Lai Châu gặp khó khi huy động nguồn lực xã hội hóa cho phát triển GD theo NQ35

26/07/2022 06:28
Ngân Chi
GDVN-Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, Lai Châu có thêm 2 CSGD mầm non ngoài công lập. Địa phương cho biết còn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn.

Mục tiêu giảm quá tải cho các cơ sở công lập

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tống Thanh Hải (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu) cho biết: “Ngay sau khi có Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/06/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1493/KH-UBND ngày 23/7/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP.

Theo đó, thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư mở rộng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập tại trung tâm các huyện, thành phố góp phần giảm quá tải tại các trường mầm non công lập”.

Ông Tống Thanh Hải (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu). (Ảnh: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu).

Ông Tống Thanh Hải (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu). (Ảnh: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu).

Theo thống kê tại Kế hoạch, sau hơn 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước thông qua đóng góp, đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng và đông đảo nhân dân (gọi chung là các nguồn lực của xã hội) cho phát triển giáo dục đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định, thu hút đáng kể nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 352 cơ sở giáo dục (mầm non: 114; tiểu học: 97; trung học cơ sở: 109; trung học phổ thông: 23; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: 08, cao đẳng: 01) với tổng số 149.865 học sinh, sinh viên. Trong đó, có 14 cơ sở giáo dục ngoài công lập với 343 học sinh (chiếm tỉ lệ 0,23%).

Cụ thể: Đối với giáo dục mầm non, toàn tỉnh có 114 trường mầm non với 40.423 học sinh (trong đó có 113 trường công lập), 14 nhóm trẻ tư thục chiếm tỉ lệ 12,2%. Số học sinh trong các cơ sở tư thục là 343 chiếm tỉ lệ 0,85%. Số trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ được huy động đến lớp đạt tỉ lệ 23,2% dân số trong độ tuổi, mẫu giáo đạt 99,5% dân số trong độ tuổi.

Đối với giáo dục phổ thông: Toàn tỉnh có 229 cơ sở giáo dục (tiểu học: 97; trung học cơ sở: 109; trung học phổ thông: 23) với 106.011 học sinh, không có cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trong đó, giáo dục tiểu học (toàn tỉnh có 97 trường với 58.076 học sinh); giáo dục trung học cơ sở (toàn tỉnh có 109 trường công lập với 37.984 học sinh; giáo dục trung học phổ thông (toàn tỉnh có 23 trường với 9.951 học sinh);

Đối với giáo dục nghề nghiệp: Toàn tỉnh có 08 cơ sở giáo dục với 2.903 học viên.

Đối với giáo dục chuyên nghiệp: Toàn tỉnh có 1 trường cao đẳng công lập với quy mô 528 sinh viên, học sinh.

Trong giai đoạn 2019-2025, do tăng dân số, tăng tỉ lệ huy động trẻ ra lớp, số lượng trường học giảm theo kế hoạch sáp nhập, số lớp tăng lên đặc biệt là lớp học mầm non, phổ thông; đặc biệt khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập để đáp ứng nhu cầu học tập, giảm quá tải cho các cơ sở công lập.

Cũng theo Kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Phấn đấu số cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 5,5% số cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh và số học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 0,38%.

Chỉ tiêu về mạng lưới trường, lớp, học sinh trong triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP. (Nguồn: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu).

Chỉ tiêu về mạng lưới trường, lớp, học sinh trong triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP. (Nguồn: Uỷ ban nhân dân tỉnh Lai Châu).

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, đặc biệt là ở trung tâm các huyện, thành phố, nơi có số trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non, mẫu giáo tăng nhanh do di dân cơ học, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt tỉ lệ ít nhất là 12,8%, tương ứng với số trẻ em theo học đạt ít nhất là 0,8%.

Đối với giáo dục chuyên nghiệp: Duy trì, củng cố, nâng cao quy mô, chất lượng của Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu.

Kết quả huy động nguồn lực sau 2 năm triển khai

Sau hai năm triển khai theo Kế hoạch, quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh Lai Châu ít nhiều đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, giai đoạn năm học 2021-2022 không có nhiều thay đổi so với năm học 2020-2021.

Theo báo cáo số 920/BC-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu ngày 18/5/2021 về tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ và thực hiện công tác xã hội hóa trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2021, đã đề cập đến kết quả huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quy hoạch mạng lưới trường lớp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tiếp tục thu hút đầu tư mở rộng phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập tại trung tâm các huyện, thành phố đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp có lộ trình cụ thể, phù hợp để tổ chức thực hiện. Mạng lưới trường lớp dần được quy hoạch theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, huy động tối đa học sinh ở các điểm trường về trung tâm học nhằm xóa dần các điểm trường lẻ, tăng tỉ lệ học sinh trên lớp.

Trong giai đoạn tới, mạng lưới trường học toàn tỉnh phát triển theo hướng không tiếp tục phát triển mở rộng các cơ sở giáo dục công lập mà cần đầu tư có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc một số cơ sở giáo dục trọng điểm; chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập.

Tỉnh đã có quy hoạch sử dụng đất tại tất cả các huyện, thành phố, trong đó, đã tổ chức rà soát diện tích đất các đơn vị trường học, xác định nhu cầu mở rộng đất các đơn vị trường đưa vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021.

Tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục. Tạo cơ chế để thu hút sự đầu tư cho giáo dục trên địa bàn như: mở các trường tư thục, trường chuyên biệt.

Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Chấn chỉnh thực hiện nghiêm các khoản thu xã hội hóa tại các đơn vị trường học trong toàn tỉnh. Kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng các khoản huy động tài trợ, ủng hộ tự nguyện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 03/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tài trợ cho các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn. Các cơ sở trên thực hiện đảm bảo về các khoản thu học phí, tiền ăn; cam kết chất lượng dịch vụ. Công tác công khai tài chính định kỳ theo quy định.

Theo số liệu Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cung cấp, đến cuối năm học 2021-2022, số cơ sở giáo dục ngoài công lập trên toàn tỉnh là 16/345 (đạt 4,63%), tương ứng với số trẻ em theo học 319/39.063 (đạt 0,21%). Trong đó, riêng bậc học mầm non số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập 16/114 (đạt 14,03%), tương ứng với số trẻ em theo học 319/39.063 (đạt 0,81%).

Được biết, số cơ sở giáo dục ngoài công lập trên toàn tỉnh không thay đổi so với năm học 2020-2021).

Trong những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ theo Kế hoạch đã xây dựng; phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu Kế hoạch số 1493/KH-UBND ngày 23/7/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cụ thể, ông Đinh Trung Tuấn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu) cho biết: “Theo Quy hoạch mạng lưới giáo dục tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2025 toàn tỉnh có 19 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (trong tổng số 114 cơ sở giáo dục mầm non), tương đương đạt tỉ lệ 16,7%; với 578 học sinh (giáo dục phổ thông không có giáo dục ngoài công lập).

Ông Đinh Trung Tuấn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu). (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu).

Ông Đinh Trung Tuấn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu). (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu).

Đồng thời, phấn đấu số cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 5,5% số cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh và số học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt tỉ lệ 0,38%.

Kế hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tất cả các huyện, thành phố có cơ sở giáo dục ngoài công lập và toàn tỉnh có trường ngoài công lập ở tất cả các cấp học”.

Gặp khó trong huy động đầu tư, Sở Giáo dục có nhiều kiến nghị

Theo vị Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, trong thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP thời gian qua, địa phương này cũng gặp không ít khó khăn.

“Lai Châu là tỉnh miền núi cao, biên giới, giao thông chia cắt, đi lại khó khăn; có diện tích tự nhiên 9.068,73 km2, có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện, 1 thành phố; trong đó có 4 huyện biên giới); 4 huyện nghèo; 106 xã, phường, thị trấn (trong đó: 58 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới); dân số trên 47 vạn người phân bổ thưa thớt, không tập trung, gồm 20 dân tộc (trong đó có 3 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng và Si La), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84%;

Chưa kể, đời sống của nhân dân đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện gửi con tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tư thục, do đó không hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, khó khăn trong công tác huy động các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh. Để phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lai Châu chủ yếu phải dựa vào ngân sách nhà nước” - ông Tống Thanh Hải thông tin.

Học sinh trường mầm non ngoài công lập tại Lai Châu. (Ảnh: Trường mầm non Kiddihub).

Học sinh trường mầm non ngoài công lập tại Lai Châu. (Ảnh: Trường mầm non Kiddihub).

Đối với giai đoạn đầu trong triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, một số địa phương cũng gặp phải “lực cản” của dịch Covid-19, tuy nhiên, theo ông Tống Thanh Hải, trong năm 2020-2021, trên địa bàn tỉnh kiểm soát tốt tình hình diễn biễn của dịch Covid-19, nên không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai Nghị quyết.

Bên cạnh đó, trong báo cáo số 920/BC-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu, cũng đề cập những tồn tại, vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai: Việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục của tỉnh chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở các trung tâm và mới chỉ tập trung ở cấp mầm non. Chưa có cơ sở giáo dục ngoài công lập ở các cấp học khác; chưa có khung khổ pháp lý cụ thể quy định quyền lợi, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi đầu tư cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Mặt khác, ngân sách địa phương chỉ tập trung đầu tư cho các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu. Nguồn nhân lực cho giáo dục ngoài công lập còn thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Từ những khó khăn trên, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu cũng có một số đề xuất, kiến nghị để triển khai Nghị quyết hiệu quả hơn: “Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức đầu tư cho giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập; về sử dụng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước.

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực, giấy phép lao động để khuyến khích các nhà trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và nước ngoài đóng góp công sức, trí tuệ và tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Bên cạnh đó, quan tâm tăng cường phân bổ ngân sách Trung ương để đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo của các tỉnh miền núi, biên giới và hải đảo để rút ngắn khoảng cách về giáo dục và đào tạo đối với các tỉnh vùng đồng bằng.

Ngoài ra, cần xây dựng, ban hành chính sách đặc thù về quyền lợi, của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (bao gồm cả các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập), bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập. Đặc biệt về tiền lương, tiền công, đảm bảo giáo viên có cuộc sống tốt bằng lương”.

Ngân Chi