Xoay quanh những vướng mắc và thách thức trong hoạt động của mô hình giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lê Đông Phương, vừa qua, trong Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, nhiều lãnh đạo Sở “than khó” khi thực hiện mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Thầy đánh giá như thế nào về mô hình hiện tại và những khó khăn, thách thức mà các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang gặp phải?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Việc sáp nhập các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của các quận, huyện, là một phần trong chủ trương khá đặc biệt, hướng đến giảm đầu mối các đơn vị hành chính sự nghiệp ở địa phương.
Tuy nhiên, có một vấn đề lớn. Trước đây, trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, trung tâm dạy nghề thuộc sự quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Hiện nay, sáp nhập lại, hình thành ra một cấu trúc khá phức tạp. Về mặt tổ chức hành chính, nhân sự và tài chính, trực thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân các quận, huyện; còn quản lý nhà nước vẫn đi theo hai hướng riêng, hai ngành dọc khác nhau: Các chương trình giáo dục thường xuyên phải đi theo hệ thống quản lý nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo, còn quản lý các chương trình về giáo dục nghề nghiệp chịu sự quản lý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Như vậy, một đơn vị sự nghiệp chịu sự quản lý của ba cơ quan quản lý khác nhau. Đây cũng là một điều khá khó khăn!
Chưa hết, hiện nay, theo xu hướng tinh giản đầu mối và cắt giảm chi tiêu công, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên có rất nhiều khó khăn khác, như có quá nhiều văn bản pháp quy khác nhau, dẫn đến những ách tắc hoặc vướng mắc nhất định trong một đơn vị.
Tiến sĩ Lê Đông Phương (cán bộ nghiên cứu Viện khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo). (Ảnh: Ngân Chi). |
Về mặt hành chính sự nghiệp, các cơ sở này thường được xem xét vấn đề tài chính và nhân sự dựa trên một số chỉ tiêu khá cứng nhắc của ngành Nội vụ, dẫn đến trung tâm phải làm việc song song cả hai chức năng là giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp, trong khi đó, về mặt nhân sự chỉ được coi như là một loại hình cơ sở, dẫn đến thiếu giáo viên, thiếu điều kiện để hoạt động.
Phóng viên: Một số trung tâm cũng cho biết, đang gặp khó khăn trong việc liên kết đào tạo, bởi điều kiện của trung tâm không đáp ứng. Xin thầy đánh giá tính khả thi và hiệu quả của giải pháp này.
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Về khía cạnh giáo dục nghề nghiệp trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, có một cái khó, bản thân trước khi sáp nhập, các trung tâm dạy nghề trước đây cũng các đơn vị nhỏ, năng lực có hạn. Nên việc liên kết đào tạo hoặc hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn từ xưa đến nay vẫn phải thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượng học viên bước vào độ tuổi sau 15 (sau trung học cơ sở) đăng ký học nghề đang có sự cạnh tranh rất lớn. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác cũng không mấy thiết tha với việc hợp tác với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Vì bản thân các cơ sở đó cũng đang muốn thu hút học viên về phía mình.
Hơn nữa, việc đào tạo nghề nghiệp ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện nay, chỉ dừng lại ở các chương trình sơ cấp, trung cấp. Trong khi đó, trên địa bàn, có thể còn có những đơn vị đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng. Hiện nay, khu vực giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng đang chủ trương hút học sinh từ sau lớp 9, chính vì thế, sự cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.
Từ đó dẫn đến câu chuyện, sự hợp tác trong đào tạo có sự hạn chế, có thể nói, sự hợp tác này cũng khá miễn cưỡng từ các cơ sở thuần túy giáo dục nghề nghiệp.
Thực chất, chức năng của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, bản thân trước khi sáp nhập, từ khi còn là trung tâm giáo dục nghề nghiệp hay trung tâm dạy nghề, từ trước đến nay cũng vốn không có sức hút đối với người học. Bên cạnh đó, để dạy nghề một cách nghiêm chỉnh, bản thân các trung tâm này cũng thiếu thốn rất nhiều. Các trung tâm dạy nghề cấp quận, huyện trước nay cũng chỉ dạy được những nghề rất đơn giản, cơ bản, dẫn đến không dạy được những nghề phù hợp với nhu cầu của lao động địa phương.
