Không tổ chức tập huấn SGK mới trong năm học thì làm vào lúc nào?

13/07/2022 06:41
Đỗ Quyên
GDVN- Tháng 8 là thời gian tốt nhất để nhà giáo học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

Áp dụng chương trình mới hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông 2018, không thể không tập huấn cho tất cả giáo viên. Tuy nhiên, thực hiện việc tập huấn lúc nào để thật sự hợp lý và hiệu quả vẫn đang là vấn đề quan tâm của nhiều nhà giáo.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Tập huấn liên miên cả tuần

Nếu như giáo viên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ đi tập huấn sách giáo khoa mới 1 đến 2 ngày thì thời gian đi tập huấn của giáo viên tiểu học đúng 1 tuần.

Với khoảng thời gian đi tập huấn quá lâu như thế dẫn đến khá nhiều rắc rối, phiền toái cho mỗi trường học.

Nhà trường phải bố trí giáo viên dạy thay. Với trường học đủ giáo viên, việc phân công dạy thay còn đỡ, những trường học thiếu giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường thật sự đau đầu.

Bởi, sắp xếp giảng dạy thế nào cho hợp lý, cho học sinh không bị mất bài cũng không hề đơn giản. Vẫn có những trường học không thể phân công giáo viên vào dạy thay đành để một giáo viên trông 2 lớp, cử giáo viên dạy các môn chuyên vào giữ lớp cho khỏi ồn hoặc phải cho học sinh nghỉ buổi.

Dạy cho đồng nghiệp đi học thay sách, người dạy thay không có chế độ gì, chúng tôi gọi đó là "dạy ủng hộ", "dạy từ thiện". Bởi thế, nhà trường cũng không thể thẳng tay phân công buộc giáo viên phải dạy mà phải làm công tác tư tưởng như việc hỏi ý kiến xem ai đồng ý dạy hỗ trợ đồng nghiệp thì mới phân công.

Vì những bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng tuyệt đối không nên tổ chức tập huấn thay sách giáo khoa trong năm học.

Không tổ chức tập huấn sách giáo khoa mới trong năm học thì tập huấn vào lúc nào?

Phần lớn, các tỉnh thành hiện nay, thường tổ chức tập huấn vào thời gian hè (đầu hoặc giữa tháng 7). Việc tập huấn trong thời gian giáo viên đang nghỉ hè đã gây khó khăn cho nhiều nhà giáo nhất là những thầy cô giáo cắm bản, dạy ở vùng sâu vùng xa mà trường học cách nhà đến vài trăm ki lô mét.

Những thầy cô giáo này thường để con cái ở quê với ông bà để đi dạy. Mỗi năm, chỉ tranh thủ về thăm nhà hai lần vào dịp Tết và hè.

Một giáo viên ở huyện miền núi Nghệ An tâm sự rằng, mới về nghỉ hè được ít hôm nhận được yêu cầu phải lên điểm trường để tham dự lớp tập huấn. Từ nhà đến nơi ấy phải đi mất 1 ngày đường.

Thời gian tập huấn 1 ngày (giáo viên tiểu học mất cả tuần) nhưng phải tốn mất 2 ngày đi đường. Chưa nói đến tiền xe, tiền ăn cũng mất khoảng dăm trăm ngàn đồng.

Trong khi, chế độ nghỉ hè của nhà giáo đã được Chính phủ ban hành trong Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Theo đó, thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hàng năm. Bởi thế, về lý thì trong 8 tuần nghỉ phép, giáo viên có toàn quyền sử dụng quỹ thời gian của mình mà không phải tham gia bất cứ một hoạt động nào khác nếu bản thân các thầy cô giáo không đồng ý.

Tuy nhiên, dường ở nhiều địa phương hiện nay, ngành giáo dục và hiệu trưởng nhiều trường học đã “quên” mất chuyện này.

Có ý kiến cho rằng, Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 08 tuần, nhưng không có quy định nghỉ từ ngày nào đến ngày nào.

Thế nên, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, các sở giáo dục và đào tạo có thể tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trong hè, miễn sao đảm bảo thời gian nghỉ hè thực tế cho giáo viên 08 tuần/năm học.

Nghĩa là, lấy thời gian nghỉ hè của nhà giáo tổ chức tập huấn và sẽ trả lại bằng một thời gian khác.

Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT, ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ghi rõ:

Thời gian nghỉ phép năm của giáo viên được thực hiện trong thời gian nghỉ hè hoặc có thể được bố trí xen kẽ vào thời gian khác trong năm để phù hợp với đặc điểm cụ thể và kế hoạch thời gian năm học của địa phương.

Trong thực tế, thời gian nghỉ phép năm của giáo viên luôn được thực hiện trong thời gian nghỉ hè của học sinh (thường tính từ đầu tháng 6 đến cuối tháng 7).

Gần 30 năm đi dạy, người viết chưa bao giờ thấy giáo viên được bố trí nghỉ phép xen kẽ trong năm.

Nếu tính 8 tuần phép của nhà giáo, thời gian hết phép sẽ vào cuối tháng 7 dương lịch. Nếu học sinh tựu trường vào ngày 5/9 như những năm trước đây, nhà giáo vẫn còn khoảng 5 tuần trước khi vào năm học mới.

Đây là khoảng thời gian tốt nhất để nhà giáo học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Bởi thế, có nhất thiết cứ phải tập huấn ngay trong năm học hoặc vào đúng thời điểm nghỉ hè của giáo viên?

Chính phủ đã quy định phép năm của nhà giáo là 8 tuần. Đây được xem là khoảng thời gian quý báu để giáo viên nghỉ ngơi, nạp năng lượng sau một năm học vất vả với việc dạy học và giáo dục học sinh. Đã là quyền lợi và chế độ hợp pháp của nhà giáo thì nên được bảo đảm.

Tài liệu tham khảo:

- Nghị định số 84/2020/NĐ-CP, Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT.

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-sach-thi-phai-tap-huan-nhung-lam-sao-de-thay-co-vua-long-va-khong-than-post227439.gd

Đỗ Quyên