Đối tượng cử tuyển tâm tư vì ra trường về địa phương không được bố trí việc

05/08/2022 06:32
Lê An
GDVN- Ra trường, người học thuộc diện cử tuyển không được phân công công tác, khiến họ phải xoay sở những việc lao động chân tay như làm tạp vụ...

Theo Nghị định141/2020/NĐ-CP (thay thế cho Nghị định 134/2006/NĐ-CP), cử tuyển là việc tuyển sinh qua phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp đối với người học là người dân tộc thiểu số rất ít người, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Đối tượng cử tuyển được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo. Đồng thời được tiếp nhận và phân công công tác sau khi tốt nghiệp.

Song song với đó, người học phải cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về sự phân công công tác sau khi tốt nghiệp...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, có đối tượng thuộc diện cử tuyển ở tỉnh Điện Biên tốt nghiệp đại học giai đoạn 2015-2021 khi về địa phương nhưng không được phân công công tác.

Hệ quả là nhiều cử nhân thay vì làm việc đúng chuyên môn đào tạo thì người đi làm bồi bàn, người đi làm công nhân... rồi có người quyết định trở lại với bản làng để làm nông nghiệp.

Bố mẹ bán bò nuôi con ăn học nhưng công việc vẫn long đong

Huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, lên nương, làm rẫy. Bởi vậy, nhiều gia đình phải cố gắng lắm mới tạo điều kiện được cho con học hết phổ thông, còn học đại học vẫn là điều khá xa vời.

Trái ngược với quan điểm đó, bố mẹ của chị Vy Thị Nghiên (sinh năm 1990, huyện Điện Biên) làm ruộng nhưng vẫn mạnh dạn đầu tư cho 5/6 người con học cao đẳng, đại học. Họ mong muốn các con thoát nghèo, học tập để có tri thức góp phần thay đổi cuộc sống tốt lên.

"Bố mẹ đầu tư cho các con ăn học tương đương số tiền bằng giá trị cả ngôi nhà, cả đàn trâu bò. Bởi vậy, bố mẹ không còn tiền để sắm sửa gì cho căn nhà...", chị Nghiên nhớ mãi câu nói của bố.

Tuy nhiên, sự thật đáng buồn là nhà chị Nghiên - 5 cử nhân có bằng ngành sư phạm, y dược, khuyến nông... khi ra trường đều không xin được việc làm đúng chuyên ngành.

Chị Vy Thị Nghiên (Ảnh: NVCC)

Chị Vy Thị Nghiên (Ảnh: NVCC)

Trong số các anh, chị, em, chị Vy Thị Nghiên thuộc diện cử tuyển của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên. Tốt nghiệp đại học, chị Nghiên không nhận được thông báo phân công việc nên chị về địa phương và làm tạp vụ tại xã.

Khi nhận được thông tin xã tinh giản biên chế, viên chức khuyến nông chỉ còn một người, cũng là lúc chị biết cơ hội đã hết. Hai tháng sau, chị lấy chồng và ở nhà làm nông nghiệp đến nay.

Chia sẻ về quá trình học tập, chị Nghiên cho hay, năm 2010, khi biết tin huyện tuyển đối tượng cử tuyển, chị nộp hồ sơ, học bạ để xét tuyển. Sau đó, chị được xét vào trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Vào trường, cũng như nhiều đối tượng cử tuyển khác, Nghiên mất một năm dự bị để học văn hóa, rồi sau đó là chọn ngành học.

"Tôi học ngành Khuyến nông, học những gì liên quan đến trồng trọt, chăn nuôi... sau này ra trường sẽ là cán bộ đi tuyên truyền, tập huấn cho người dân có kiến thức về nông nghiệp", chị Nghiên chia sẻ.

Chị Vy Thị Nghiên chia sẻ thêm, trong quá trình học tập thời điểm đó, chị được miễn học phí và hỗ trợ một năm học hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, các khoản sinh hoạt thì gia đình vẫn phải gửi cho.

Tại quê nhà, mỗi khi thấy các con cần tiền để đóng học phí, sinh hoạt thì bố mẹ lại bán bò để gửi tiền lên. Chính bởi vậy, trong căn nhà sàn của bố mẹ chị Nghiên đang ở, không có đồ đạc, tài sản giá trị nào. Đổi lại, giá trị mà họ có là con cái được ăn học đàng hoàng.

Cử tuyển diện trao đổi giữa các địa phương của hai nước cũng... không được phân công

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Souphanouvong tỉnh Luang Prabang (Lào) vào năm 2021, đến nay anh Thái (tên nhân vật đã được thay đổi -PV), dân tộc Thái ở huyện Điện Biên cũng như các bạn học thuộc diện cử tuyển cùng khóa vẫn chưa được địa phương bố trí việc làm.

Anh Thái thuộc diện đối tượng cử tuyển trao đổi giữa tỉnh Luang Prabang và tỉnh Điện Biên, nên được Sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Luangprabang hỗ trợ khoảng 1,2 triệu kíp Lào/tháng (khi đó tương đương khoảng gần 3 triệu đồng tiền Việt).

"Ngay khi về nước, tôi đã gửi bảng điểm, bằng tốt nghiệp về Sở Giáo dục và Đào tạo để báo cáo việc tốt nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay tôi vẫn chưa nhận được thông báo gì từ Sở", anh Thái chia sẻ.

Lớp có 34 sinh viên, anh Thái là một trong 10 người có thành tích tốt và nhận tấm bằng loại khá (Ảnh: NVCC)Lớp có 34 sinh viên, anh Thái là một trong 10 người có thành tích tốt và nhận tấm bằng loại khá (Ảnh: NVCC)

Với ngành đã học, anh Thái có thể tìm được công việc ở Hà Nội nhưng ở đó chi phí sinh hoạt đắt đỏ, khó ổn định cuộc sống nên anh chọn ở lại quê làm nông nghiệp.

Chia sẻ về việc lựa chọn ngành đã học, anh Thái cho biết, dù ngôn ngữ là ngành khó, tuy nhiên bản thân anh rất yêu quý văn hóa nước Lào nên muốn được học hỏi, trải nghiệm thêm, đồng thời cho rằng, ngành học này cần thiết cho sự giao lưu văn hóa, kinh tế hai nước, thuận tiện hơn cho công việc sau tốt nghiệp nhưng đến nay anh vẫn chưa được bố trí việc làm đúng chuyên ngành.

Về hoàn cảnh gia đình, anh Thái cho hay, bố anh làm cán bộ ở xã, mẹ anh làm nông nghiệp, em gái anh cũng thuộc diện cử tuyển và đang học ngành y tại Trung Quốc, cơ hội xin việc làm tại đơn vị tư nhân ở địa phương cũng dễ dàng hơn một số người cùng đối tượng cử tuyển khác.

Lê An