Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở toàn quốc ngay từ năm học 2022-2023 theo quy định tại Nghị định 81.
Về nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, đánh giá tác động để trình các cấp có thầm quyền theo hướng giảm khó khăn cho phụ huynh và học sinh, phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước ở thời điểm hiện tại.
Trước kiến nghị trên, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đinh Thị Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Thắng (Vĩnh Phúc) cho biết, cô thực sự rất vui khi nhận được thông tin này vì cũng giảm được một phần áp lực đối với phụ huynh học sinh khi cho con em tới trường.
“Trong suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, rất nhiều gia đình lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn, việc miễn giảm học phí đối với cấp trung học cơ sở này cũng phần nào giảm đi được gánh nặng cho các gia đình trong thời kì hậu COVID đang hồi phục kinh tế. Đồng thời, việc miễn giảm học phí cũng thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với người dân và nền giáo dục nước nhà”, cô Thắng chia sẻ.
Cô Đinh Thị Hồng Thắng – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Thắng (Vĩnh Phúc). (Ảnh: NVCC) |
Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thanh Chi (Thanh Chương, Nghệ An) cũng bày tỏ, dù việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở mới chỉ là đề xuất nhưng nếu sớm được thực thi thì nhà trường hoàn toàn đồng tình và ủng hộ. Phụ huynh và học sinh cũng rất phấn khởi trước thông tin này.
Cũng liên quan tới nội dung trên, thầy Nguyễn Viết Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hương Ngải (Thạnh Thất, Hà Nội) cho rằng: “Sau khi nghe được thông tin này, về góc độ cá nhân tôi cảm thấy rất vui, đặc biệt là nhiều phụ huynh học sinh cũng chia sẻ với nhà trường rằng họ rất mừng vì giảm được một phần đóng góp, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với vùng nông thôn”.
Thầy cũng chia sẻ thêm: “Việc miễn giảm học phí sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của nhà trường vì ngân sách hoạt động sẽ được cấp bù. Tiền học phí thu hiện tại được chi trả như sau: 40% chi lương cho cán bộ giáo viên và 60% chi cho các hoạt động nên không thu học phí thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù bổ sung”.
Nêu quan điểm trước nhiều lo ngại của phụ huynh rằng, cắt giảm 100% học phí thì liệu nhà trường có tăng tiền cơ sở vật chất hay không, cô Nguyễn Lam Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) cho biết, việc đóng tiền cơ sở vật chất trong năm học đều đã nằm trong hướng dẫn chi.
Nếu các khoản không nằm trong hướng dẫn này thì nhà trường sẽ không tự ý thu tiền phụ huynh học sinh, vì vậy việc miễn giảm học phí không ảnh hưởng đến đầu thu của các cơ sở giáo dục.
Cô cũng bày tỏ: “Khi có chế độ miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở, rất mong nhà nước cũng có một chế độ, chính sách nào đó đi kèm để đảm bảo cho các hoạt động giáo dục của cấp trung học cơ sở được diễn ra bình thường, để nhà trường có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất”.
Có thể thấy, kiến nghị miễn 100% học phí đối với học sinh trung học cơ sở nhận được sự đồng thuận từ nhiều cơ sở giáo dục trung học cơ sở trên cả nước.
Việc miễn giảm học phí này không chỉ giúp nhiều con em thuộc gia đình khó khăn, vùng sâu vùng xa có cơ hội đến trường mà còn thể hiện được sự quan tâm của nhà nước nói chung và Bộ Giáo dục nói riêng đối với học sinh cấp trung học cơ sở trên toàn quốc.