Chính vì vậy, sau khi sáp nhập xong, khó lại càng thêm khó.
Phóng viên: Vậy, có nghĩa, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang đứng trước khó khăn trăm bề, thưa thầy?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Thực ra không phải khó khăn trăm bề, mà là bất khả thi.
Bởi ý nghĩa của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên này hiện đang không rõ ràng. Và vị trí trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng không rạch ròi, là một dạng “lai ghép” giữa hai loại hình giáo dục khác nhau: Một bên giáo dục mang tính phổ thông cơ bản, một bên mang tính giáo dục dạy nghề cho người học chuẩn bị bước vào các hoạt động lao động sản xuất.
Như vậy có mâu thuẫn, giữa dạy kiến thức phổ thông hay dạy nghề?
Thực sự, hiện tại, các trung tâm này đang là một phép cộng cơ học, đồng thời, lại có sự giản lược trong cấu trúc tổ chức và hoạt động. Dẫn đến mâu thuẫn giữa mục đích ý nghĩa và khả năng thực tế.
Phóng viên: Trước những thách thức mà các trung tâm này đang gặp phải, nhiều trung tâm có mong muốn được đưa về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý như trước đây. Thầy có đánh giá như thế nào về nguyện vọng trên?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp giáo dục thường xuyên vì sao lại mong muốn đưa về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo?
Bởi vì một trong những chức năng của các đơn vị này hiện nay là thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Cho nên, nếu họ được quản lý hoàn toàn bởi hệ thống quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông, sẽ là một điều rất tốt.
Tuy nhiên, các trung tâm này cũng có thêm chức năng thực hiện các chương trình giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp, trung cấp.
Xét riêng về khía cạnh giáo dục thường xuyên, trước đây, khi trung tâm giáo dục thường xuyên chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc điều hành và cung cấp các điều kiện đảm bảo chất lượng cho các trung tâm này thực hiện các nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, dường như tốt hơn so với hiện tại. Các dự toán, kế hoạch do Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, sẽ đảm bảo tốt hơn về hoạt động giáo dục thường xuyên.
Hiện nay, khi “một cổ hai tròng”, việc xây dựng kế hoạch thường chủ yếu thông qua Ủy ban nhân dân quận huyện, tùy giai đoạn, tùy thời điểm, Ủy ban nhân dân có quan điểm khác nhau, dẫn đến việc đầu tư cho điều kiện đảm bảo chất lượng không được tốt như khi chịu riêng một bên quản lý...
Mặc dù vậy, như tôi được biết, hiện nay, còn chưa có dự kiến thay đổi, có nghĩa, nguyện vọng của các trung tâm cũng đang khá khó thực hiện.
Phóng viên: Một số địa phương cho biết, đã có thể “dung hòa” trong triển khai mô hình trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện nay. Bài toán liệu đã được giải, thưa thầy?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Tôi cho rằng, đó chỉ là cách giải quyết của các nhà quản lý đối với phạm vi một quận, huyện, có thể tùy biến quản lý, nhưng vấn đề đang đặt ra là tính tương thích của cả một hệ thống, lại chưa hình dung ra.
Tức là họ chỉ nhìn thấy cách giải quyết vấn đề ngay tại chỗ và ngắn hạn.
Tôi lấy ví dụ, nơi nào giáo dục nghề nghiệp không tuyển được học viên, thì trước hết các địa phương đó cứ tập trung vào giáo dục thường xuyên, hoặc nơi nào giáo dục thường xuyên không có nhiều sức hút thì lại tập trung vào giáo dục nghề nghiệp... Nhưng họ quên mất một điều, tính chất, yêu cầu và điều kiện đảm bảo của hai hệ này rất khác nhau.
Chẳng hạn, đối với các chương trình giáo dục nghề nghiệp, sẽ đòi hỏi trang thiết bị, giáo viên lý thuyết, giáo viên thực hành... cũng như các bố trí tham gia thực hành, thực tập trong thực tiễn cũng khá phức tạp. Nhất là ở những huyện nông thôn, khu vực công nghiệp không phát triển, hệ thống ở các chương trình giáo dục nghề nghiệp không được phát triển tốt, sẽ dẫn đến tình trạng có người nhưng không làm được việc, hoặc có một số điều kiện đảm bảo nhưng học viên không hứng thú... Từ đó, giáo viên dường như bị dư thừa vì không có công ăn việc làm. Trong khi đó, giáo dục thường xuyên lại luôn có một nhu cầu khá lớn, nhưng do tồn tại cả hai hệ trong một đơn vị, nên người ta tìm cách “dung hòa”, bằng cách chuyển hoặc ép học viên chuyển từ nhu cầu học từ giáo dục thường xuyên sang giáo dục nghề nghiệp. Đó là một sự khiên cưỡng và học viên cũng không thích, dẫn đến học viên có thể không bền chí đi theo.
Hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Cầu Giấy. (Ảnh: Ngân Chi). |
Mặt khác, có thể do sự hợp nhất đó, điều kiện đảm bảo của giáo dục thường xuyên cũng không được tốt, chất lượng giáo dục thường xuyên đi xuống, nhiều người học nản, không muốn vào trung tâm.
Tức là xét trên nhiều góc độ, sự hấp dẫn của các trung tâm “lai ghép” này trong mắt học viên cũng không được cao, người học cũng không hứng thú với việc vào học tại các trung tâm.
Phóng viên: Với bài toán khó như vậy, theo thầy, cần tính đến những giải pháp nào để có thể tháo gỡ?
Tiến sĩ Lê Đông Phương: Một cơ sở chịu sự quản lý nhà nước của hai tuyến khác nhau, đã rất phức tạp, mà khi mục đích, ý nghĩa của các hoạt động giáo dục cũng bị phân ra thành hai hướng khác nhau, thì đối với năng lực của đội ngũ quản lý và nhà giáo ở đó sẽ tồn tại rất nhiều vấn đề.
Như tôi được biết, nếu trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đang gặp khó nếu như người đứng đầu là người làm về giáo dục nghề nghiệp trước đây, họ chuyên sâu về giáo dục nghề nghiệp, thiên về các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Trong khi đó, nhiệm vụ chính trị của họ là cung cấp chương trình giáo dục thường xuyên trình độ trung học phổ thông cũng rất quan trọng. Dẫn đến, người lãnh đạo quản lý sẽ khó điều khiển.
Thực ra, một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hiện nay, có một số rất ít có thể làm được, nếu như lãnh đạo tỉnh, thành phố có một tư duy tốt về quản lý hoạt động của các đơn vị này.
Ví dụ, một số nơi, mặc dù là có những hạn chế về quy định pháp lý, nhưng đã bố trí được việc, học sinh giáo dục thường xuyên được học song song một chương trình giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, để khi học xong, các em có cả hai bằng, tốt nghiệp trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên và bằng giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp để các em có thể vào thị trường lao động tốt hơn. Song, không phải tất cả các địa phương đều làm được điều này.
“Cái gốc” nằm ở quản lý nhà nước, chứ không nằm ở hoạt động của trung tâm. Câu chuyện này chắc không có lời giải ngay trước mắt, mà đặc biệt về mặt chính sách, hiện nay đang có nhiều tranh cãi. Bởi vì, hai loại hình này chịu sự quản lý của hai hệ thống luật khác nhau: Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Tư tưởng đưa giáo dục nghề nghiệp về hệ thống giáo dục và đào tạo cũng đã được đặt ra và tranh cãi rất nhiều.
Nếu như về mặt quản lý nhà nước ở cấp độ vĩ mô, có được sự thống nhất giữa hai Bộ và hai ngành thì mô hình học song song hai bằng giáo dục thường xuyên và trung cấp nghề sẽ tốt hơn.
Nhưng do quản lý nhà nước ở cấp Trung ương đã chưa thống nhất thì đến địa phương càng khó và đến cấp quận, huyện lại càng xa nhau. Do có nhiều vướng mắc về mặt chính sách, nên điều này không thể thực hiện được và dẫn đến hai hệ thống càng ngày càng rời xa nhau. Và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên này sẽ phải chịu tất cả những hậu quả về sự khác biệt trong tư duy về quản lý, cách thức điều hành hệ thống.
Có lẽ, giải pháp lâu dài và lý tưởng nhất là phải có được sự thống nhất đầu mối trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp.
Tức là phải đưa quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp vào trong hệ thống quản lý về giáo dục và đào tạo chung, không thể tách riêng hai ngành này riêng.
Khi đó, chúng ta mới có thể khắc phục được những vướng mắc hiện nay của các đơn vị.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy.