Nhìn vào kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh của cả nước năm 2022 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy: có 866.196 thí sinh tham gia thi bài thi tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.15 điểm, điểm trung vị là 4.8 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3.8 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 423 (chiếm tỷ lệ 0.05%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 446.648 (chiếm tỷ lệ 51.56%).
Phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn tiếng Anh năm 2022. Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Đánh giá về phổ điểm, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên Tiếng Anh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI cho hay: "Năm nay, điểm thi tiếng Anh tiếp tục nằm trong những môn có điểm trung bình thấp nhất (5.15 điểm) trong tổng số các môn của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Mặc dù trước đó, đề thi được đánh giá vừa sức với hơn 65% câu hỏi nhận biết. Tức là, học sinh chỉ cần học được các cấu trúc ngữ pháp, từ vựng tiếng Anh cơ bản đã được học trong chương trình trung học phổ thông là có thể đạt điểm từ 6-7 điểm khá dễ dàng. Tuy nhiên, thực tế lại có tới 51.56%% thí sinh đạt điểm dưới trung bình".
Vậy nguyên nhân do đâu môn tiếng Anh lại luôn có “thành tích” đáng buồn như vậy?
Thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI. Ảnh: NVCC |
Lý giải điều này, thầy Nguyên cho rằng, nguyên nhân đầu tiên mà ai cũng có thể nhận ra đó là do dịch bệnh mà việc học và ôn thi gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở những vùng nông thôn (nơi có số lượng học sinh tham gia thi nghiệp trung học phổ thông chiếm đa số). Dịch bệnh đã khiến các em phải học trực tuyến kéo dài (2/3 năm học) làm học sinh thiếu tập trung, thiếu tính cạnh tranh với bạn bè và ít tương tác với giáo viên. Do vậy, chất lượng học tập cũng đi xuống đáng kể.
Thứ hai, chất lượng dạy và học tiếng Anh chưa được cao, cũng như chưa được đầu tư xứng đáng.
Cụ thể, với việc dạy tiếng Anh, trình độ giáo viên giảng dạy không đồng đều giữa các vùng miền, khá khó để có thể tìm được đủ giáo viên tiếng Anh xuất sắc về các vùng nông thôn giảng dạy. Chính vì vậy, phần lớn học sinh không tiếp cận được với phương pháp giảng dạy tiếng Anh tốt. Trong khi đó, ngược lại ở các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và Hồ chí Minh, số lượng giáo viên tiếng Anh giỏi khá nhiều tuy nhiên lượng học sinh so với cả nước lại chiếm tỷ lệ nhỏ hơn.
Điều này dẫn tới việc “học sinh Hà Nội và Hồ Chí Minh nhận định đề thi dễ, có thể đạt điểm 9 hoặc 10 nhưng học sinh ở các tỉnh thành khác lại đánh giá “khó và mong không bị liệt”.
Việc học tiếng Anh cũng không được các em học sinh chú trọng. Một phần là do môn tiếng Anh với các em “luôn là môn khó”, một phần nữa là do các em học sinh đã lựa chọn được khối thi của mình ngay từ đầu. Vì vậy, trong thời gian ôn luyện chỉ tập trung vào các môn trong khối thi của mình. Nhiều thí sinh lựa chọn những khối thi không có tiếng Anh như A00, B00 hay C00 - những khối thi được đánh giá là an toàn và có nhiều lựa chọn ngành học ở đại học.
Từ đấy dẫn tới kết quả là, môn tiếng Anh gần như không có trong danh sách những môn nên học. Vì vậy, điểm môn tiếng Anh chỉ cần “không bị liệt” cũng đã là một thành tích với nhiều học sinh.
Thứ ba, nếu xét điểm của năm 2022 so với những năm trước, có thể thấy điểm năm nay thấp hơn hẳn bởi vì đề thi năm nay được đánh giá hay hơn so với những đề thi của các năm trước. Nhưng không hẳn chỉ vì vậy mà điểm thi lại thấp hơn như vậy.
Trong ba năm 2019, 2020 và 2021, đề thi chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo so với đề thi thật không có sự khác nhau là mấy. Dẫn đến học sinh chủ quan, học tủ, học lệch, học mẹo để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay. Vì vậy, đến khi đề thi chính thức của năm nay khó hơn, với những dạng mở rộng hơn (mở rộng từ những nội dung kiến thức đã được đề cập trong đề thi tham khảo) thì học sinh bị “ngợp” và tình trạng “tủ đè” rất nhiều.
"Qua đó cũng thấy việc dạy - học tiếng Anh cũng đang được dạy - học theo lối đối phó. Tức là, dạy - học làm sao để có thể khoanh đáp án cho đúng, chứ không phải dạy - học một cách đào sâu về bản chất để học sinh có kiến thức, giỏi thực sự.
Để có thể nâng cao thành tích (về mặt điểm số) với môn tiếng Anh, ai cũng biết đó là phải nâng cao chất lượng dạy và học ở nhà trường. Cũng như nâng cao nhận thức của học sinh về tầm quan trọng của tiếng Anh.
Thế nhưng, để làm được điều này, tôi cho rằng chúng ta cần thời gian chứ không chỉ một sớm một chiều. Thực tế, việc tập huấn cho giáo viên tiếng Anh luôn được nhà trường thực hiện thường xuyên, sách giáo khoa cũng được nghiên cứu thay đổi theo hướng học chủ động, tuy nhiên kết quả của các buổi tập huấn vẫn chưa rõ rệt", thầy Nguyễn Trung Nguyên bày tỏ.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Minh Anh, giáo viên tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) bày tỏ để đạt được điểm từ trung bình trở lên không khó. Điều quan trọng là học sinh cần nắm chắc kiến thức từ cơ bản đến nâng cao của các chuyên đề ngữ pháp đan xen với việc rèn luyện nhiều bài tập thực hành để thành thạo các kiểu bài tập chuyên đề.
Cô Nguyễn Thị Minh Anh, giáo viên tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Đông Bắc Ga (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC |
"Tập trung ôn lại cấu trúc của từng loại, từng dạng bài kết hợp với việc làm nhiều đề để khắc sâu kiến thức. Cụ thể, bài tập từ đồng nghĩa trái nghĩa thì cố gắng đoán từ theo ngữ cảnh. Bài đục lỗ tức là điền từ vào chỗ trống phải nắm vững cấu trúc Many/few+ Ns; other + Ns; the other/ much/ little + N số ít ...; đại từ quan hệ who/ which/ that...từ mang nghĩa cố định; từ nối liên kết câu (but, however, although, morever, and, as...).
Về bài đọc, cần đặc biệt chú ý ý chính (main idea), tiêu đề (the best tittle), từ thay thế (replace), đúng hay không đúng nội dung trong bài(true / not true), (refer to.../ ...). Ngoài ra, để làm tốt bài đọc thì học sinh cần tích lũy vốn từ, chăm chỉ, kiên trì, rèn luyện nhiều đề sẽ rút ra được cách làm của bài này là cách làm của bài kia.
Đồng thời, luyện phương pháp dịch thầm, nhanh mắt tóm gọn nội dung bài để chọn đáp án đúng nhất cho những câu khó. Chăm chỉ và tự giác sẽ có kết quả tốt", cô Nguyễn Thị Minh Anh nhấn mạnh.