương lên hạng cao tương ứng.

Việc này được quy định tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật.

Nội dung cụ thể:1. Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức mục II quy định cụ thể như sau

a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. [...]

Tuy nhiên, theo người viết tìm hiểu, hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không có văn bản nào quy định, hướng dẫn việc xuống hạng hay xuống hệ số lương.

Chính vì không có quy định “xuống hạng”, và do chỉ tiêu thăng hạng đã khiến nhiều giáo viên giỏi ở hạng thấp, giáo viên không giỏi ở hạng cao khiến giáo viên bức xúc, nhiều giáo viên “nhầm hạng”.

Giáo viên nào được bổ nhiệm hạng II ở Thông tư 20-23/2015 thì cho dù bị kỷ luật ở mức nào đi chăng nữa, nếu chưa bị buộc thôi việc thì sẽ ở hạng II và có thể lên hạng I mà không có cơ chế xuống hạng.

Về việc kỷ luật cán bộ có trường hợp giáng chức, tìm trong các văn bản hiện hành chưa thấy quy định nào về việc xuống hạng, giáng hạng là một bất cập lớn trong bổ nhiệm, xếp lương nhà giáo.

Tuy nhiên, nếu không có những điều chỉnh bổ sung Nghị định 115/20202/NĐ-CP, Thông tư 02/2007/TT-BNV thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể quy định việc bổ nhiệm hạng có giáng hạng, xuống hạng.

Người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét và trình Bộ Nội vụ, Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung các điều sau để giáo viên cũng như các công chức, viên chức khác có lên hạng, xuống hạng.

Thứ nhất, bổ sung khoản 4 Điều 29 quy định việc thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức của Nghị định 115/2020

Tại Điều 29 quy định việc thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức được thực hiện trong các trường hợp sau:

“1. Xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác tương ứng cùng mức độ phức tạp công việc theo yêu cầu của vị trí việc làm;

2. Thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp;

3. Xét thăng hạng đặc cách vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn tương ứng với chức danh được công nhận, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”

Người viết, kiến nghị bổ sung khoản 4 như sau:

4. Viên chức không đảm bảo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở hạng cao, được xét bổ nhiệm ở hạng thấp hơn liền kề, xét chức danh nghề nghiệp từ hạng cao xuống hạng thấp hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp.

Việc lập hội đồng xét chức danh nghề nghiệp thấp hơn liền kề giao do thủ trưởng đơn vị thành lập, dự kiến phương án và trình cấp có thẩm quyền ra quyết định.”

Nghị định Chính phủ ban hành có quy định việc xuống hạng là cơ sở để Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các quy định về xuống hạng thấp hơn liền kề.

Thứ hai, bổ sung khoản 5 mục II Cách xếp lương của Thông tư 02/2007/TT-BNV

Tại khoản 1-4 có quy định cách xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức nhưng chưa có quy định về giảm ngạch, giảm hạng công chức, viên chức nên người viết xin được kiến nghị bổ sung khoản 5 như sau:

5. Xếp lương khi giảm ngạch, hạng công chức, viên chức :

a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc thấp hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

b. Trường hợp đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc thấp hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới và thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.”

Người viết cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét bỏ quy định thời gian giữ hạng, chỉ quy định chu kỳ 3 năm một lần xét thăng hạng và giáng hạng để tạo động lực cho giáo viên cố gắng lên hạng, giữ hạng.

Chỉ khi sửa đổi, bổ sung được 2 khoản trên khi đó Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể ban hành Thông tư, Thông tư sửa đổi bổ sung chùm Thông tư 01-04/2021 có quy định việc xuống hạng để đảm bảo công bằng, hợp lý trong xếp lương, đảm bảo giáo viên ở hạng cao, công tác tốt và hưởng lương cao và quan trọng là không có trường hợp “nhầm hạng” gây bức xúc thời gian qua và sắp tới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên