Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”

13/07/2022 16:44
Ngọc Mai
GDVN- Chiều ngày 13/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022.

Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực tổ chức.

Lễ phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022. (Ảnh: Ngọc Mai).

Lễ phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022. (Ảnh: Ngọc Mai).

Cuộc thi nhằm ghi nhận, tôn vinh những thầy, cô giáo có việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục và những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học và giáo dục học sinh.

Hướng tới lan tỏa những tình cảm tốt đẹp của học sinh, sinh viên, phụ huynh học sinh đối với các thầy giáo, cô giáo và các nhà trường, từ đó góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của mỗi học sinh, sinh viên.

Đồng thời, cuộc thi nhằm động viên, khuyến khích các thầy, cô giáo vượt qua khó khăn, tiếp tục có những cống hiến cho ngành Giáo dục và xã hội.

Tham dự buổi Lễ phát động, có ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó trưởng ban thường trực Ban tổ chức; bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Phạm Quỳnh, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Thay mặt Ban Tổ chức cuộc thi, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại đã thông qua thể lệ cuộc thi.

Về nội dung, các tác phẩm dự thi tập trung vào những kỷ niệm sâu sắc về thầy, cô giáo và mái trường. Cụ thể, các tác phẩm viết về những ấn tượng sâu sắc về thầy cô giáo mà tác giả yêu quý, ngưỡng mộ hoặc những tác động, ảnh hưởng đặc biệt của thầy cô giáo tới việc học tập, nhận thức và làm thay đổi cuộc sống của cá nhân tác giả (hoặc bạn bè, người thân tác giả); Những tình huống sư phạm tiêu biểu, điển hình và cách giải quyết tình huống của thầy, cô giáo mà tác giả từng gặp, trải qua.

Về hình thức, các tác phẩm thể hiện dạng văn bản, viết bằng tiếng Việt, tối thiểu 500 từ (hình ảnh, video minh họa kèm theo nếu có). Tác phẩm có thể viết bằng tay hoặc đánh máy, trình bày rõ ràng trên một mặt giấy A4, cỡ chữ 14, font chữ Time New Roman. Thông tin tác giả và tác phẩm ghi rõ trên trang đầu tiên. Thông tin về tác giả và tác phẩm dự thi ghi rõ trên trang đầu tiên của tác phẩm dự thi để Ban tổ chức làm phách khi chấm.

Các tác phẩm dự thi chưa đăng tải trên sách báo, chưa công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào hoặc gửi dự thi ở các cuộc thi khác do Bộ, ngành, Trung ương tổ chức tính đến ngày gửi đến Ban tổ chức (theo dấu bưu điện). Tác giả dự thi phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chân thực, chính xác về nhân vật và nội dung bài dự thi của mình.

Đối tượng tham dự cuộc thi là công dân Việt Nam, bao gồm các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành giáo dục; học sinh, sinh viên; phụ huynh, người quan tâm tới giáo dục, ngoài trừ thành viên tham gia Ban Tổ chức và Hội đồng chấm giải.

Tại buổi Lễ phát động, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ niềm vui khi đây là lần thứ 5 liên tiếp Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được tổ chức.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của Báo Giáo dục và Thời đại, nhấn mạnh sự thành công và sức lan tỏa của cuộc thi là xuất phát từ việc Ban tổ chức đã lựa chọn đề tài rất tốt, phù hợp với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, sự tri ân, niềm kính yêu của học trò đối với thầy cô.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thay mặt lãnh đạo Bộ phát động cuộc thi. (Ảnh: Ngọc Mai).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng thay mặt lãnh đạo Bộ phát động cuộc thi. (Ảnh: Ngọc Mai).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, so với các năm trước, cuộc thi năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt hơn.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 20/11/1982 – 20/11/2022 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nên cuộc thi càng có ý nghĩa và quan trọng hơn.

Trong 5 năm tổ chức thì có 3 năm diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng sức lan tỏa của cuộc thi không giảm đi mà có những câu chuyện, kỷ niệm đẹp về thầy cô, mái trường gắn với đại dịch đã đi vào trong những tác phẩm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục tin tưởng rằng, năm nay, sẽ tiếp tục có những tác phẩm ấn tượng viết về thầy, cô giáo thành công hơn nữa để tạo sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nền giáo dục.

