Muốn thay đổi diện mạo giáo dục, cần rốt ráo thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP

22/07/2022 06:36
Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)
GDVN- Còn nhiều bất cập nên ngay cả những nhà đầu tư tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẫn phải than thở bởi nhiều cái khó.

Thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,… cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định. Bên cạnh đó, xã hội hoá giáo dục cũng còn rất nhiều thách thức, nhất là trong nhận thức, rất cần hiểu đúng và hành động đúng.

“Xã hội hoá” trong giáo dục và đào tạo: kết quả bước đầu và những thách thức cần quan tâm

Đến năm 2019, theo thống kê của Chính phủ, các địa phương đều có loại hình giáo dục đào tạo ngoài công lập với 2.955 cơ sở (chiếm 6,68% trong tổng số 44.228 cơ sở giáo dục đào tạo của cả nước); 1,35 triệu học sinh, sinh viên (chiếm 6% trong tổng số 22,5 triệu học sinh, sinh viên cả nước); tạo ra gần 100 nghìn việc làm cho nhà giáo, người lao động.

Đối với giáo dục đại học, có 65 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập với tổng số 244 nghìn sinh viên, chiếm 13,8% tổng số sinh viên cả nước; đã có 5 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đào tạo trên 5 nghìn sinh viên mỗi năm. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam thực hiện trên 500 chương trình hợp tác và liên kết đào tạo với hơn 200 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài.

Đối với giáo dục nghề nghiệp, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (gồm: 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp), trong đó có 677 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 34,7%).

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Cũng theo đánh giá của Chính phủ nêu trong Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế như:

Các nguồn lực của xã hội thu hút vào khối ngoài công lập còn rất thấp so với tiềm năng. Các nguồn lực của xã hội huy động chủ yếu từ các cá nhân thông qua học phí và đóng góp thiện nguyện, chưa huy động được sự tham gia rộng rãi, đóng góp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và đội ngũ trí thức Việt kiều.

Việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập tiến triển chậm. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình (nhất là về tài chính) của các cơ sở công lập;... nhưng việc thực hiện cơ chế tự chủ mới bước đầu triển khai; hoạt động đầu tư, hợp tác của khối tư nhân với các cơ sở giáo dục công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công - tư... còn đơn lẻ, không tạo sự đột phá trong toàn hệ thống.

Khi phân tích các nguyên nhân, bên cạnh “điểm nghẽn chính là khâu triển khai thực hiện các chính sách đã ban hành”, Chính phủ cũng đề cập đến vấn đề “thuộc về nhận thức của các cấp quản lý, của người học và xã hội”. Chúng ta biết, nhận thức đối với một cá nhân đã là một quá trình, nên đối với một hệ thống thì cần cả một sự quyết tâm chính trị.

Công lập hay ngoài công lập đều vì mục tiêu giáo dục và đào tạo

Giáo dục và đào tạo của Việt Nam sau mấy thập niên nhìn lại đã thay đổi đáng kể. Tuy nhiên bức tranh giáo dục và đào tạo hiện nay đã phân hoá đa sắc màu.

Có thể nói, một xã hội ưu việt là xã hội mà ở đó mỗi đứa trẻ sinh ra dù nông thôn hay thành thị, dù nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều là những thành viên của xã hội và là chủ nhân tương lai của dân tộc, của quốc gia. Hoàn cảnh, điều kiện có khác nhau, nhưng tiếp cận giáo dục cần được bình đẳng. Mặt khác, nếu tất cả đều được chăm sóc tốt, giáo dục phổ thông tốt sẽ hạn chế các tệ nạn cho xã hội; có cơ hội phát triển lên các bậc học cao hơn và sẽ đóng góp nguồn nhân lực chất lượng tốt cho xã hội. Đất nước có nhiều nhân tài ắt sẽ thịnh vượng bền lâu.

Tiếc là từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông của nước ta quá khác xa nhau ở nhiều góc nhìn. Có những nơi, nguồn lực được huy động trong xã hội, nhưng chất lượng chưa cao. Đầu tư cho giáo dục ở những vùng sâu vùng xa và ngay cả ở các khu công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Con em của nông dân ở nông thôn hay của công nhân ở vùng đô thị vẫn khó tiếp cận được chất lượng giáo dục tốt.

Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp ở cả trường công lập lẫn ngoài công lập đâu đó vẫn có trường hợp chưa rõ mục tiêu. Định hướng nghiên cứu hay ứng dụng cũng khó định hình cụ thể và không dễ phân định ngay trong một cơ sở giáo dục. Đó là bất cập lớn cần xác định lại từ đường hướng.

Giáo dục đại học đối với những ngành khoa học cơ bản đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quốc gia, thế nhưng với cơ chế như hiện nay cứ để “tự bơi” giữa cơ chế thị trường, rất khó khăn trong tuyển chọn người tài, tâm huyết và không dễ có được nhân tài cống hiến trí tuệ hết mình ở hiện tại và tương lai.

Chắc còn rất nhiều bất cập nữa trong cả giáo dục và đào tạo hiện nay, nên ngay cả những trường hàng đầu và ngay cả những nhà đầu tư tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo vẫn phải than thở bởi nhiều cái khó.

Cần huy động các nguồn lực xã hội nhưng ngân sách vẫn cần tăng cường

“Cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Giáo dục và đào tạo được đánh giá là động lực thúc đẩy và là một điều kiện cơ bản bảo đảm việc thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. “Đầu tư cho giáo dục là một trong những hướng chính của đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự phát triển kinh tế - xã hội”. Huy động toàn xã hội “làm giáo dục”, động viên các tầng lớp nhân dân góp sức xây dựng nền giáo dục quốc dân dưới sự quản lý của Nhà nước cũng là quan điểm của Đảng.

Nghị quyết 35/NQ-CP cũng trên tinh thần đó xác định “các nguồn lực xã hội là rất quan trọng, cần được thu hút để chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng chi phí toàn xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.”.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng khẳng định “việc huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục và đào tạo không để thay thế mà là nguồn bổ sung quan trọng cho ngân sách nhà nước, góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước tại các cơ sở công lập, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực, địa bàn và đối tượng mà tư nhân không muốn hoặc không có khả năng đầu tư…”

Chúng ta biết, tự chủ đại học là chủ trương đúng, nhưng rất nhiều trường gặp khó ngay khi tự chủ. Khó không phải vì quán tính “trông chờ ngân sách” mà thực tế nếu chỉ “trông chờ” vào học phí và các dịch vụ giáo dục thì rất khó thực hiện đúng mục tiêu giáo dục như kì vọng của một xã hội ưu việt. “Xã hội hoá” trong giáo dục và đào tạo cũng là chủ trương đúng, nhưng nhiều nơi chậm triển khai.

Tóm lại, phát triển giáo dục là nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo những con người có kiến thức văn hoá, khoa học, có kỹ năng nghề nghiệp, lao động tự chủ, sáng tạo và có kỉ luật, giàu lòng nhân ái, yêu nước…. Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực đặc thù và đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Điều đó cũng đã được cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi sang thăm Việt Nam năm 2007 phát biểu: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”.

Chính vì vậy, với Nghị quyết 35/NQ-CP được xem là một chủ trương lớn, rất cần hiểu đúng và thực hiện rốt ráo từ Bộ ngành liên quan đến các địa phương.

Phó giáo sư Võ Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)