Nhận định về đề tham khảo môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Bắc - Tổ Phó chuyên môn Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam đã chia sẻ: “Đề giữ được tính ổn định về cấu trúc, không có sự thay đổi nhiều so với đề thi chính thức năm 2021 về mức độ và các dạng câu hỏi, phù hợp với mục tiêu của kỳ thi.
Đề kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, kỹ năng đọc. Có khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, còn lại là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Phần lớn các câu hỏi kiến thức ngữ pháp và một số câu từ vựng rất quen thuộc với thí sinh trong quá trình học, ôn tập lớp 12. Các dạng bài ngữ âm hầu hết kiểm tra các từ cơ bản, xuất hiện trong sách giáo khoa, câu giao tiếp rất gần gũi với đời sống…Đây là các dạng bài để gỡ điểm, học sinh có thể đạt điểm tối đa ở những nội dung này.
Bài đọc hiểu là các chủ đề quen thuộc, bên cạnh đó, bài đọc không xuất hiện nhiều từ khó nên học sinh dễ dàng hiểu được nội dung và tìm thông tin nhanh hơn. Câu hỏi có độ phân hóa tốt vẫn là các câu về từ vựng, từ cùng trường nghĩa, cặp từ dễ gây nhầm lẫn…
Do đó, học sinh cần phải ôn tập tập thật kỹ từ vựng trong chương trình sách giáo khoa, đặc biệt là lớp 11 và 12. Trong quá trình ôn tập, cần chú ý đến sự kết hợp từ đồng nghĩa – trái nghĩa, các từ dễ gây nhầm lẫn...”.
Thầy Nguyễn Văn Bắc - Tổ Phó chuyên môn Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: T.D. |
Theo thầy Bắc: “Phần ngữ âm thường sẽ có 2 câu là tìm từ có cách phát âm khác và 2 câu tìm trọng âm.
Ở câu tìm từ có cách phát âm khác học sinh phải nắm vững cách phát âm đuôi -ed hoặc đuôi -a, vấn đề này thường hay có trong đề thi. Phần trọng âm 2 câu thường tập trung vào các từ có 2 và 3 âm tiết, tìm từ có trọng âm chính khác với những từ còn lại. Với từ 3 âm tiết thường đã có quy tắc như sử dụng các hậu tố để xem dấu hiệu từ đấy là trọng âm thứ 3 hay trước hậu tố đó, học sinh có thể dựa vào hậu tố đó phát hiện ra cách đánh trọng âm.
Mục thứ 2 của đề thi là ngữ pháp và từ vựng, mục này thường có 15 đến 17 câu với mức độ câu hỏi khá rộng các chuyên đề ngữ pháp, học sinh cần ôn lại các chuyên đề như động từ có chia động từ, động từ nguyên thể, động từ khuyết thiếu. Ngoài ra có chuyên đề về danh từ, tính từ. Một mục nữa cũng khá rộng là tìm và sửa lỗi sai, dù chỉ có 3 câu nhưng để làm được bài tìm lỗi sai thì học sinh cũng phải nắm được kiến thức khá tổng quát. Khi tìm lỗi sai phải tìm đó là lỗi về từ vựng hay ngữ pháp, hoặc lỗi kết hợp từ?...
Ngoài ra, các mệnh đề phân từ các em cũng cần phải quan tâm ôn luyện. Các mệnh đề quan hệ, có một chút trong bài sửa lỗi sai hoặc tìm câu đồng nghĩa sẽ có một số câu nâng cao về đảo ngữ, phần đảo ngữ này khá khó nên học sinh cần phải để ý”.
Thầy Bắc cho biết thêm: “Riêng về phần từ vựng, tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa thì trong phần đồng nghĩa có hai từ và trái nghĩa cũng có hai từ. Các em phải phân tích câu để đoán nghĩa.
Học sinh chú ý bài tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa, các em phải đọc rõ bài đó xem đề thi hỏi đồng nghĩa hay trái nghĩa, có nhiều trường hợp không đọc kỹ bởi trong bài từ đồng nghĩa bao giờ người ra đề cũng để từ đồng nghĩa và từ trái nghĩa vào đó, và ngược lại trong bài trái nghĩa cũng như vậy.
Nếu học sinh đọc vội, làm ẩu thì ở bài trái nghĩa các em lại điền một từ đồng nghĩa”.
Cô Nguyễn Thị Sinh - Giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Lưu ý khi làm bài thi
Cũng về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Sinh - Giáo viên dạy tiếng Anh, Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: “Bài đọc hiểu, bài đọc và điền từ vào chỗ trống thường có năm câu tương đối khó. Đọc và điền từ vào chỗ trống cũng gợi ý với năm đoạn đọc bỏ khuyết chỗ trống, có kèm theo năm câu hỏi và gợi ý trả lời.
Trong bài này nếu học sinh tinh ý thì những phần chỗ trống đó thường liên quan đến phần động từ. Ví dụ chỗ đó đề thi đã để sẵn động từ và các em xem còn thiếu giới từ nào? Nếu các em đã tư duy được ngay là thiếu giới từ nào đó thì nên kiểm tra chéo 4 phương án đề thi cho ở dưới thì cơ hội điền câu đúng rất cao.
Ngoài ra ở phần về ngữ pháp, trong mục đó nếu đề thi yêu cầu phải chia "thì hiện tại hoàn thành", hoặc "dạng bị động" thì cần chú ý về cấu tạo của động từ. Cũng có thể có một số từ vựng riêng rẽ thì phải đọc cả câu để điền đúng ngữ cảnh.
Đối với bài đọc hiểu gồm có hai đoạn, một đoạn ngắn đơn giản gồm năm câu đọc và tìm câu trả lời đúng. Đoạn thứ hai dài hơn thường có 7 đến 8 câu và cũng có tính phân hóa hơn. Trong hai bài này học sinh cần phân ra các dạng câu hỏi, bao giờ cũng có dạng câu hỏi tổng quan để tìm ý chính trong đoạn, hoặc đặt tiêu đề cho đoạn thì các em nên trả lời sau cùng bởi khi đọc hết các đoạn. Khi trả lời hết các câu hỏi thì các em cũng đã hình dung ra được đề thi nói về cái gì”.
Cô Sinh chia sẻ thêm: “Trong bài đọc này cũng có những câu hỏi về từ vựng, ví dụ từ này trong bài gần nhất với nghĩa gì? Cái này cũng gần giống với bài tìm từ đồng nghĩa, nhưng bài tìm từ đồng nghĩa trong câu đó chỉ có một câu, còn ở đây thì là cả một đoạn nên không chỉ đọc một câu đó mà phải đọc cả câu trước và câu sau thì ngữ cảnh sử dụng từ đó sẽ rộng hơn.
Ngoài ra trong bài thi sẽ có loại hình câu hỏi tìm xem từ thay thế các đại từ đó thay thế cho từ gì? Thường có hai cách, thứ nhất là đọc câu trước đó xem nói về vấn đề gì và dùng một đại từ thay thế ngay câu đằng sau...."
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022 diễn ra từ ngày 6-9/7/2022.
Ngày 6-7, thí sinh tập trung làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi. Bộ Giáo dục và đào tạo quy định có thêm 1 ngày thi dự phòng là 9/7.
Thí sinh với 5 bài thi. Trong đó có 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn là Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và bài thi Khoa học Xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).