“Chính mục đích, ý nghĩa trong sáng của cuộc thi, đề nghị Ban Tổ chức, Hội đồng chấm giải làm việc công tâm, khoa học, khách quan để lựa chọn tác phẩm xứng đáng nhất, đáp ứng được mục đích, yêu cầu cuộc thi, ngày càng thu hút đông đảo các đối tượng tham gia hơn, không chỉ dừng lại ở con số 60 nghìn, 80 nghìn, nhân lên những tình cảm tốt đẹp, kỷ niệm thầy cô, mái trường trong mỗi học sinh, sinh viên ngày càng phong phú, đa dạng hơn”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ vọng vào cuộc thi.

Phát biểu chia sẻ tại Lễ phát động, ông Phạm Quỳnh, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng, may mắn khi được đồng hành cùng cuộc thi trong vai trò là thành viên Hội đồng chấm giải.

Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, tiền thân của cuộc thi viết “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” là cuộc thi viết về “Những kỷ niệm sâu sắc về giáo viên chủ nhiệm và công tác chủ nhiệm lớp” phát động lần đầu tiên năm 2011.

Từ năm 2018 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự bảo trợ của Báo Giáo dục và Thời đại, cuộc thi diễn ra thường niên và mang tính thời sự rất cao.

Qua công tác chấm giải, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cảm thấy may mắn khi đọc những tác phẩm được gửi về từ khắp mọi miền tổ quốc. Trong đó, có những tác giả là học sinh nay đã trưởng thành, hoặc vẫn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, những thầy cô còn đang dạy học hoặc đã nghỉ hưu.

Những kỷ niệm mà tác giả mang lại cho cuộc thi là tình cảm thấm đẫm, nhân văn, khiến người đọc sống lại những không gian, thời gian tuổi học trò.

Sau 11 năm, cuộc thi đã thành công ngoài dự kiến, có sức lan tỏa mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân tham gia.

Cuối bài phát biểu, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh cuộc thi trở thành sự kết nối tình cảm thầy trò, củng cố quan hệ gia đình, nhà trường, cùng chung tay giáo dục thế hệ tương lai, là cuộc thi có ý nghĩa nhân văn cần được phát huy hàng năm.

Cô Phạm Thị Hường, giáo viên Trường Trung học cơ sở Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – người giành giải Ba cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2020.

Cô Phạm Thị Hường, giáo viên Trường Trung học cơ sở Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – người giành giải Ba cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2020.

Xúc động tại buổi Lễ phát động, cô Phạm Thị Hường, giáo viên Trường Trung học cơ sở Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – người giành giải Ba cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2020 bày tỏ, dù gần 2 năm trôi qua nhưng dư âm của cuộc thi vẫn làm cô rất xúc động và trào dâng lòng biết ơn vô hạn.

Cô Phạm Thị Hường bày tỏ nhiệt tình ủng hổ, hưởng ứng cuộc thi, bởi đây là cuộc thi ý nghĩa, để thế hệ học trò có cơ hội được bày tỏ tình cảm, sự kính yêu, tự hào về thầy cô, mái trường.

Cuộc thi đã đáp ứng mong mỏi của nhiều người trên khắp mọi miền, được nói tiếng nói tri ân đối với “người chở đò thầm lặng”.

Cơ cấu và giá trị giải thưởng Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2022:

2 giải tập thể; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba; 6 giải Khuyến khích; Giải thưởng phụ do Ban tổ chức cuộc thi xem xét quyết định, tùy tình hình thực tế của mỗi năm tổ chức.

Giải Nhất: 10.000.000 đồng/giải; Giải Nhì: 8.000.000 đồng/giải. Hai giải này đều nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giải Ba: 6.000.000 đồng/giải; Giải Khuyến khích: 3.000.000 đồng/giải; Giải tập thể: 5.000.000 đồng/giải. Giải thưởng phụ: 2.000.000 đồng/giải. Các giải này đều kèm theo Giấy chứng nhận giải thưởng Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.

Lễ tổng kết và trao giải thưởng dự kiến được tổ chức vào tháng 11/2022.

Ngọc Mai