Việc mở rộng trường ngoài công lập không chỉ thúc đẩy môi trường giáo dục cạnh tranh, phát triển mà còn thực hiện theo chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Tại khoản 2 Điều 61 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013 nêu: “2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục...” [1]
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam: “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư.”
Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, Nghị quyết 29 nêu: "Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục công lập và có cơ chế hỗ trợ để bảo đảm từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập theo luật định. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị."[2]
Với sự thay đổi này, về lý thuyết sẽ có thêm nhiều chủ thể ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và người học sẽ có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn.
Ảnh minh họa: Lã Tiến |
Mục đích, lợi ích phát triển trường mầm non, phổ thông ngoài công lập
Trong những năm qua, hệ thống các trường ngoài công lập cũng đã có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng được một phần nhu cầu của xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của giáo dục cả nước.
Việc trường từ mầm non đến đại học ngoài công lập xuất hiện đã tạo cơ hội nghề nghiệp cho nhiều giáo viên, nhân viên, tạo điều kiện cho các em học sinh có nơi học tập tốt, tạo động lực phát triển, công bằng xã hội, môi trường cạnh tranh lành mạnh...
Chưa kể, việc phát triển trường ngoài công lập, còn giúp tinh giản biên chế trường công, giảm ngân sách chi cho giáo dục, tăng tính cạnh tranh giúp giáo dục bình đẳng và cùng tiến bộ giữa trường công và tư, cùng hợp tác, thúc đẩy giáo dục phát triển.
Mục đích của việc mở rộng và phát triển trường ngoài công lập là xu thế tất yếu thúc đẩy giáo dục phát triển, tăng cường cạnh tranh lành mạnh, đa dạng hình thức học tập,… để đạt mục tiêu chung giáo dục, phù hợp xu thế phát triển của giáo dục trong nước và các nước có nền giáo dục tiến bộ trên thế giới.
Đề xuất các giải pháp mở rộng, phát triển trường ngoài công lập
Thực tế, ngoài các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số ít tỉnh, thành có phát triển trường ngoài công lập thì nhiều tỉnh, thành hiện rất ít trường ngoài công lập.
Để việc phát triển trường ngoài công lập phát triển một cách đồng bộ, khoa học thúc đẩy giáo dục phát triển, người viết xin được đề xuất các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục có chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển trường ngoài công lập
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngày 4/6/2019, Chính phủ đã cụ thể hóa việc xã hội hóa giáo dục bằng Nghị quyết 35/NQ-CP về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025 trong đó có mục tiêu phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỷ lệ 8,75% số cơ sở và 8,9% người học vào năm 2020 và lần lượt là 13,5% và 16% vào năm 2025.
Mục tiêu cụ thể:
Đối với giáo dục mầm non, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỷ lệ ít nhất là 20%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt khoảng 25%; đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% với số trẻ em theo học đạt 30%.
Đối với giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 2,3% và 2,6%; đến năm 2025, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các cơ sở ngoài công lập là 2,7% và 3%.
Đối với giáo dục đại học, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt 28% và số sinh viên theo học đạt 18%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 30% và 22,5%.
Đối với giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập đạt 35%; đến năm 2025, đạt tỷ lệ 40%.
Trong Nghị quyết 35/2019, Chính phủ nêu nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu trên gồm:
Hoàn thiện thể chế theo hướng chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng;
Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập;
Đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập;
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính....
Nghị quyết 35 của Chính phủ chính là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các Bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh mở rộng, phát triển các trường ngoài công lập giúp nâng cao chất lượng giáo dục, giảm gánh nặng ngân sách, góp phần đạt mục tiêu đề ra.
Theo người viết, để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 35, Nhà nước cần ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích và ủng hộ các nhà trường ngoài công lập làm tốt nhiệm vụ của mình góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển, tạo sự công bằng trong giáo dục, công bằng trong thụ hưởng phúc lợi giáo dục của học sinh trường ngoài công lập với trường công lập.
Bên cạnh đó, ngoài việc tạo điều kiện về bố trí quỹ đất, hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị… để mở rộng và phát triển các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập, nhà nước cần tạo điều kiện để đơn giản hóa thủ tục trong quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở giáo dục ngoài công lập và tăng quyền tự chủ cho các trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ.
Thứ hai, nên có chính sách ưu tiên trong tuyển sinh các trường ngoài công lập
Hệ thống trường ngoài công lập ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục chung. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản, Nghị quyết về thúc đẩy phát triển các trường ngoài công lập nhưng hệ thống các trường ngoài công lập phát triển chưa tương xứng do còn nhiều rào cản.
Ngày 30/12/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số: 40/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục.
Điều 3 Thông tư 40 nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của trường phổ thông tư thục:
“...2. Trường phổ thông tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển; xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên; huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông.” [3]
Có nghĩa, các trường ngoài công lập được tự chủ trong tuyển sinh tuy nhiên nghịch lý thời gian qua có tình trạng học sinh khi tuyển sinh không đạt vào trường công mới được học trường tư thục, dân lập.
Theo người viết, các trường ngoài công lập nên được ưu tiên tuyển sinh trước các trường công lập, học sinh có điều kiện sẽ đăng ký tuyển sinh các trường ngoài công lập, các em còn lại không học ngoài công lập được dự thi hoặc xét tuyển vào trường công lập sẽ đảm bảo công bằng, hợp lý và thúc đẩy các trường ngoài công lập phát triển.
Thứ ba, có những chính sách phù hợp khi giáo viên, học sinh từ công lập sang ngoài công lập
Chủ trương về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy đối với ngành giáo dục thời gian qua thực hiện đạt chỉ tiêu nhưng còn cơ học, máy móc khiến nhiều giáo viên có khả năng mất việc, gây nhiều bức xúc.
Việc giảm 10% biên chế viên chức một cách máy móc như sáp nhập cơ học, tăng sĩ số học sinh,... khiến tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên.
Vì vậy, rõ ràng khi mở rộng trường ngoài công lập sẽ hỗ trợ đảm bảo, khuyến khích để giảm biên chế, sĩ số hợp lý đối với hệ thống giáo dục công lập.
Sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập ngày càng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta về xã hội hóa giáo dục đã được sự đồng tình cao của nhân dân và các tổ chức xã hội trong và ngoài nước.
Nếu thực hiện tốt việc mở rộng trường ngoài công lập là góp phần giảm ngân sách chi cho giáo dục, góp phần tinh giản biên chế để thúc đẩy giáo dục phát triển, dành phần kinh phí trên cải thiện thu nhập cho nhà giáo cả nước.
Rất mong trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tham mưu Chính phủ có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi về quy trình, thủ tục thành lập, cơ sở vật chất,... trường ngoài công lập theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để thúc đẩy các trường ngoài công lập phát triển theo Hiến pháp và Nghị quyết của Trung ương.
Tài liệu tham khảo:
[1] Hiến pháp 2013
[2] Nghị quyết số 29-NQ/TW
[3] vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=205060
[4] vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=199713
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.