Ngày 25/11/2020, được sự thống nhất của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai thí điểm sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế thay cho thẻ Bảo hiểm y tế giấy.
Theo đó, người tham gia Bảo hiểm y tế do 10 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên cấp thẻ Bảo hiểm y tế, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa thiên - Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum) được dùng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên VssID để đi khám chữa bệnh tại các cơ sở có ký hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Ngày 31/5/2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 1493/BHXH-CSYT về việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Theo đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Y tế tại Công văn số 4316/BYT-BH ngày 27/5/2021 về việc sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Cụ thể, từ 01/6/2021, người bệnh Bảo hiểm y tế đến khám chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID thay thế cho thẻ Bảo hiểm y tế giấy tại các cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trên toàn quốc.
Tính đến hết tháng 6/2022, trên toàn quốc đã có trên 26,2 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 673.755 người với 1.212.145 lượt sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Ảnh: Trung Dũng |
Nhận định về hiệu quả thực tiễn của ứng dụng VssID trong công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trong lần phát biểu tại buổi thông tin báo chí định kỳ tháng 7, ông Nguyễn Hoàng Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam)cho rằng: "Qua thời gian áp dụng, ứng dụng VssID đã cho thấy được hiệu quả thiết thực, nhất là trong đợt cao điểm của dịch Covid-19.
Đặc biệt là khi triển khai Nghị quyết 116 và Quyết định số 28, chúng tôi cũng đã tích hợp 2 dịch vụ công liên quan đến việc giải quyết bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid.
Riêng 2 dịch vụ công này, chúng tôi đã giải quyết được cho trên 1,4 triệu hồ sơ và thực hiện chi trả cho trên 30,7 nghìn tỷ trong một thời gian rất ngắn. Qua đó, một lần nữa khẳng định rằng, nếu không có việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đợt giãn cách xã hội, đặc biệt là việc đưa ứng dụng VssID vào hoạt động thì không thể nào chúng ta thực hiện được việc chi trả này một cách kịp thời và chính xác".
Cũng theo đại diện Trung tâm Công nghệ thông tin, khi khách hàng sử dụng ứng dụng VssID thì hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình hưởng là bao lâu, đồng thời khách hàng biết được lúc nào họ được hưởng những gì, điều này rất quan trọng với quyền lợi của các đối tượng tham gia.
Trong năm 2021, ứng dụng VssID cũng được xếp hạng là 1 trong 7 ứng dụng miễn phí được yêu thích nhất. Đồng thời, ứng dụng này cũng được vinh dự nhận được giải thưởng "Thực tiễn hiệu quả" trong năm 2021.
"Có rất nhiều thuận tiện mà ứng dụng VssID mang lại, tuy nhiên hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh phản ánh về cho chúng tôi, một số cho biết họ vẫn chưa mặn mà lắm với ứng dụng này. Cụ thể, một số bệnh viện cho rằng, khi sử dụng Bảo hiểm y tế giấy thì họ có thể giữ được người bệnh để họ không "chạy" khi thanh toán Bảo hiểm y tế. Còn với thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID thì họ rất sợ gặp phải "rủi ro".
Trước việc này, Bảo hiểm xã hội cũng đã có giải pháp kỹ thuật để có thể giúp các cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra được trạng thái "vào - ra" của người sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID", ông Phương cho hay.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đối với việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai sử dụng căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ Bảo hiểm y tế giấy để khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế theo Đề án 06.
Từ ngày 11/02/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua số chứng minh nhân dân để đối chiếu, đồng bộ (lấy) số căn cước công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sang cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội.
Người dùng ứng dụng VssID giờ đây có thể tự tin xoá đi nỗi lo mất thẻ BHYT bằng giấy. Ảnh minh hoạ: Trung Dũng |
Tính đến ngày 29/6/2022, hệ thống đã xác thực 47.414.355 thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số chứng minh thư nhân dân và căn cước công dân) có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 35.636.200 lượt bản ghi thông tin Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ngày 28/02/2022, Bộ Y tế có Công văn số 931/BYT-BH gửi các Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc về việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp.
Ngày 01/03/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã có Công số 533/BHXH-CSYT gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để triển khai nội dung trên.
Sau 4 tháng triển khai thí điểm khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, tính đến hết tháng 6/2022, toàn quốc đã có 6.433 cơ sở khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân với 253.130 lượt tra cứu thành công phục vụ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp.